.

Việc nhà

Thứ Sáu, 28/03/2014, 16:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Đêm nay chị lại gần như không ngủ. Thành nếp từ dạo anh phải xa nhà luôn, công việc ở trường rồi, một mình chị sắp xếp việc nhà. Chợp mắt  một lúc, khi hai con đã ngon giấc, chị dậy dọp dẹp nhà cửa, chuẩn bị cho ngày tới. Xong việc,  thứ bảy, chủ nhật chị tranh thủ ngủ bù. Dạo đó, anh  thường phải ra Móng Cái qua bên kia biên giới giao hàng. 

May mắn hơn anh, do học ngành mới, nhiều trường đang cần, chị được nhận về dạy học ngay tại thị xã. Anh thì lại trầy trật, học kỹ thuật, ra trường đúng thời điểm các cơ quan nhà nước giảm biên chế, nguyện vọng làm công chức gần nhà, ổn định của anh không thành. Vào làm cho một chi nhánh công ty ngoại thương, ban đầu công việc của  anh không được suôn sẻ lắm.

"Amateur" về thương trường, buôn bán, anh phải vừa làm vừa học người khác. Nhưng đó là thời kỳ thị trường khổng lồ Trung Quốc sau hơn 15 năm cải cách mở cửa, kinh tế phát triển mạnh, đang khát nguyên liệu. Công ty có lãi lớn từ các hợp đồng mua bán mủ cốm cao su, tôm đông lạnh... Giám đốc công ty trong một lần đến nhà chơi, trước mặt chị, khen anh "dân kỹ thuật mà khá !". Lời khen làm chị đỡ lo hơn cho cái công việc, vốn là lối rẽ ngang có phần bất đắc dĩ của anh.

Công ty đang ăn nên làm ra thì anh xin học thêm tại chức kinh tế, thêm  ngoại ngữ những lúc rảnh rỗi. "Công việc buộc phải thế" - anh nói với chị. Dần dà chị thấy anh có lý, thời buổi hội nhập kinh tế, làm ăn với bên ngoài không chỉ dừng lại ở kiểu "đánh quả", " ăn ngay từng chuyến" ra vùng biên nữa. Cơn sốt  nguyên liệu của thị trường Trung Quốc dần hạ nhiệt, có dấu hiệu bạn hàng không giữ cam kết của một vài hợp đồng, làm ăn ngày một khó, một số công ty trong tỉnh phải giải thể. Công ty của anh đã kịp chuyển hướng khai thác thị trường ở các tỉnh phía Nam, đó cũng là thời điểm các công ty từ Singapo, từ Âu - Mỹ bắt đầu thâm nhập thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Ban đầu, anh chỉ làm  đại diện một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, sau các công ty bạn đã tìm đến anh. Điều kiện đi lại và liên lạc ngày một thuận tiện hơn cho phép anh dăm bữa nửa tháng về công ty và thăm mấy mẹ con. Lúc rảnh anh lại lên mạng liên lạc. Với nhiều người, công việc giúp họ ổn định cuộc sống, gia đình sum vầy nhưng với anh chị công việc đã đưa anh đi xa gia đình, xa dần thành phố trẻ ở miền Trung mặn mòi gió biển mà ai đi xa cũng phải nhớ về. Đất nước Myanma mà chị biết qua truyền hình và Internet, nổi tiếng với những ngôi chùa có các ngọn tháp dát vàng lung linh trong ánh chiều tà rực rỡ, sau một thời gian khép mình, bắt đầu mở cửa, tạo ra nhiều cơ hội cho  các nước vào làm ăn.

Vốn sống  thời lính tình nguyện tại Lào của anh có đất dụng ở đất nước có dân số chủ yếu theo Phật giáo Tiểu thừa, sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Thêm kinh nghiệm trong thương mại và vốn tiếng Anh ngày càng vững, anh được cử sang Myanma ngay trong đợt đầu. Đã hơn tháng nay chị không liên lạc được với anh, hạ tầng thông tin của bạn còn yếu, chị không thể nói chuyện hàng ngày với anh như dạo trước.

Đêm nay, chị thấy trống vắng một cách kỳ lạ, căn nhà đang thiếu bàn tay và hơi ấm của người đàn ông. Hai con, một trai một gái đều đang học phổ thông cơ sở, sau một hồi đùa giỡn, ôm nhau ngủ ngon lành. Chị bắt đầu công việc quen thuộc. Chiếc hòm gỗ,  kỷ vật được một người bạn tặng làm kỷ niệm, được mang về từ đất Lào, bao giờ cũng là vật chị để dành sắp xếp cuối cùng. Nó gọn, nhỏ, nhưng khá nặng, đủ xếp các vật dụng thiết yếu cỡ một chiếc ba lô của người lính. Màu gỗ hương đỏ bóng, rõ từng thớ vân, mộng mẹo vẫn khít khao chứng tỏ người làm ra nó khá khéo tay và cẩn thận. Chị định sắp  xếp lại các thứ thật gọn trước khi để thêm vào đó mấy cuốn  sách của anh.

Đây là đôi dép cao su, kia là chiếc bình tông  đựng nước, trên nắp hòm là bàn cạo râu..., và dưới đáy là gói nilon xanh bọc kỹ mấy cuốn sổ. Ít khi dỡ từng cuốn ra, chị không muốn tò mò vào những công việc trước kia của anh, nhưng nay, đêm dài hơn, đủ cho chị lần lượt mở từng thứ để xếp lại, giấy tờ lâu ngày đôi khi ẩm mục rồi cũng nên!  Có một cuốn vở học sinh mỏng, đã cũ được kẹp trong một cuốn sổ bìa cứng khổ lớn. Chị lật trang đầu: "Ngày 29-2-1984: Đơn vị mới sang Xê Noan chiều hôm trước, sáng nay đã phải đi lấy tre về sửa doanh trại. Xê 5...".  "À, nhật ký !" chị khẽ reo lên...

Nhập học cùng đợt, nhưng anh, chị theo học ở hai trường khác nhau, chị kém anh gần bốn tuổi. Anh trở lại giảng đường, sau gần 3 năm rưỡi thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn. Năm đầu đại học, thỉnh thoảng anh vẫn lên cơn sốt rét, nhưng thời gian rồi cũng làm đôi môi thâm do sốt rét rừng của anh nhạt bớt đi.

Với chị, hình ảnh buổi ban đầu về người lính chỉ là những tân binh, tuổi mười tám, đôi mươi ở đơn vị huấn luyện gần nhà, nhớ bu nhớ mẹ thỉnh thoảng khóc thút thít, bụi đất bám đầy người, múc nước giếng dội ào ào sau mỗi buổi tập, cười nói rổn rảng, đủ thứ giọng. Huấn luyện xong hết đợt này, đến đợt khác họ lại lên đường.  Lớn lên chút nữa, qua sách vỡ chị biết thêm về họ với hình tượng rất hùng tráng. Một thời tên tuổi họ đồng nghĩa với sự hy sinh anh dũng, với những chiến công hiển hách, sức lôi cuốn của họ đã đến độ " cả năm châu chân lý đang nhìn theo".

"Vợ chồng có lúc này lúc khác", ông bà dạy gì có nấy, cuộc sống gia đình chị quả không sai ! Khó khăn dần qua, các con khôn lớn, ngoan và chăm học. Mọi việc anh cố gắng chu toàn để bù đắp cho vợ, con khi vắng nhà. Duy chỉ có việc quan hệ với bạn bè cùng nhập ngũ, chị không hài lòng lắm. Xuân thu nhị kỳ, mỗi năm hai đợt vào ngày nhập ngũ và ngày 22/12, họ luân phiên gặp nhau khi  nhà  này, khi nhà khác.

Ra quân gần hơn 30 năm, mỗi người mỗi nghiệp, không ai giống ai. Người đến bằng ô tô riêng bóng lộn, người áo quần nhàu nhũ,  dù đã cố gắng tươm tất vẫn không hết mùi vôi vữa, dầu máy.  Họ ào đến như một cơn lốc, bia pháo nổ "bôm, bốp", say sưa ôm nhau hát, ra đi  để lại cho chị một bãi chiến trường, nào vỏ bia, nào tàn thuốc lá, xương xẩu...

Đang  mang bầu đứa thứ hai, chị vừa dọn vừa bịt miệng suýt nữa thì nôn. Chưa đủ họ còn rủ nhau đi karaokê tiếp, chuếnh choáng đưa bạn đến cổng rồi  mà vẫn cố bám vai nhau đồng thanh hát vang cả khu phố" đời mình là một khúc quân hành...".   Làm ăn quan hệ, vui bạn bè  đôi lúc anh hơi quá chén. Lo cho anh, đôi lúc sau mỗi sau khi nhậu về, chị nặng lời nhắc anh.  Đáp lại anh cứ nhại lại điệp khúc cũ trêu chị          "Em đi đi..., người điên không biết nhớ và người say không biết... buồn...", rồi ngủ thiếp đi. Nói thế, nhưng chị biết anh biết giới hạn của mình.

Cuốn nhật ký cũ được viết bằng bút máy, mực Cửu Long  xanh nước biển, thứ mực thông dụng của những năm 1980, nét chữ ngày đó của anh không khác giờ là mấy, hơi xiên, nét đưa dứt khoát. Có điều, anh không viết nhật ký liên tục, ngày tháng cho chị biết điều đó. "Anh bận quá chăng ?", chị tự hỏi. Nhưng độ dài ngắn diễn tả các sự kiện thì lại rất khác nhau. Chị đọc tiếp: " ... Xê 5 chuyển vào Huội Mừn để lại cho đại đội huấn luyện gần như nguyên vẹn doanh trại. Nhưng giường, phản đã được đơn vị cũ chuyển đi cả, anh em phải lấy tre về làm sạp để nằm. Không như ở bên mình, gió mùa đang thổi, bên này mùa khô đang rang cháy các cánh rừng khộp, nóng tận đêm khuya. Đây là chuyến công tác đầu tiên trong đời !".
...
"Ngày 15-6-1984: Đã 2 tháng rưỡi huấn luyện, không có một cọng rau nào, Sư đoàn vừa được chuyển từ Binh đoàn về Quân khu mọi thứ đang thiếu, Đường 9 dạo này lại quá xấu, xe không tiếp tế thực phẩm sang được, thiếu vitamin B,C đại đội huấn luyện bì phù thủng hết, chờ nửa tháng nữa mùa mưa tới mới có rau ăn. Chiều nay, đi lấy rơm thằng Toán kiếm được mấy quả xoài dại, gọt nấu canh, húp người một tí mà tỉnh cả người ra. Bữa ăn quay đi quay lại chỉ có đậu tương, lạc, mắm kem, trời nắng khô rạc cả người. Sút gần 5 ký".
...
"Ngày 25-10-1984: Thằng Thí tí nữa mất súng. Kế hoạch đi lấy tre làm giàn bí 1 ngày, phải kéo đến 3 ngày. 10 giờ sáng đã kết xong bè, chống bè dọc con suối về đơn vị, đêm trước mưa to, qua đoạn ghềnh Hiểm gần Bản Na nước chảy xiết, bè rung lắc dữ, thằng Thí đứng không vững ngã xuống nước, nó ngoi lên được nhưng khẩu AK của nó bị tuột khỏi người trôi theo dòng nước. Đợi nước xuống, xới sục tung khắp cả đoàn suối dài mà không thấy, tưởng chịu mất, anh em có người đã khóc, phen này kỷ luật chết, mất vũ khí là kỷ luật, ở chiến trường này nó thế. Phải đi xin sắn của dân bản về nướng ăn để tiếp tục tìm. Cuối cùng rồi cũng tìm ra, khẩu súng chìm dưới bùn gần nửa mét, cách gốc sung hai mét. Hú vía !".

" Ngày 29-12-1984: Đây là lần thứ ba gặp bọn phỉ. Trận đánh cam go nhất trong năm, thường các trận trước chỉ 10-15 phút là chúng tháo chạy để bảo toàn lực lượng, trận này kéo dài hơn 45 phút.  Đơn vị gặp địch trong tình huống quá bất ngờ. Ngày truy quét thứ hai đã gặp chúng. Đang cao điểm mùa khô, các con suối nhỏ khô kiệt. Sáng 6 giờ bắt đầu rời vị trí dừng đóng quân hôm trước, đơn vị hành quân về phía Phù Chinh Tốk, gặp nước ở đâu thì dừng lại nấu cơm ở đó.   

Tiếng róc rách của dòng nước đã ở phía trước. Mừng quá ai cũng muốn đi nhanh hơn. Đội hình hành quân hơi chuệch choạc. Dòng suối chảy vòng ôm lấy chân  núi, giữa vách núi đá vôi dựng đứng và con suối là một dải rừng xanh rậm rạp với những thân gỗ to, rất nhiều tảng đá lớn lộ rõ dưới tán rừng già, địa hình thấp dần về phía hạ lưu.

“Địch”, sau tiếng hét của thằng Nguyện,  tiếng súng phía bên kia suối đã vang lên.  Anh em  tản ra, tìm địa hình, địa vật tránh các loạt đạn bắn thẳng. Bọn địch thập thoáng sau các gốc cây, tảng đá. Có thằng vừa giơ súng vừa thả ba lô. À, chúng bắt đầu hành quân thì gặp đội hình của ta. Thế là rõ, đêm qua chúng dừng chân ở đây, địa hình này khá lý tưởng cho phòng ngự, dòng suối vừa cho chúng nước uống vừa cản hướng tiến chính của đối phương, vách núi dựng đứng lợi hại hơn bất cứ tường thành nào, ngăn đối phương tập kích phía sau lưng !

“ Đoành... ré...  ét... ầm, ầm....”,  ba khẩu B41 đồng loạt khai hỏa sau khẩu lệnh của Đại đội trưởng. Bọn địch chùng lại sau tiếng nổ của hỏa lực mạnh. Chớp thời cơ, ba trung đội triển khai đội hình chiến đấu. Một lúc, bọn địch đã phát hiện trong cánh trái đội hình  trung đội do mình phụ trách, có nhiều lính mới, qua tiếng nổ “đòm” tắc cú của mấy khẩu AK. Các cỡ súng của chúng tập trung rà sát mặt đất làm anh em phải nằm sát đất tránh đạn. May quá, đang bí, cánh phải đã phát hiện ra, tiếng thằng Tú hét “Thằng Công kẹt rồi, chi viện!”.  Cối 60 ly chuyển làn, trung liên RPK và AK từ cánh phải quét chéo sang. Thừa cơ, trung đội xốc tới, đẩy lui chúng về sát vách núi. Ta đã làm chủ được trận đánh.  Địch núng thế, cố mở đường máu về phía dưới”.

“Ngày 30-12-1984: Họp rút kinh nghiệm trận đánh ngày 29-12...”   

- Vở gì mà cũ thế hả mẹ? Tiếng bé Thương. Chị ngoái lại, cả  hai đứa trẻ đã dậy,  đứng sau lưng mẹ  tự khi nào.

- Nhật ký của ba phải không ? Long, cậu con trai hỏi tiếp mẹ.

- Ừ, nhật ký hồi bộ đội của ba đó! Chị trả lời hai con mà như đang nói với chính mình.

Chị dặn tiếp:

- Mẹ con mình tranh thủ đánh máy lại, mực sắp phai cả rồi!

Bên ngoài trời đã sáng, người xe bắt đầu tấp nập đi lại, nhịp sống ngày mới bắt đầu.

Nguyễn Lương Cương
(39, Nguyễn Hữu Cảnh, Đồng Hới)