Truy tìm kỷ vật

Cập nhật lúc 22:53, Thứ Bảy, 17/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã hai ngày nay, ông Mão buồn lắm, cứ như người mất hồn. Hai tay chắp sau lưng, ông đi vào rồi lại đi ra mà không biết phải làm gì. Thỉnh thoảng ông thở dài đánh sượt, làm bà Tâm vợ ông cũng sốt ruột không kém. Không nói nhưng bà cũng hiểu tâm trạng của chồng. Bà biết ông đau lắm, xót lắm và cả bực mình nữa. Bà chỉ dám an ủi ông đôi câu chiếu lệ, rồi cũng phải chợ búa, cơm nước và những công việc linh tinh trong gia đình.

Vậy là chiếc thùng gánh nước đã bị  kẻ gian cuỗm mất. Chỉ một sơ suất nhỏ mà xảy ra cơ sự. Mà cũng lạ thật, mới sáng ra, định xách mấy thùng nước tưới đám rau đầu hồi nhà, nhưng thấy mình mẩy không được khoẻ nên ông bỏ ra thăm ao cá, cho chúng mấy bao cỏ, xem có rò rỉ nước chỗ nào không rồi quay vào nhà ngay thì không còn thấy chiếc thùng đâu nữa.Cũng may là ông còn kịp khoá nhà, nếu không kẻ gian còn có thể lấy thêm nhiều thứ nữa.

Chao ôi! Thời buổi này lạ thật. Cứ sểnh ra là mất. Mà mất cái gì không mất, lại mất chiếc thùng, kỷ vật còn lại của ông sau mấy năm quân ngũ, chiếc thùng là món quà, là bạn, là dấu ấn một thời vinh quang và khổ đau. Làm sao ông không tiếc cho được.

Suy đi nghĩ lại, ông Mão cho rằng, chỉ có mấy thằng trẻ con trong xóm trộm thùng của ông đem đổi kem đổi kẹo chi đây. Mà cũng có khi mấy con mụ đồng nát thường qua ngõ nhà ông mỗi ngày bì bọp chiếc kèn nhựa rao mua nhôm nhựa, giấy loại, thấy nhà vắng người nên thừa cơ lấy mất thùng của ông.

Thấy chồng khó ở, bà Tâm khẽ khàng:
-Hay ông làm đơn báo Công an xã, nhờ họ tìm cho.
-Không được! Cuối năm cuối tháng người ta nhiều việc lắm, không có thời gian giải quyết những việc vặt vãnh này đâu. Mà xét cho cùng thì cái thùng đó cũng không có giá trị mấy về mặt kinh tế. Làm vậy họ lại đánh giá mình nữa- Ông nói.

Rồi như chợt hiểu ra điều gì, ông chém tay vào không khí, giọng quả quyết:
- Tự tay tôi sẽ đi tìm lấy!
Đã nói là làm. Tính ông vốn vậy. Bà không dám bàn cãi điều gì nữa. Đầu tiên, ông Mão định hướng cho việc truy tìm tung tích chiếc thùng.

Trời  vừa nhá nhem,  mặc thêm chiếc áo đại cán, cổ quấn khăn len dận thêm đôi giày da cũ, ông Mão đi ra đường. Đêm cuối năm sâu hun hút và tối như bưng. Gió bấc từng đợt rít lên nghe sởn cả da gà.Thỉnh thoảng đâu đó tiếng chó sủa vu vơ lọt thỏm vào không gian đặc quánh. Ở quê vào giờ này xóm làng đã tường cao cổng kín. Ông lặng lẽ một mình rảo quanh các xóm. Không gian tĩnh mịch, yên bình nhưng cứ gờn gợn một cái gì mà ông không thể cắt nghĩa được. Có lẽ do ông quá bận tâm về chuyện mất chiếc thùng nên không cảm nhận hết được những nồng ấm của quê hương vào những ngày giáp Tết. Hay tại cái sự bình yên rất đỗi mộc mạc thôn dã ấy mà ông dự cảm hình như cuộc hành trình của ông đêm nay sẽ không có kết quả chăng.

Chợt ông Mão phát hiện phía cuối xóm có ánh đèn sáng choang hắt mãi ra ngoài đường cái. Rồi lại nghe tiếng cười nói rôm rả vọng lại. Ông tò mò đi về đó xem thử có chuyện gì. Đường làng đổ bê tông phẳng lỳ, rộng rãi. Nhưng cái tiếng lộp cộp của đôi giày da vang lên trong đêm tĩnh mịch như càng rõ thêm khiến ông thấy ngài ngại.

Đã sắp đến nơi, lại định quay về, bỗng có tiếng nói vọng ra làm ông chú ý:
-Hôm trước ông anh trúng "quả" đậm hay sao mà chiêu đãi bạn bè hoành tráng thế.
-Ha ha. Cuối năm kiếm chút đỉnh tiêu Tết , có gì đâu.
-Mà cũng tại lão ấy quá cẩn thận, nếu không tôi còn kiếm thêm nữa - Tiếng nói lại vọng ra.

Tự nhiên ông Mão thấy hồi hộp. Tim đập thình thịch.Mấy thằng này đang kể chuyện gì thế nhỉ.
Rồi tự nhiên ông Mão ép mình vào dãy râm bụt, men theo bờ rào.Và chỉ một vài động tác quen thuộc kiểu chiến thuật tiếp cận mục tiêu gần được huấn luyện thời bộ đội, ông đã ở ngay trong bụi chuối phía cửa sổ ngôi nhà. Từ đây ông yên tâm quan sát rõ từng khuôn mặt của đám người dự tiệc mà không sợ bị phát hiện. Hơn nữa những lời nói dù khẽ vẫn có thể nghe rõ. Một điều quan trọng hơn nữa là tránh được mấy con chó dữ nhờ hướng gió ngược với nơi đặt bàn nhậu.

Minh họa của Tiến Hành.
Minh họa của Tiến Hành.

Trong nhà, tiếng nói cười lại tiếp tục:
-Mấy cái đồ đồng nát ấy thì đáng được bao nhiêu đâu.Cơ bản là anh trúng cái khác kia.
À! Thằng này là thằng Thắng con bà Doãn. Nó với ông cũng bà con họ hàng xa. Mà từ trước tới giờ hắn cũng khá ngoan, có nghe nói trộm cắp hút xách gì đâu. Không lẽ...- Ông nghĩ.
Tiếng thằng Hưng con ông Khánh làm ông chú ý:
-Ý của anh muốn nói là lão ấy hôm đó không bất chợt trở về thì còn lãi to phải không?
-Ừ. Đúng !

Tai ông Mão ù đi. Rõ ràng mấy thằng này bàn chuyện ăn cắp đồ của ông. Sáng đó nếu ông vào nhà muộn một tý là không khéo chúng còn cạy cửa nhà ông cũng nên. Khiếp thật, đúng là bây giờ bọn trẻ không ra thể thống gì nữa. Không bù cho thế hệ ông hồi đó. Thanh niên trai tráng trong làng đủ tuổi là xung phong ra trận hết. Những ai vì một lý do nào đó mà phải ở lại coi như bị mọi người coi thường, đi đâu không dám ngẩng mặt. Còn bây giờ ấy à, hư hết, hư hết. Khó khăn lắm ông Mão mới gìm được tiếng kêu trong cổ họng, miệng ông đắng chát. Gió vẫn rít lên từng hồi. Lạ thật, năm nay thời tiết thất thường quá. Tết nhất đến nơi rồi mà trời lạnh căm căm thế này, không khéo lúa mới cấy chết sạch chứ chẳng chơi. Lại ao cá nữa, sau đợt lũ lụt vừa rồi ông mất trắng, mới gây lại đàn cá giống mà xem chừng kiểu này cũng chẳng ăn thua. Miên man trong suy tư rối bời, thỉnh thoảng ông Mão lại đưa tay gãi gãi dưới chân. Không biết lũ kiến ở đâu chui ra đốt khiến ông khó chịu. Chúng lại chui sâu vào quần nữa chứ. Bực mình không kể được, nhưng vì nhiệm vụ là bằng mọi giá phải tìm cho ra chiếc thùng nên ông vẫn cắn răng chịu đựng.

Trong nhà vẫn tiếng thằng Thắng vọng ra:
- Thế lão ấy không thử máy móc ra làm sao à?
- Ôi! Anh nói rồi mà chú em chưa hiểu.Tại lão về mới kiểm tra lại máy móc, thấy trục trặc chút nên bớt tiền. Chứ thằng con lão đã Ok rồi. Trời. Mấy thằng này bàn chuyện mua bán xe cộ gì đó. Vậy mà mình tưởng chúng nó kể chuyện ăn cắp thùng của mình. May quá.

Rời khỏi chỗ nấp, ông Mão thõng thượt đi về.Vậy là cuối cùng manh mối về chiếc thùng đã đi vào ngõ cụt. Mất cả tiếng đồng hồ rình rập. Chịu đựng cái lạnh đến thấu xương thịt và làm mồi cho lũ kiến tha hồ cắn chích khiến ông vừa thất vọng vừa bực mình. Vừa đi ông vừa gãi sồn sột, người ngợm ngứa ngáy không chịu được. Ông quyết tâm sáng ngày mai lên phố huyện xem mấy chỗ đại lý thu mua phế liệu may ra có thể tìm lại vật đã mất. Nhưng ông Mão không có cơ hội để thực hiện quyết tâm ấy. Ông bị ốm.

Sáng 28 Tết, ông Mão nằm trong chăn rên hừ hừ. Nhà vắng ngắt. Vợ ông đi chợ từ rất sớm. Bát cháo hành đặt đầu giường đã nguội ngắt. Miệng ông đắng chát, đầu ong ong như búa bổ, chân tay tê cứng lại. Nhưng ông vẫn cứ miên man suy nghĩ về chiếc thùng bị mất mà thấy xót cả ruột. Ừ! Nếu là chiếc thùng ấy cũng như bao chiếc thùng khác. Nghĩa là dùng để múc nước tưới rau hay đựng vài thứ lặt vặt thì đâu phải để ông phải bận tâm day dứt đến thế. Chiếc thùng của ông đã gắn bó với ông trong những năm dài của cuộc chiến tranh. Nó là sợi dây kết nối tình cảm sâu sắc tình đồng chí đồng đội và chỉ có ông mới hiểu hết giá trị của nó. Lúc đó, ông và thằng Bảy, lính tân binh, được giao nhiệm vụ coi giữ kho vũ khí của trạm giao liên T53 .

Cái trạm này nằm hút trong rừng già Trường Sơn. Lúc đầu, đây là nơi trung chuyển vũ khí, quân lương và thương binh.Cũng là nơi bộ đội ta dừng chân nghỉ ngơi trên con đường tiến ra mặt trận. Lúc đầu nơi đây cũng khá đông đúc, ồn ào. Nhưng không hiểu sao khoảng năm 70- 71 tự nhiên trạm T53 bỗng vắng vẻ hẳn đi. Ông và Bảy hằng ngày vẫn trông chờ người đến nhận và bàn giao số vũ khí để được trực tiếp cầm súng đánh giặc như ao ước thủa nhập ngũ. Ngày nhận nhiệm vụ đặc biệt này, chỉ huy của ông hứa rằng, chỉ thời gian ngắn thôi, khi số vũ khí này được chuyển đi thì ông sẽ được toại nguyện.

Nhưng rồi chờ mãi mà chẳng thấy có ai đến nhận số súng đạn ấy cả. Vậy là ông và Bảy hằng ngày ngoài việc lau chùi , bảo quản số súng đạn ấy còn phải lo kiếm cái ăn cho mình. Khi thì săn thú rừng rồi tăng gia sản xuất tự túc lương thực. Rau thì rất sẵn nhưng gạo muối lại khan hiếm. Có bữa hai người chỉ ăn toàn thịt nướng chấm với tro tranh. Gian khổ thì chưa nói nhưng sự chờ đợi tưởng như vô vọng. Hình như cấp trên đã quên mất cái trạm giao liên này?

Bữa ấy, Bảy tình cờ nhặt được một cái ống pháo sáng. Suốt mấy ngày tỉ mẩn gò gò dập dập, cuối cùng Bảy cũng làm được một chiếc thùng khá đẹp. Nhờ có nó mà cuộc sống của hai anh em được cải thiện trông thấy, dùng nó để xách nước dưới suối về ăn uống, để ướp thịt . Nếu trời lạnh thì là cái để đun nước rất tốt.Thỉnh thoảng để đỡ buồn, Bảy còn dùng nó như một nhạc cụ khua âm thanh lùng bùng ấy vang cả một vạt rừng già.

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Một ngày Bảy bị cơn sốt rét ác tính quật ngã.Giữa đại ngàn mây núi âm u, thuốc men không có, ông cố gắng cứu bạn bằng những bài thuốc bằng lá cây, vài viên ký ninh cuối cùng được đem ra nhưng không giữ được mạng sống của đồng đội. Trước khi nhắm mắt, trong vòng tay của ông, Bảy thều thào:
 - Anh Mão ơi ! Em đi đây. Anh ở lại cố gắng chờ thêm ít  thời gian nhất định có người đến. Khi nào xuất ngũ, anh nhớ đem em về với. Và anh hãy coi chiếc thùng như một kỷ vật mà em lúc nào cũng ở bên anh, anh nhé. Ông ôm xác bạn trong tay, nước mắt chảy ngược vào trong.

Sau đó ít lâu, có người tìm đến thật. Một tiểu đội theo lệnh cấp trên cắt rừng nhận số vũ khí đó. Ông cũng theo đơn vị tham gia những trận đánh cuối cùng. Sau giải phóng, ông đươc đi an dưỡng một thời gian rồi xuất ngũ về địa phương. Ngày trở về, hành trang của ông ngoài chiếc ba lô cũ bạc màu, ông còn đem theo chiếc thùng bằng nhôm sáng bóng, ai trông thấy cũng ngạc nhiên, người ta về quê nào bánh ngọt quà ngon, còn ông thì...

Về quê, ông cưới vợ rồi sinh một đứa con gái giờ cũng đã lấy chồng xã bên. Cuộc sống bình thường như bao gia đình khác.  Vậy mà chiếc thùng ấy lại bị mất, thử hỏi làm sao ông không tiếc đến nỗi bị ốm như thế.Vừa nghĩ, ông Mão lại ứa nước mắt. Bảy ơi, tao đã không giữ trọn lời hẹn với mày rồi.Mày có tha lỗi cho tao không?

Đang chìm trong ký ức về một thời trận mạc, chợt ngoài sân có tiếng gọi to:
- Bố mẹ ơi!
Nghe giọng con gái, ông Mão chẳng buồn lên tiếng. Sự mất mát quá lớn khiến ông không còn bụng dạ nào nữa. Ông khẽ quay mặt vào trong tường.
- Lạ nhỉ! Không có ai ở nhà sao cửa vẫn mở toang thế này?
Cô con gái ông đi vào, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Chợt "xoảng" một cái, ông Mão giật nảy mình, ngồi phắt dậy, mắt nhìn chòng chọc về nơi vừa phát ra âm thanh ấy. Ông la lên thất thanh:
- C.. á..i ... thùng, mày lấy ở đâu vậy con?
Rồi ông chạy đến, ôm chiếc thùng vào lòng như sợ ai cướp mất.
- Dạ, con đem trả cho bố mẹ mà - Cô con gái trả lời - Hôm trước con định sang  mượn bố mẹ cái thùng này về ngâm giá đỗ. Hôm đó do vội quá mà nhà không thấy ai nên con cầm về luôn.Có sao không hả bố?
- Trời ơi! Con biết mấy bữa nay bố ốm cũng vì chiếc thùng đó không hả! Con với cái!
- Dạ, Bố nói gì con không hiểu?
- Bố tưởng thằng nào lấy mất rồi chứ. Mà con đâu hiểu được chuyện này. Con có biết cái thùng này đối với bố quý như thế nào không?
- Ồ, vậy mà con cứ tưởng... Cô gái hồn nhiên trả lời.

Khuôn mặt ông giãn ra. Những vết nhăn biến đâu mất. Tự nhiên ông thấy khoẻ khoắn hẳn lên. Đưa tay nhận quà Tết đứa con gái đem biếu, ông vừa cười vừa trách con gái sao lớn rồi mà tính khí như trẻ con. Rồi ông Mão xách chiếc thùng vào nhà, thành kính thắp nén hương trên bàn thờ, miệng lẩm bẩm khấn " Bảy ơi! Hôm nay đã hai chín tết rồi, em cố về ăn tết với anh nhé. Cái thùng năm xưa vẫn còn đây, nhớ em, anh chỉ biết giữ gìn nó như là giữ những kỷ niệm của anh em mình những năm tháng Trường Sơn gian khổ, không bao giờ trong anh lại phôi pha điều đó, Bảy ơi!".

Ngoài đường, tiếng lao xao của mấy bà đi chợ về, tiếng chày giã thịt bùm bụp. Mùi hương trầm thoang thoảng trong gió sớm. Mùa xuân đã đến rất gần.

                                                     Truyện ngắn của Đinh Xuân Tiễn

,
.
.
.