Sương lạnh đầu đông

Cập nhật lúc 03:45, Chủ Nhật, 18/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Mùa đông, chẳng còn trời xanh và nắng vàng. Từng đợt gió mùa hun hút thổi. Những chiếc lá bàng đỏ run rẩy rơi. Cơ man nào là chim trời di cư tránh rét bay mải miết về phương Nam. Những đám mây mọng nước như sà xuống đồng làng, sương trắng bàng bạc bao phủ. Muôn vật dường như thu mình lại dưới cơn gió lạnh đầu mùa.

Đồng quê sâm sẩm. Cứ tiết lập đông là làng tôi vào vụ cấy. Giá lạnh là thế mà mẹ tôi quần xắn quá gối, người và trâu ngập trong bùn đất và rét mướt. Người và trâu đều thở ra khói. Những đường cày lật đật tinh tươm. Mạ non lóng ngóng đội bùn vươn dậy rồi theo tay người dăng hàng thẳng luống trên những thưở ruộng vuông vắn như ô bàn cờ. Tôi thương mẹ tôi bốn mùa tần tảo.

Sớm nay, lũ chúng tôi đạp xe đi học, áo quần lớp lớp mà mắt còn mọng đỏ vì hơi lạnh, huống hồ mẹ tôi, chân trần dầm trong cái rét tái tê da thịt. Mẹ bảo phải tranh thủ làm đất xuống mạ, chờ khi dăm bữa nửa tháng, có ánh mặt trời ấm lên thì cây lúa đã bén đất đồng mà đâm chồi non tơ. Thương lắm bóng dáng lam lũ tảo tần của mẹ từ ngõ ra đồng và từ đồng làng về ngõ.

Một đời mẹ tôi thủy chung với cánh đồng, bấm ngón tay mà tính thời vụ. Khi cây lúa làm đòng sinh nở. Khi củ khoai biết vùi mình vào đất cát mà lớn cùng bao hạt xốp bơ phờ. Mẹ tôi cày trên cánh đồng còn kiên nhẫn và đều đặn hơn hàng chữ tôi viết trên trang giấy. Này là sách bút cáo cơm, này là lớn khôn vóc dáng của lũ chúng tôi đều vắt từ cuộc đời hai sương một nắng của mẹ tôi mà ra cả.

Quá trưa khi tôi tan học thì mẹ cũng dỡ cày, thủng thẳng người, trâu với lấm lem bùn đất. Mẹ tôi cười, cái cười giấu bao nhọc nhằn hằn sâu khóe mắt. Tôi đỡ vai cày cho mẹ, nhìn gương mặt mẹ hiền mà lòng vợi nỗi tri ân. Hình như mái tóc mẹ tôi điểm màu sương trắng. Đôi bán tay yêu thương vừa bế ru chị em tôi, vừa cầm cày mở luống áo cơm.

Chúng tôi cười nói khi mẹ giấu bao nỗi nhọc nhằn lo toan. Như sáng nay, giữa đầu đông sương lạnh, dáng mẹ tôi như chùng xuống giữa cánh đồng mênh mông. Lòng tôi se lại. Nỗi thương mẹ một đời lao nhọc trào dâng khi nhẩm đọc: "Mưa phùn ướt áo tứ thân/Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu".

                                                                           Trương Ngọc Anh

,
.
.
.