Nô-en với Hải Kỳ

Cập nhật lúc 13:34, Thứ Ba, 20/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi năm sắp đến Nô-en là tôi lại nhẩm đọc những câu thơ rất đỗi tài hoa của Hải Kỳ: Đêm này đêm Chúa giáng sinh/ Tình yêu tôi cũng tượng hình đêm nay... Hải Kỳ làm bài thơ Dạ khúc Nô-en cách đây đã mấy chục năm mà tôi cứ ngỡ như anh vừa viết hôm qua. Kỷ niệm bạn bè vẫn còn tươi rói trong tôi.

Thời đó, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Hải Kỳ và tôi thường "lang thang cùng Huế". Nhóm bạn thơ chúng tôi đứa nào cũng lãng mạn nhưng mỗi đứa lãng mạn mỗi cách. Hải Kỳ là chàng thi sĩ si tình rất dễ yêu nhưng chóng chán.

Anh từng thú nhận: Với người đẹp tôi thường để ý/ Và nhiều khi khen ngợi thành lời. Quen biết người đẹp là cái cớ để Hải Kỳ làm thơ. Đôi khi chỉ mới gặp người đẹp một thoáng, anh đã có thơ tặng ngay. Chúng tôi hết sức khâm phục sự nhanh nhạy của anh.

Tôi còn nhớ năm 1979, Hải Kỳ được Ty Giáo dục Bình Trị Thiên mời vào Huế luyện thi học sinh giỏi văn cấp 2 toàn quốc đúng dịp Chúa giáng sinh. Thời đó, những người mới từ Quảng Bình vào Huế như chúng tôi rất háo hức đi xem Nô-en. Nghe người ta đồn vào đúng nửa đêm ở nhà thờ Phú Cam có màn trình diễn của những con chiên vô cùng xinh đẹp tái hiện lại cảnh Chúa Giêsu ra đời trên máng cỏ, thế là chưa đến sáu giờ chiều, nhóm bạn chúng tôi đã hòa vào dòng người hiếu kỳ đang nườm nượp đổ về đường Nguyễn Trường Tộ. Lực lượng công an phải làm việc hết sức vất vả. 

Nhà thơ Hải Kỳ (bên phải).
Nhà thơ Hải Kỳ (bên phải).

Chúng tôi tình cờ gặp nhóm sinh viên khoa văn Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) cũng đang đi  Nô-en. Cô sinh viên tên là Thanh Hà có gương mặt trái xoan, cặp mắt lá răm, làn da trắng mịn và đôi môi hồng thắm đã hút hồn Hải Kỳ. Chúng tôi rất muốn vào bên trong  nhưng đám đông chen lấn, xô đẩy nhau ghê quá, đành đi dạo mấy vòng quanh khuôn viên nhà thờ rồi tìm một quán cà phê vắng người trên dốc Phú Cam nói chuyện, đọc thơ.

Trong nhóm chúng tôi, Hải Kỳ đọc say sưa nhất. Chắc là thi sĩ muốn trổ tài trước người đẹp? Đêm ấy, về căn phòng như "tổ chim treo" ở trường Trưng Trắc (Hai Bà Trưng), tôi và Hải Kỳ cứ trằn trọc mãi. Gần bốn giờ sáng, tôi thấy Hải Kỳ ngồi dậy, rón rén  đến bàn, lấy giấy bút, viết liền một mạch, không hề tẩy xóa. Tôi biết anh vừa hoàn thành bài thơ tặng người đẹp Thanh Hà nên tò mò muốn xem. Và tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi  Dạ khúc Nô-en của anh:

Đêm này đêm Chúa giáng sinh
Tình yêu tôi cũng tượng hình đêm nay 
Chúa trời giang rộng cánh tay
Trên cây thánh giá lưu đày khổ đau
Tình yêu tôi cũng nhiệm màu
Đóng đinh tôi ngàn thuở đầu trang thơ
Thiên thần cánh trắng như mơ
Trong tôi bay liệng bây giờ là em
Để trên máng cỏ diệu huyền
Sinh tôi với những ưu phiền
                                    trần gian...

Vì cuộc tình "tượng hình" đúng vào đêm Nô-en nên thi sĩ hết sức đồng cảm với Chúa Giêsu: Chúa trời giang rộng cánh tay/ Trên cây thánh giá lưu đày khổ đau... Thi sĩ cảm thấy mình cũng bị "đóng đinh" như Chúa nhưng không phải đóng đinh trên cây thánh giá mà là đóng đinh "ngàn thuở đầu trang thơ". Một cách nói, một liên tưởng hết sức bất ngờ! Thiên thần cánh trắng như mơ/ Trong tôi bay liệng bây giờ là em!  Đây là hai câu thơ khá hay của Hải Kỳ. Những câu thơ như thế có thể tách khỏi chỉnh thể bài thơ, tồn tại độc lập trong trí nhớ người đời.

Từ cái máng cỏ - nơi Chúa ra đời, Hải Kỳ suy ngẫm về mối tình "tượng hình" trong đêm Nô-en của mình: Để trên máng cỏ diệu huyền/ Sinh tôi với những ưu phiền trần gian... Hải Kỳ đang linh cảm về mối tình "sét đánh" này. Nếu Chúa bị lưu đày khổ đau trên cây thánh giá thì thi sĩ bị lưu đày bởi mối tình vô hi vọng. Dẫu biết "cái tình là cái chi chi" thi sĩ vẫn cứ "chi chi với tình"!

Đó chính là sự huyền bí của tình yêu. Hải Kỳ xa rời cõi tạm cách đây vừa tròn 5 tháng nhưng "thiên thần cánh trắng"- có gương mặt trái xoan, cặp mắt lá răm, làn da trắng mịn và đôi môi hồng thắm- đêm Nô-en năm ấy vẫn còn "bay liệng" mãi trong ký ức bạn bè.

                                                                                           Mai Văn Hoan

,
.
.
.