.

Nỗ lực xóa bỏ hủ tục 'mẹ chết chôn theo con!'

.
10:50, Thứ Ba, 13/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Một đứa trẻ mới sinh ra, nếu chẳng may người mẹ chết đi thì nó cũng bị buộc phải chôn sống theo, đó là hủ tục của một số dân tộc sống ở vùng biên giới phía tây tỉnh Quảng Bình. Nhưng, giờ đây, với sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội biên phòng, cán bộ chính quyền và những con người dũng cảm, hủ tục đó đã dần được xoá bỏ…
 
Những đứa trẻ được cứu trước miệng huyệt mộ
 
Bản Ka Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) hôm nay, nhờ bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương giúp đỡ, người dân đã trồng được lúa nước, cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Câu chuyện về cháu Hồ Dưỡng, nạn nhân của hủ tục “mẹ chết chôn theo con” cách đây tròn 8 năm vẫn được người dân kể lại, nhắc nhớ nhau để không tái diễn hủ tục man rợ đó nữa.
Bản Ka Ai của người Mày ở xã Dân Hóa (Minh Hóa) nơi từng tồn tại hủ tục “mẹ chết chôn theo con”.
Bản Ka Ai của người Mày ở xã Dân Hóa (Minh Hóa) nơi từng tồn tại hủ tục “mẹ chết chôn theo con”.
Ngày 3-12-2010, bà Hồ Thị L., một người Mày ở bản Ka Ai trở dạ. Bà được đỡ đẻ theo phong tục của người đồng bào dân tộc địa phương. Tuy nhiên, do bị băng huyết, bà tử vong vào ngày hôm sau. Theo đúng phong tục của tộc người Mày, già làng và người dân trong bản phải tiến hành chôn cả mẹ và con, dù đứa con đang sống. Đứa bé được buộc vào người mẹ trong tiếng khóc ré, cho về đất trong sự thản nhiên của mọi người vì đó là chuyện... hiển nhiên đã mặc định qua nhiều thế hệ của tộc người nơi đây.
 
Những người đang chuẩn bị “chôn sống” cháu bé giải thích rằng: Một khi đứa trẻ sinh ra nhưng mẹ mất đi thì nó cũng phải được chôn theo mẹ, vì để lại cũng chẳng biết bú sữa ai. Hơn nữa, dù có ai đó nhận về nhà chăm sóc thì “hồn ma” người mẹ sẽ đeo bám mà đòi lại đứa con. Vì vậy, cách tốt nhất là chôn! 

Thật may, khi cháu bé sắp bị chôn sống cùng mẹ thì có cán bộ trong xã Dân Hóa biết được và báo ngay cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Cha Lo. Lập tức, các chiến sỹ bộ đội biên phòng đã có mặt, đứng ra trước già làng và toàn thể người dân trong bản Ka Ai cùng làm một bản cam kết sẽ nuôi nấng đứa trẻ và “thề độc” sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu “ma mẹ” bắt vạ. Không còn cách nào, dân bản Ka Ai buộc lòng ưng thuận không chôn đứa trẻ theo mẹ nữa.

Sau khi được cứu sống, Đồn BPCKQT Cha Lo đã đặt tên cho cậu bé là Hồ Dưỡng và cưu mang em thêm 2 năm… Hiện nay, Hồ Dưỡng đã 8 tuổi, đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình và học lớp 2 tại Trường tiểu học số 3 Nam Lý.

Hồ Dưỡng, cậu bé người Mày ở bản Ka Ai đã được bộ đội biên phòng cứu khỏi hủ tục “mẹ chết chôn theo con” năm 2010 nay đã học lớp 2 ở Trường TH số 3 Nam Lý (Đồng Hới).
Hồ Dưỡng, cậu bé người Mày ở bản Ka Ai đã được bộ đội biên phòng cứu khỏi hủ tục “mẹ chết chôn theo con” năm 2010 nay đã học lớp 2 ở Trường TH số 3 Nam Lý (Đồng Hới).
Trước đó 15 năm, tại xã bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch (Bố Trạch), một cậu bé người Ma Coong cũng đã được cứu ngay miệng huyệt mộ bởi hủ tục này đó là Nguyễn Văn Vinh (tên khác là Đinh Đường).
 
Cậu bé Vinh được cứu bởi ông Nguyễn Diệu, một người Kinh ở đồng bằng lên. Ông Diệu vốn sinh ra và lớn lên ở làng Vĩ Dạ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi học hết trung học phổ thông, ông theo bạn bè đi làm kinh tế thu mua mây song xuất khẩu tại xã Thượng Trạch. Vì mang ơn cứu mạng của người Ma Coong mà ông Diệu đã ở lại lập nghiệp, lấy vợ sinh con ở vùng đất này.
 
Ngày đó, lần đầu tiên chứng kiến hủ tục man rợ này, Nguyễn Diệu đã không thể đứng yên. Ông đẩy đám đông, chạy vào giằng lấy đứa bé trên tay già làng, một mực cầu xin mọi người đừng giết hại đứa bé và thề trước dân bản rằng: "Nếu Giàng bắt hay bắt tội tôi chịu hết, tôi không thể để đứa bé vô tội chết thảm thế này. Tôi cầu xin già làng, cầu xin dân bản, tôi sẽ nuôi đứa bé".
 
Trước quyết tâm của ông Diệu, cuối cùng, già làng và dân bản Cà Roòng đã phải đồng ý cho ông đưa cậu bé về nuôi. Vợ chồng ông Diệu yêu thương, chăm sóc chu đáo và cho ăn học như con đẻ của mình. Sau 23 năm, cậu bé Vinh ngày ấy nay đã tốt nghiệp đại học sư phạm và tình nguyện xin về dạy học ở bản A Ky, một bản xa xôi, khó khăn nhất của xã Thượng Trạch…
 
Những chiến công “mềm” 
 
Tại bản Bãi Dinh của xã Dân Hoá (Minh Hóa) cũng có một nhân chứng khác của hủ tục “mẹ chết chôn theo con” là chị Hồ Thị Phúc, hiện đang sống cùng với chồng và 3 đứa con. 

Chuyện xảy ra với chị Phúc đã cách đây hơn 40 năm và cũng như cháu Hồ Dưỡng, chị Phúc may mắn không bị chôn sống cùng mẹ là nhờ các chiến sĩ biên phòng hay tin đã băng rừng về kịp thời vận động già làng và dân bản. 

Sau 40 năm, chị Phúc vẫn không thể hình dung được hết những gì đã từng xảy ra với mình trước đó. Chị chỉ biết cái tên Phúc của mình như là một phúc lớn khi may mắn được các chú bộ đội băng rừng cứu thoát mình khỏi hủ tục đau lòng này. Cũng như tên Dưỡng của cháu Hồ Dưỡng được đặt theo nghĩa trong chữ “nuôi dưỡng” để sau này khi cháu lớn lên sẽ nhớ đến sự cứu giúp của các chú bộ đội khỏi một hủ tục, nhớ đến ơn nuôi dưỡng của mọi người.

Nguyễn Văn Vinh (thứ 2 bên phải), cậu bé Ma Coong được cứu năm 1995 nay đã trở thành thầy giáo.
Nguyễn Văn Vinh (thứ 2 bên phải), cậu bé Ma Coong được cứu năm 1995 nay đã trở thành thầy giáo.
Các đồng chí chỉ huy ở Đồn BPCKQT Cha Lo gọi hành động giải cứu Hồ Dưỡng, Hồ Thị Phúc, cũng như Nguyễn Văn Vinh khỏi hủ tục chôn sống vừa kể trên là những chiến công “mềm”. Bởi lẽ, nói làm sao, giải thích như thế nào để đồng bào hiểu, vượt qua một tập tục vốn đã mặc định từ bao đời nay, mà nghe theo lúc đó quả thật không phải là một việc dễ dàng gì.
 
“Thực ra công tác vận động bà con dân tộc ở vùng cao từ bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt là việc chôn sống con theo mẹ, đã được bộ đội biên phòng thực hiện từ 50 năm nay. Tuy vậy, thời gian trước đây, điều kiện đi lại khó khăn, điện thoại, thông tin liên lạc không thuận tiện như bây giờ nên vẫn có nhiều trường hợp chúng tôi không nắm được thông tin, hoặc nhận được tin nhưng đến muộn nên việc đau lòng đã xảy ra. Điều đáng mừng là từ trường hợp của cháu Hồ Dưỡng, cùng việc bám chắc địa bàn và thông tin liên lạc thuận tiện như hiện nay, đã không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nữa, những hủ tục của đồng bào cũng dần được xóa bỏ”, Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn BPCKQT Cha Lo chia sẻ.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa cho biết: "Việc vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ hủ tục lạc hậu luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Minh Hóa coi trọng. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi công tác này vẫn có những hạn chế, thực hiện chưa thật tốt. Thời gian tới, Huyện ủy Minh Hóa sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, để mọi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết pháp luật, từ đó bảo tồn được những nét đẹp văn hóa truyền thống, bài trừ và xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục lạc hậu, đặc biệt là hủ tục man rợ “mẹ chết chôn theo con” của đồng bào người Mày ở xã Dân Hóa và Trọng Hóa.”
Phan Phương 
,
  • Quảng Ninh: Tập trung phát triển kinh tế các xã miền núi, biên giới

    (QBĐT) - Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trên địa bàn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã miền núi, biên giới.

    13/11/2018
    .
  • Chung tay 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

    (QBĐT) - Bằng những hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã khơi gợi tinh thần tương thân, tương ái, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ các dân tộc thiểu số ở địa bàn biên giới huyện Minh Hóa, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi, giữa biên cương và đồng bằng, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh…

    13/11/2018
    .
  • Trên phá Tam Giang nghĩ về Hạc Hải

    (QBĐT) - Ngày cuối tháng 10 đầy nắng, theo lời mời của những người bạn đồng nghiệp Báo Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đến với phá Tam Giang–vùng đầm phá lớn bậc nhất Đông Nam Á.

    11/11/2018
    .
  • Mùa lúa rẫy bên mái Giăng Màn

    (QBĐT) - Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11, khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) trĩu hạt óng vàng bên mái Giăng Màn.

    11/11/2018
    .
  • Tăng cường hiểu biết pháp luật cho bà con ngư dân xã Bảo Ninh

    (QBĐT) - Ngày 6-11, BĐBP Quảng Bình phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đồng Hới và chính quyền xã Bảo Ninh tổ chức hội nghị thực hiện đề án 1133 về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2018.
    07/11/2018
    .
  • Những "cột mốc sống" nơi biên cương

    (QBĐT) - Những năm qua, cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), rất nhiều đồng bào người Rục, Sách, Mày, Khùa…ở huyện Minh Hóa đã tình nguyện tham gia tuần tra biên giới, bảo vệ, trong coi mốc quốc giới. Họ được ví như những "cột mốc sống" hàng ngày canh giữ biên cương của Tổ quốc.

    07/11/2018
    .
  • Đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số

    (QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được các cấp, ngành ở Quảng Bình triển khai đồng bộ, và đạt nhiều kết quả tích cực. Một trong những chính sách đang được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực là Chương trình giảm nghèo thông tin, đưa thông tin đến với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

    06/11/2018
    .