Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Về bãi tập kết cát, sạn trái phép ở Gia Ninh: Cần xử lý dứt điểm!

  • 07:46 | Thứ Hai, 06/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không được cấp phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông do đấu nối trái phép với Quốc lộ 1, thế nhưng một bãi tập kết cát, sạn tại xã Gia Ninh (Quảng Ninh) vẫn tồn tại và hoạt động "chui" trong thời gian dài. Đó là ý kiến của bạn đọc phản ánh đến Báo Quảng Bình.
 
Theo phản ánh của bạn đọc, bãi tập kết này do hộ gia đình bà Trần Thị Sinh, ở thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh làm chủ cơ sở kinh doanh và đã hoạt động từ nhiều năm nay mặc dù chưa đầy đủ các điều kiện theo quy định.
 
Bãi tập kết có nhiều vi phạm, như: Vi phạm quy định về đấu nối với Quốc lộ 1; chưa có giấy xác nhận đăng ký bảo vệ môi trường; thiếu hợp đồng cung cấp cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp và có biểu hiện tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; gây hư hỏng đường giao thông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Hàng ngày, tại bãi tập kết này luôn có từ 4-6 thuyền, xà lan với trọng tải từ 30m3 đến trên 60m3 được trang bị đầy đủ máy móc hút cát. Ban ngày những thuyền, xà lan này neo ở bãi tập kết, nhưng trong thời gian từ 19 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì không có mặt tại bãi. Một chủ mỏ cát trên tuyến sông Long Đại, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) khẳng định, những thuyền, xà lan này đều không hề mua cát tại mỏ, còn nguồn cát ở đâu thì không rõ.
 
Thuyền, xà lan neo tại bãi và chuyển cát lên bãi tập kết trái phép của bà Trần Thị Sinh.
Thuyền, xà lan neo tại bãi và chuyển cát lên bãi tập kết trái phép của bà Trần Thị Sinh.
Qua tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị có mỏ khai thác cát được cấp phép trên tuyến sông tại địa bàn huyện Quảng Ninh đều không bán cát hoặc cung cấp nguồn cát cho bãi tập kết thuộc hộ kinh doanh của bà Trần Thị Sinh. Thế nhưng, số lượng cát hàng ngày được tập kết và bán ra thị trường tại bãi tập kết này lên con số hàng trăm m3. Vậy nguồn cát được tập kết tại đây được lấy tại đâu?
 
Để tìm hiểu về nguồn gốc cát này, phóng viên đã có mặt và theo chân các thuyền khai thác cát trái phép vào những ngày cuối tháng 11-2021. Qua theo dõi, khoảng 20 giờ, lần lượt số thuyền, xà lan tại bãi tập kết cát của bà Trần Thị Sinh lặng lẽ xuất phát. Và khoảng sau hơn 30 phút xuôi dòng về khu vực sông thuộc thôn Trường Niên và ngã ba Trần Xá, xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) thì dừng lại hút cát. Chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ đã hút cát đầy khoang và trở về xã Gia Ninh. Khoảng 8 giờ hôm sau, số cát này được tập kết tại bãi cát hộ gia đình bà Trần Thị Sinh.
 
Xe tải tấp nập ra vào mua cát tại bãi tập kết trái phép của bà Trần Thị Sinh.
Xe tải tấp nập ra vào mua cát tại bãi tập kết trái phép của bà Trần Thị Sinh.
Trong ngày, hàng trăm m3 cát lậu ngang nhiên được xuất bán cho nhiều phương tiện mang biển kiểm soát tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… Điều đáng nói, bãi tập kết này lại nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 1 và chưa được cấp phép đấu nối ra tuyến Quốc lộ 1. Tuy nhiên, hàng ngày, có hàng chục xe tải trọng từ 10-30m3 tấp nập ra vào gây mất an toàn giao thông tại khu vực này. Bãi tập kết cũng nằm sát khu vực dân cư, vào thời điểm nắng và có gió, bụi, tiếng ồn gây mất an toàn cho cho các phương tiện lưu thông qua đoạn đường này.
 
Trả lời về hoạt động của bãi tập kết cát của hộ gia đình bà Trần Thị Sinh, ông Nguyễn Ngọc Do, Bí thư Đảng ủy xã Gia Ninh khẳng định bãi tập kết cát này hoạt động không phép bởi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, nhưng vẫn cố tình hoạt động chui, trái phép hơn 1 năm qua. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, tuy nhiên, vẫn chưa triệt để.
 
Ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Quảng Ninh cho biết: Số thuyền, xà lan này đã nhiều lần bị lực lượng Công an huyện Quảng Ninh bắt giữ liên quan đến hành vi khai thác cát trái phép trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang và Long Đại. Cùng với đó, bãi tập kết cũng đã nhiều lần bị lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu đình chỉ. Nhưng, các thuyền, xà lan và chủ bãi tập kết vẫn bất chấp và tiếp tục có các hoạt động trái phép.
     
  Bùi Thành và nhóm PV Bạn đọc

tin liên quan

Quản lý đất rừng tại Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long: Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại

(QBĐT) - Qua công tác rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, quản lý tổ chức sản xuất tại đơn vị trực thuộc là Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long (LTVL), Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (gọi tắt là Công ty Long Đại) đã yêu cầu lâm trường tập trung xử lý dứt điểm một số lĩnh vực chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và công ty trong năm 2020. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.

Vì sao chưa bão, kè Nhật Lệ đã bị sập?

(QBĐT) - Liên quan đến tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập, dư luận trên địa bàn tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc làm rõ: Tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập là do thiết kế, thi công hay do các điểm sập của kè "bị rơi" vào vị trí xung yếu?

Cần xử lý nghiêm hành vi chặn đường vận chuyển đá lạnh

(QBĐT) - Những ngày qua, Phóng viên Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về việc 4 xưởng đá lạnh trên đường bờ kè sông Nhật Lệ ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) từ cầu Nhật Lệ 1 đến cầu Nhật Lệ 2 dù đã được nhận tiền đền bù di dời đi nơi khác, song vẫn tiếp tục hoạt động trở lại sau khi hoàn thành việc xây dựng mới cạnh khu vực cũ trước đây và ngang nhiên chặn đường giao thông để vận chuyển đá lạnh ra các tàu cá...