Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Bỗng dưng" mất đất!

  • 06:31 | Thứ Năm, 30/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Vợ chồng ông Lê Bá Tuấn (đã mất), Từ Thị Choài (SN 1964) sinh sống tại thôn Phước Vinh, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) trên mảnh đất tự tay mình khai hoang năm 1985, được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) một phần diện tích. Phần còn lại ông bà (và các con sau này) canh tác ổn định, không có tranh chấp, thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm đầy đủ. Tháng 4-2021, bà Choài và các con phát hiện ra phần diện tích đang canh tác ổn định này đã bị cấp cho người khác… từ năm 1996!

 
Tình ngay, lý... ngay
 
Theo hồ sơ vụ việc chúng tôi nắm được, ông Tuấn, bà Choài trước đây là công nhân thuộc Đoạn quản lý đường bộ I. Hai ông bà sinh 3 người con, gồm: Lê Bá Thái (SN 1988), Lê Bá Bình (SN 1990) và một trai song sinh với anh Thái mất lúc vừa lọt lòng.
 
Khi khai hoang đất tại thôn Phước Vinh, vì đất hoang hóa nhiều, vợ chồng ông Tuấn, bà Choài khoanh lấy một vùng làm nhà, trồng cây từ đó đến nay. Ngày 25-10-1996, UBND huyện Lệ Thủy cấp GCNQSDĐ số H840613 cho ông bà tại thửa đất số 36, tờ bản đồ 17, diện tích 2.500m2 (200m2 đất ở, 2.300m2 đất vườn tạp) là phần lớn diện tích đất khai hoang trước đây. Phần diện tích đất còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ, gia đình vẫn canh tác bình thường, không tranh chấp với ai, thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm đầy đủ. Trên phần diện tích này, năm 1988, vợ chồng ông Tuấn chôn cất người con trai song sinh với con đầu Lê Bá Thái, hiện tại vẫn còn phần mộ. 
Rất nhiều người dân thôn Phước Vinh cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Cái khi bà này mới 17 tuổi có nhiều “khuất tất”.
Rất nhiều người dân thôn Phước Vinh cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Cái khi bà này mới 17 tuổi có nhiều “khuất tất”.
Năm 2000, ông Lê Bá Tuấn xây hàng rào bao quanh khu vực đất đai mình ở (bao gồm phần đã có GCNQSDĐ và phần chưa được cấp GCNQSDĐ). Xét theo thực tế, gia đình ông Tuấn sở hữu hợp lý phần đất khai hoang chưa được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, ngay từ năm 1996, ông Tuấn nhiều lần làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ bổ sung nhưng UBND xã Hoa Thủy từ chối xét duyệt hồ sơ mà không nói rõ lý do. Cho đến năm 2018, ông Lê Bá Tuấn mất, vẫn không hay phần đất mình đang sử dụng đã bị UBND xã Hoa Thủy xét cấp cho người khác từ năm 1996.
 
Sau khi chồng mất, bà Từ Thị Choài vì quá đau buồn phát sinh bệnh nặng, mọi việc trong gia đình đều nhờ vào vợ chồng anh Lê Bá Thái. Tháng 4-2021, khi cơn sốt đất lan đến xã Hoa Thủy, có người quen cho gia đình bà Choài biết là phần đất mình đang quản lý, chưa cấp GCNQSDĐ đang được rao bán dưới quyền một chủ sở hữu khác. Tìm hiểu kỹ, người đứng tên chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Cái (SN 1979) trú tại thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, con gái của ông Nguyễn Tiến Lễ (SN 1957) nguyên Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy.
 
Liệu có sự “khuất tất” ?
 
Đi sâu vào nội dung vụ việc, chúng tôi được biết, phần đất gia đình bà Choài quản lý chưa cấp GCNQSDĐ hiện tại thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Cái theo GCNQSDĐ số H840614, được UBND huyện Lệ Thủy cấp ngày 25-10-1996, diện tích 750m2 (200m2 đất ở, 550m2 vườn tạp). Bà Cái được cấp GCNQSDĐ trùng với thời gian UBND huyện Lệ Thủy cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Tuấn, bà Choài.
 
Thời điểm cấp GCNQSDĐ bà Cái chỉ mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi công dân. Lúc này, ông Nguyễn Tiến Lễ, đang là Chủ tịch UBND xã (giai đoạn 1994-2004), Chủ tịch Hội đồng cấp đất xã Hoa Thủy. Ông Lễ đã ký hồ sơ xét duyệt cấp đất cho chính con gái mình.
 
Năm 2000, ông Lê Bá Tuấn xây hàng rào bao quanh khu vực đất đai mình ở và canh tác, sau đó anh Lê Bá Thái tiếp tục hoàn thiện. Quá trình xây dựng này mất thời gian khá dài nhưng ông Nguyễn Tiến Lễ và con gái Nguyễn Thị Cái không có bất kỳ động thái gì mặc dù ở cùng địa phương.
 
Ông Từ Công Đức, người từng cùng ông Lê Bá Tuấn đi xin thủ tục cấp đất trước đây nhớ lại: “Năm 1985, tự tay tôi viết đơn cho anh Tuấn, chị Choài đưa đến nộp cho Chủ nhiệm HTX Ninh Phước Thượng là ông Võ Xuân Hạnh. Ngày hôm sau, anh Tài là Phó Chủ nhiệm HTX; anh Dương, Trưởng ban kiểm soát HTX trực tiếp lên đo đất giao cho vợ chồng anh Tuấn, chị Choài".
 
Ông Nguyễn Hùng Dương (SN 1976) một người dân khác ở gần gia đình nhà bà Choài bức xúc: “Khoảng năm 1985, lúc đó tôi hơn 10 tuổi, chăn bò ở vùng này đã thấy vợ chồng bà Choài khai hoang, phục hóa, trồng hoa màu và đã có một ngôi nhà cấp bốn. Đất thuộc sở hữu của ai, dân chúng tôi biết hết cả chứ”. “Không chỉ riêng tôi, nhiều người trong thôn, biết tường tận sự việc và sẵn sàng đứng ra làm chứng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho gia đình bà Choài”, ông Nguyễn Hùng Dương khẳng định.
 
Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy (bên trái) và ông Nguyễn Trường Hiến, công chức Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường xã Hoa Thủy làm việc với phóng viên Báo Quảng Bình.
Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy (bên trái) và ông Nguyễn Trường Hiến, công chức Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường xã Hoa Thủy làm việc với phóng viên Báo Quảng Bình.
 
Về sự việc trên, ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy thừa nhận từ năm 1996 đến trước tháng 4-2021 không nắm rõ sự việc bà Cái được cấp đất trên diện tích đất khai hoang của gia đình bà Choài. Còn ông Nguyễn Trường Hiến, công chức Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường xã Hoa Thủy hiện tại nêu quan điểm: "Trước đây, thủ tục cấp GCNQSDĐ khá giản đơn, vì thế dễ phát sinh sai sót. Sau này, Luật Đất đai ngay càng hoàn thiện mới khắc phục dần tình trạng này. Trường hợp tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Choài và bà Cái, trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho bà Cái, UBND xã Hoa Thủy không thấy có quyết định thu hồi đất của cấp cao hơn, không có xác nhận hiện trạng đất thời điểm làm hồ sơ xin cấp đất, không có xác nhận của các hộ dân liền kề...".
 
"Sau khi UBND xã tiếp nhận đơn thư đã hai lần tổ chức hội nghị hòa giải giữa bà Cái và gia đình bà Choài nhưng không thành công. Hai bên đề nghị giải quyết theo đúng tinh thần pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, UBND xã hướng dẫn cho gia đình bà Choài cũng như bà Cái hoàn thiện hồ sơ khởi kiện, đề nghị Tòa án phân xử", ông Võ Xuân Hòa cho biết thêm.
 
Sau khi phát hiện phần đất khai hoang, sử dụng ổn định, không có tranh chấp, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ do gia đình quản lý “bỗng dưng” bị cấp cho bà Nguyễn Thị Cái, ngày 27-5-2021, bà Từ Thị Choài đã viết đơn khởi kiện gửi TAND tỉnh. Đơn yêu cầu tòa án giải quyết các vấn đề: Tuyên hủy GCNQSDĐ số H840614 tại thửa đất số 39, tờ bản đồ 17, xã Hoa Thủy, được UBND huyện Lệ Thủy cấp trái pháp luật cho bà Nguyễn Thị Cái ngày 25-10-1996. Sự việc đúng sai ở đây, sắp tới tòa án sẽ phán quyết bằng một phiên tòa dân sự theo luật định.
                                                                                               
        Nhóm PV Bạn đọc

tin liên quan

Quảng Ninh: Chấn chỉnh yếu kém trong quản lý đất đai tại xã Gia Ninh

(QBĐT) - Xã Gia Ninh (Quảng Ninh) có tổng diện tích đất tự nhiên trên 2.851ha. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai tại địa bàn xã có nhiều chuyển biến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, quá trình quản lý, sử dụng đất đai trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Tự ý chặt phá cây trồng khi chủ nhà đi vắng?

(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn của ông Trần Tiến Hiệp, thôn 11, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) phản ánh về việc hơn 800m2 đất của gia đình ông trồng cây hoa màu phục vụ chăn nuôi bị người khác tự ý chặt phá, xâm hại.

Quảng Ninh: Trạm trộn bê tông nhựa tại xã Trường Xuân hiện không hoạt động

(QBĐT) - Bạn đọc Báo Quảng Bình ở hai bản Khe Ngang và Khe Dây, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) vừa có phản ánh đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nhằm bảo vệ môi trường trong khu dân cư do hoạt động nấu nhựa đường của Công ty TNHH Thục Linh gây khói bụi và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) và xác minh hiện trường của phóng viên Báo Quảng Bình từ giữa tháng 11-2021 đến nay cho thấy, cơ sở này không hoạt động.