Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quản lý đất rừng tại Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long: Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại

  • 08:49 | Thứ Bảy, 30/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua công tác rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, quản lý tổ chức sản xuất tại đơn vị trực thuộc là Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long (LTVL), Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (gọi tắt là Công ty Long Đại) đã yêu cầu lâm trường tập trung xử lý dứt điểm một số lĩnh vực chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và công ty trong năm 2020. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.
 
Theo đó, tại Thông báo số 300/TB-CT, ngày 22-8-2020 của Công ty Long Đại về kết luận hội nghị xử lý kết quả rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp do LTVL quản lý nêu rõ: LTVL đã để cán bộ, công nhân lao động và hộ dân trồng xen cây keo vào rừng thông nhựa khi chưa có chủ trương của công ty; để cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng nguyên liệu trên đất được giao quản lý nhưng không có hồ sơ giao khoán; để các hộ nhận khoán sử dụng đất thực tế vượt so với diện tích đất trong hồ sơ giao khoán; nhiều hộ hết thời hạn giao khoán theo hợp đồng, nhưng chưa rà soát hồ sơ để xử lý theo quy định; một số diện tích đất công ty đã bóc tách về địa phương, nhưng vẫn quản lý giao khoán; để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng được giao quản lý để xây dựng lăng mộ. Thông báo này nêu rõ, thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 15-12-2020. Tuy nhiên, cho đến nay một số vấn đề vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
 
Ông Lương Sỹ Trình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Long Đại cho biết, khi mới đảm nhận chức vụ, ông đã có chủ trương và chỉ đạo rà soát lại hiện trạng đất đai và chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất tại một số đơn vị trực thuộc, trong đó có LTVL. Những vấn đề nêu trên tại LTVL đã tồn tại từ trước nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.
 
“Qua quá trình rà soát cho thấy, các hộ dân đã trồng cây lấn chiếm nhiều hơn so với diện tích được giao khoán. Vì vậy, phải thực hiện đo từng hộ, các hộ ký xác nhận và làm lại hồ sơ. Các trường hợp này là người dân tham gia lao động cho công ty và nhận giao khoán chứ không phải người ngoài. Việc cán bộ, công nhân lao động và hộ dân trồng xen cây keo vào rừng thông nhựa khi chưa có chủ trương của công ty là do trước đây mật độ thông nhựa dày nhưng vì mưa bão bị đổ gãy, các hộ đã tận dụng khoảng trống cây bị gãy đổ để trồng xen tránh lãng phí đất. Hiện phần rà soát, văn bản ký xác nhận đã gần xong và việc thu tiền thuế đất cơ bản hoàn thành”, ông Trình cho hay.
 
Một phần diện tích bờ bao lăng mộ xây dựng trái phép lấn chiếm vào đất của Lâm trường Vĩnh Long đã bị phá dỡ.
Một phần diện tích bờ bao lăng mộ xây dựng trái phép lấn chiếm vào đất của Lâm trường Vĩnh Long đã bị phá dỡ.
Lý giải LTVL chưa thực hiện đúng yêu cầu về tiến độ của công ty, ông Lương Sỹ Trình cho rằng, sự việc chưa được giải quyết dứt điểm là do quá trình kiểm tra, rà soát mất nhiều thời gian và đặc biệt ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Đối với việc người dân lấn chiếm đất rừng xây lăng mộ, ông Lương Sỹ Trình cho hay, phía công ty và LTVL đã phối hợp với UBND xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) phá dỡ. Hiện còn một số trường hợp sắp tới sẽ xử lý tiếp. “Về lâu dài cũng cần xem xét vị trí đất phù hợp để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa cho người dân có nơi chôn cất, mai táng. Hiện chưa có quy hoạch nên bà con không có đất để chôn cất, lấn chiếm đất rừng rất phức tạp. Công ty Long Đại sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát xem xét vị trí phù hợp quy hoạch thành khu vực nghĩa trang, nghĩa địa”, ông Lương Sỹ Trình chia sẻ.
 
Trao đổi về việc người dân lấn chiếm đất rừng của LTVL, ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh cho biết: “Việc người dân lấn chiếm đất xây dựng mồ mả đã diễn ra từ lâu và đây một trong những vấn đề bất cập của địa phương. Có cái đã xây dựng từ trước 2004, nhưng cũng có những cái sau này mới phát sinh, nhiều cái lấn chiếm xây khuôn viên trong khu vực rừng thông, keo tràm. Người dân lợi dụng khu vực vùng ven địa giới hành chính đất giữa xã và lâm trường để lấn chiếm vào các ngày lễ, ngày thứ 7, chủ nhật… trong khi lực lượng cán bộ thì mỏng!”.
 
Cũng theo ông Tuấn, việc người dân lấn chiếm đất để xây mồ mả là do hiện nay địa phương không có khu vực quy hoạch nghĩa địa để mai táng, chôn cất khi có người thân qua đời. Xã đang lập quy hoạch, phối hợp với các đơn vị để xây dựng nghĩa trang cho nhân dân địa phương.
 
Theo ông Phan Đình Luân, Phó Giám đốc LTVL, đến nay các vấn đề công ty yêu cầu đơn vị đã cơ bản thực hiện xong. Tuy nhiên, khó khăn nhất là việc tháo dỡ hơn 10 bờ bao lăng mộ xây dựng trái phép còn lại. Hiện tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh nói chung và tại khu vực nơi đơn vị được giao quản lý nói riêng cơ bản được kiểm soát, do đó, lâm trường sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, công an xã tiếp tục tổ chức lực lượng, phương tiện để phá dỡ hoàn toàn và dứt điểm các điểm xây dựng bờ bao lăng mộ trái phép (nếu người dân không tự giác phá dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu); trồng lại cây keo bảo đảm bảo vệ tốt tài sản của cán bộ, công nhân viên và Nhà nước. Riêng việc thu tiền thuế đất của các hộ nhận khoán năm 2021 theo diện tích thực tế, hiện các trường hợp này rất đồng tình nên sẽ hoàn thành đúng thời gian quy định.
 
Đến nay, Lâm Trường Vĩnh Long đã tháo dỡ được 20 bờ bao lăng mộ xây dựng trái phép với tổng diện tích 3.945m2. Diện tích này sau khi phá dỡ được lâm trường quản lý chặt chẽ, trồng lại cây keo và hiện chưa có vụ việc vi phạm tái diễn. Lâm trường đã thu tiền thuế đất của các hộ năm 2021 là 1,002/1,247 tỷ đồng. Dự kiến sẽ thu xong toàn bộ tiền thuế đất còn lại trong năm 2021.
 
                   Nhóm PV Bạn đọc

tin liên quan

Vì sao chưa bão, kè Nhật Lệ đã bị sập?

(QBĐT) - Liên quan đến tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập, dư luận trên địa bàn tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc làm rõ: Tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập là do thiết kế, thi công hay do các điểm sập của kè "bị rơi" vào vị trí xung yếu?

Cần xử lý nghiêm hành vi chặn đường vận chuyển đá lạnh

(QBĐT) - Những ngày qua, Phóng viên Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về việc 4 xưởng đá lạnh trên đường bờ kè sông Nhật Lệ ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) từ cầu Nhật Lệ 1 đến cầu Nhật Lệ 2 dù đã được nhận tiền đền bù di dời đi nơi khác, song vẫn tiếp tục hoạt động trở lại sau khi hoàn thành việc xây dựng mới cạnh khu vực cũ trước đây và ngang nhiên chặn đường giao thông để vận chuyển đá lạnh ra các tàu cá...

Chuyển đến nơi làm việc mới tại xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới)

(QBĐT) - Ngày 24-9-2021, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh ban hành văn bản số 1718/PC08, thông báo chuyển đến nơi làm việc mới của bộ phận xử lý vi phạm hành chính. Nội dung như sau: