Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gập ghềnh như… giao thông đô thị

  • 18:39 | Thứ Ba, 20/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ năm 1989 sau khi trở về địa giới cũ, Đồng Hới trở thành trung tâm tỉnh lỵ với hệ thống hạ tầng gần như xây dựng lại từ đầu. Thế nhưng, hơn 30 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống giao thông nội đô đang trở nên bất cập bởi năng lực vận chuyển khách, hàng hóa và cơ cấu phương tiện chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại…
 
Hơn 30 năm sau khi tách tỉnh, ngoại trừ các phường trung tâm như: Hải Đình, Đồng Mỹ (nay là phường Đồng Hải), Đồng Phú, hệ thống giao thông đô thị được quy hoạch khá bài bản. Đối với 13 xã, phường còn lại, phần lớn các tuyến đường được nâng cấp từ đường dân sinh đã hình thành từ trước.
Cầu trên đường Hà Huy Tập chật hẹp chỉ vừa một luồng xe lưu thông.
Cầu trên đường Hà Huy Tập chật hẹp chỉ vừa một luồng xe lưu thông.
Mặc dù, đã có dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa và phương tiện giao thông khi thực hiện quy hoạch đô thị, nhưng đến nay, phần lớn các tuyến đường nội đô đã trở nên chật hẹp (kể cả các phường trung tâm), không vỉa hè, hệ thống thoát nước (đối với các xã, phường còn lại), bị đào xới làm mất mỹ quan…
 
Nhìn chung, phần lớn các tuyến đường đô thị chưa xứng tầm với đô thị loại II như TP. Đồng Hới.
Đường Hàn Thuyên (TDP 2, phường Bắc Lý) bị cày nát do dự án vệ sinh môi trường.
Đường Hàn Thuyên (TDP 2, phường Bắc Lý) bị cày nát do dự án vệ sinh môi trường.
Từ trung tâm thành phố, chỉ mất khoảng 15 phút chạy xe là có thể “mục sở thị” và cảm nhận được sự bất cập của hệ thống đường giao thông ở các phường, xã: Phú Hải, Nam Lý, Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh,Thuận Đức, Đồng Sơn, Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Lộc Ninh...
 
Ngoài các tuyến đường nhựa từ 15m trở xuống, giao thông đi lại trong khu dân cư ở các địa phương này là các tuyến đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo tỷ lệ 8/2 (ngân sách đầu tư 80% còn lại do nhân dân đóng góp).
Ngõ 48, đường Hoàng Diệu (phường Nam Lý) lầy lội do san gạt mặt bằng chuẩn bị thi công.
Ngõ 48, đường Hoàng Diệu (phường Nam Lý) lầy lội do san gạt mặt bằng chuẩn bị thi công.
Do nguồn lực hạn chế để giải phóng mặt bằng (GPMB) nên các tuyến đường bê tông hóa phần lớn dựa trên nền đường cũ rất chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển về quy mô dân số, số lượng phương tiện cá nhân do người dân mua sắm. 
Đường Phạm Ngũ Lão (phường Đồng Sơn) quanh co và thiếu hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè, hệ thống thoát nước.
Đường Phạm Ngũ Lão (phường Đồng Sơn) quanh co và thiếu hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè, hệ thống thoát nước.
 
Chưa kể, nhiều tuyến đường vừa làm xong bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, mỹ quan thì bị đào xới để xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Bởi vậy, nhiều tuyến đường trở nên “gập ghềnh” ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, ô nhiễm môi trường và hao tốn nguồn kinh phí hoàn trả mặt bằng.
 
Một người dân (giấu tên) ở tổ dân phố 2, phường Bắc Lý cho biết: "Hiện nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị, do chưa có vỉa hè, một số tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng vì đơn vị thi công dự án vệ sinh môi trường không hoàn trả nguyên trạng mặt bằng và xe quá khổ, quá tải lưu thông (đường Hàn Thuyên, Hà Huy Tập). Nhiều gia đình có điều kiện mua sắm ô tô nhưng lại lâm vào tình cảnh khổ ải vì không có chỗ đỗ xe do đường quá chật hẹp".
 
Trao đổi với phóng viên về đường giao thông đô thị, ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh cho hay: "Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây của đại biểu HĐND TP. Đồng Hới, cử tri xã Nghĩa Ninh đã có ý kiến đề nghị đầu tư các tuyến giao thông trên địa bàn, như: đường Ngô Thế Lân, Nguyễn Đóa, Nguyễn Đỗ Cung, do đường bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, hố sâu làm ảnh hưởng nhu cầu đi lại của người dân, học sinh...".
 
Theo thông tin từ Phòng Quản lý đô thị, UBND TP. Đồng Hới, cùng với sự phát triển khá nhanh của đô thị hóa, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Đồng Hới là rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố có hạn.
Hai xe ô tô tránh nhau trên đường Vạn Hạnh (phường Đức Ninh Đông).
Hai xe ô tô tránh nhau trên đường Vạn Hạnh (phường Đức Ninh Đông).
Do đó, thời gian qua, TP. Đồng Hới đã và đang huy động vốn từ 3 nguồn trọng tâm gồm: ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và nguồn vốn từ nhân dân để phát triển giao thông đô thị. Tuy nhiên, nhu cầu đường giao thông đô thị rất lớn, trong khi ngân sách thành phố không bảo đảm đáp ứng.
 
Hiện nay, thành phố đang tiến hành lập quy hoạch phân khu các khu vực hiện trạng bảo đảm tính thống nhất theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng và mỹ quan đô thị.
 
Ông Tưởng Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Nam Lý cho rằng: "Toàn phường hiện có 4.752 hộ với 18.075 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu của người dân là dịch vụ thương mại. Trên địa bàn có 75 tuyến có tên đường với bề rộng từ 5m trở lên, hàng năm nguồn lực đầu tư công cho giao thông chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài các tuyến đường nói trên, thì phường có nhiều đường trong các khu dân cư có chiều rộng chỉ từ 2m đến dưới 5m nhưng rất khó để mở rộng do thiếu nguồn lực đầu tư GPMB. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, đề nghị Nhà nước xem xét đầu tư hệ thống vỉa hè, điện chiếu sáng, thoát nước trong khu dân cư, đặc biệt là đường Trần Hưng Đạo kéo dài, đường Hà Văn Quan (phường Nam Lý) nối đường Nguyễn Công Hoan (phường Bắc Lý) để giải tỏa nút giao thông thường gây ách tắc giữa đường sắt và đường Tôn Thất Tùng".
Đường Phan Huy Ích (xã Đức Ninh) chỉ rải cấp phối.
Đường Phan Huy Ích (xã Đức Ninh) chỉ rải cấp phối.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phường Nam Lý hiện có tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, tuy đã có quy hoạch mở rộng, nâng cấp nhưng gần 20 năm qua vẫn không thể thực hiện được.
 
Trong khi nhà cửa xây mới nhiều, dân cư đông cùng với bối cảnh “tấc đất tấc vàng” như hiện nay thì công tác GPMB mở rộng đường để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị càng khó khăn hơn.
 
Ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết, đường giao thông đô thị là vấn đề khó của thành phố, bởi vì những vùng có dân cư sinh sống từ lâu như: Bắc Lý, Nam Lý, Lộc Ninh, Đồng Sơn, Đức Ninh Đông, Đức Ninh, Nghĩa Ninh… thiếu nguồn vốn đầu tư mở rộng. Hàng năm, từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, tỉnh phân bổ ngân sách cho thành phố khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó nguồn lực cho giao thông đô thị rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu thực tế.
 
Theo số liệu của Phòng Quản lý đô thị, UBND TP. Đồng Hới, theo phân cấp, đường giao thông thành phố quản lý 1.036 tuyến, tổng chiều dài 414,22km; hệ thống vỉa hè với tổng diện tích 267.968m2 được lát bằng gạch granito và đá tự nhiên; hệ thống thoát nước 199km (gồm có hệ thống thoát chung 121km và hệ thống thoát nước thải R3 là 78km).
 
Trần Minh Văn
 
 
 
 
 

tin liên quan

Doanh nghiệp gặp "vạ" vì trùng tên

(QBĐT) - Công ty cổ phần (CP) xuất nhập khẩu Quảng Bình, trụ sở tại số 90 Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đang kinh doanh ổn định thì bất ngờ bị các phương tiện truyền thông "bêu tên" gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến uy tín của công ty do trùng tên với một doanh nghiệp khác tại TP. Hải Phòng. 

Xã Trường Xuân (Quảng Ninh): Mỏ đá "bức tử" nguồn nước sinh hoạt của người dân

(QBĐT) - Không chỉ bị "tra tấn" bởi tiếng nổ mìn, bụi đá, bà con ở bản Khe Dây và Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do suối Khe Dây bị vùi lấp bởi đá dăm từ các mỏ khai thác đá.

Thủ tục rút tiền tiết kiệm của người đã mất: Người dân cần công chứng giấy tờ theo quy định

(QBĐT) - Bà Bùi Thị Hoe (SN 1943) trú tại TDP 1, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) phản ánh: chồng bà tên Trần Thanh Nhàn (SN 1942) có gửi số tiền tiết kiệm 40 triệu đồng tại Phòng giao dịch (PGD) Đồng Sơn, Ngân hàng SacomBank-Chi nhánh Quảng Bình. Sau khi ông Nhàn đột ngột qua đời, bà Hoe đến PGD Đồng Sơn xin rút số tiền tiết kiệm trên nhưng không được do phía ngân hàng gây khó dễ.