Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Minh Hóa: Cần siết chặt quản lý "chợ cóc" ở các bản vùng biên

  • 09:43 | Thứ Ba, 26/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, một số bạn đọc đã phản ánh với phóng viên Báo Quảng Bình về sự xuất hiện của những "chợ cóc" đột nhiên mọc lên chóng vánh tại các bản vùng biên thuộc huyện Minh Hóa. Để xác minh thực hư nội dung nói trên, giữa tháng 5-2020, nhóm phóng viên đã có dịp "thâm nhập" vào một phiên chợ như thế ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa)...
 
Để vào được bản Ka Ai bán hàng hóa cho bà con (đa số là người Mày), các tiểu thương nói trên buộc phải thông qua sự kiểm tra của một chốt kiểm dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đóng ngay tại đầu bản.
 
Khi vào được vùng trung tâm bản Ka Ai, các tiểu thương tụ tập lại rồi mở từng gian hàng san sát nhau, hình thành nên một ngôi "chợ cóc" hoạt động chóng vánh chừng vài tiếng đồng hồ. Dẫu bày bán các mặt hàng nhỏ lẻ, nhưng một số tiểu thương đã dùng đến cả xe tải để chở hàng và đi ô tô từ 4 đến 7 chỗ ngồi rất sang trọng. Hàng hóa ở đây được bày bán với đủ chủng loại như áo, quần, dày dép, mũ nón, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, đồ gia dụng...
 
Thấy chúng tôi mang dáng vẻ của người miền xuôi và đưa máy chụp hình lên, nhiều tiểu thương vội xoay mặt đi nơi khác để không bị "lọt" vào khuôn hình. Số khác thì đứng phắt dậy bỏ đi nơi khác, đồng thời ra vẻ mặt khó chịu và "ném" lại mấy câu "Ở đây có chi hay mà các chú chụp hình...!?".
 
Một cán bộ túc trực ở chốt kiểm dịch tâm sự với chúng tôi, toàn bộ những tiểu thương khi vào bản đều được đo thân nhiệt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong quá trình hoạt động kinh doanh tại bản, nếu có dấu hiệu gây rối, làm mất trật tự an ninh bản thì chúng tôi xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Riêng những chuyện như kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa..., đó là nhiệm vụ của các đơn vị chức năng khác, chúng tôi không có thẩm quyền nói trên.
Một ngôi chợ cóc vừa xuất hiện ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa hồi đầu tháng 5-2020.
Một ngôi chợ cóc vừa xuất hiện ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa hồi đầu tháng 5-2020.
Trở lại nội dung phản ánh của bạn đọc, như: "Vì sao các chợ cóc lại thường mọc lên chóng vánh đúng vào dịp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vừa nhận được các khoản hỗ trợ từ Chính phủ hoặc nhận chế độ học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NÐ-CP và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NÐ-CP..."?. "Tại sao các tiểu thương lại nắm được thông tin để "tụ tập" buôn bán với số lượng đông người, cùng thời điểm và với nhiều mặt hàng như vậy mà các lực lượng chức năng không có mặt kịp thời để kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, chống thất thu thuế..."?. "Trong điều kiện đồng bào tại các bản vùng biên ở huyện Minh Hóa đa số đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số người dân vẫn còn tâm lý "đói chẳng lo, no chẳng mừng"..., việc lừa gạt thông qua mua bán rất dễ xảy ra nếu không có sự kiểm soát tốt của các lực lượng chức năng"?...
 
Một số người còn cho rằng, việc để hình thành nên những "chợ cóc" mà thiếu sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng, sẽ tạo ra tâm lý lo lắng, không an tâm trong nhân dân về hiệu quả đầu tư cũng như những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với tình hình đời sống, chất lượng học tập của con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Đem những thắc mắc của bạn đọc và những gì chúng tôi chứng kiến, ghi nhận được ở "chợ cóc" vừa mọc lên tại bản Ka Ai đến trao đổi với lãnh đạo UBND xã Dân Hóa, ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa thẳng thắn thừa nhận: Tình trạng các ngôi "chợ cóc" thường mọc lên chóng vánh tại các bản trên địa bàn xã đã xảy ra từ nhiều năm trở lại đây. Những người buôn bán đại đa số là dân trong vùng. Việc các tiểu thương nắm được thông tin đúng vào dịp những cơ quan trên địa bàn xã Dân Hóa vừa chi trả xong các khoản hỗ trợ của nhà nước cho đồng bào, học sinh thì chúng tôi không hiểu được vì sao họ có được thông tin nói trên. Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa xử lý được trường hợp tiểu thương nào vào buôn bán tại các bản có hành vi gian dối, lừa gạt người dân...
 
Đối với những phản ánh của bạn đọc và phóng viên vừa nêu ra, ông Hạnh cho biết sẽ ghi nhận và xem xét để từ đó có những biện pháp chỉ đạo, phối hợp thực hiện sâu sát hơn trong quản lý hoạt động giao thương diễn ra trên địa bàn xã thời gian tới.
 
"Chúng tôi sẽ chỉ đạo tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nguồn tiền hỗ trợ một cách hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích; đề nghị bà con khi chọn mua những mặt hàng do các tiểu thương vào bày bán tại xã cần phải xem kỹ nhãn mác, thời hạn sử dụng...; chỉ đạo các bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, người có uy tín tăng cường giám sát chặt chẽ các hành vi vi phạm pháp luật (đặc biệt là đối với các tiểu thương vào hoạt động tại xã Dân Hóa) để báo cáo kịp thời đến cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm...", ông Hạnh nói.
Thấy phóng viên ghi hình, nhiều tiểu thương vội quay mặt đi nơi khác
Thấy phóng viên ghi hình, nhiều tiểu thương vội quay mặt đi nơi khác
Liên quan đến những nội dung này, ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Minh Hóa cho biết, mới đây, huyện Minh Hóa vừa tiến hành chi trả tiền hỗ trợ 5 tháng (năm học 2019-2020) đối với các học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo Nghị định 116/2016/NÐ-CP và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NÐ-CP.
 
Theo quy định thì ngành GD-ĐT sẽ chi trả trực tiếp cho các phụ huynh quản lý, sử dụng chứ không được giữ lại ở trường, vì nếu làm như vậy là trái với quy định. Tuy nhiên, để các phụ huynh dùng số tiền đó phục vụ tốt cho việc học tập của con em họ thì ngành GD-ĐT huyện Minh Hóa chỉ mới dừng lại ở việc vận động đồng bào chi tiêu hợp lý, đúng mục đích mà thôi.
 
Thời gian tới, Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa sẽ chỉ đạo các nhà trường, điểm trường học tích cực tìm hiểu phụ huynh dùng các khoản tiền chi trả cho học sinh để chi tiêu vào những mục đích gì, có hợp lý hay không... Nếu thấy cần thiết, Phòng sẽ đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp đối với UBND huyện Minh Hóa nhằm chung tay phát huy hiệu quả các chính sách của nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục trên địa bàn...
 
Với những thông tin mà bạn đọc phản ánh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở huyện Minh Hóa nên xem xét để từ đó tăng cường theo dõi, siết chặt công tác quản lý đối với các "chợ cóc" mới mọc lên ở những vùng biên, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với tình hình đời sống, chất lượng giáo dục của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Văn Minh