Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bố Trạch: Cần giải quyết dứt điểm tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp

  • 08:20 | Thứ Hai, 18/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do việc tranh chấp đất giữa các hộ gia đình, cá nhân ở xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) và Công ty CP giống Lâm nghiệp vùng Bắc Trung bộ (GLNVBTB) kéo dài nên đến nay, một diện tích đất không nhỏ bị bỏ hoang phí. Người dân vào canh tác thì doanh nghiệp không cho, doanh nghiệp sản xuất thì bị người dân cản trở... 
 
Theo báo cáo của UBND xã Vạn Trạch, vào năm 1983, các hộ gia đình là người dân xã Vạn Trạch đã tiến hành khai phá nhiều diện tích đất đai ở khu vực hồ Vực Nồi, Khe Cầy, Khe Cạn để trồng cây, canh tác và sản xuất ổn định. Đến đầu năm 2018, sau khi các hộ gia đình, cá nhân thu hoạch hoa màu, cây cối và tài sản trên diện tích đất này thì Công ty GLNVBTB đã cho cán bộ, công nhân tiến hành trồng cây keo trên phần đất của các hộ đang sử dụng và phần đất các khu vực thuộc lòng hồ chứa nước Vực Nồi, Khe Cầy và Khe Cạn.
 
Công ty GLNVBTB cho hay, toàn bộ diện tích đất này là của công ty đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 1995. Vì vậy, một số gia đình, cá nhân trồng cây trên các phần đất nói trên bị cán bộ, công nhân Công ty GLNVBTB nhổ đi hoặc yêu cầu hợp đồng thuê lại đất; đồng thời, cấm người và trâu bò ra vào để sản xuất canh tác trên các phần đất này.
 
Một số người dân quá khích thì có ý định đến phá cây, tài sản và uy hiếp cán bộ, công nhân của Công ty GLNVBTB, dẫn đến tình hình phức tạp trên địa bàn xã. Toàn xã hiện có 14 hộ gia đình, cá nhân ở các thôn: Sỏi, Đông, Nam, Thọ Lộc... tranh chấp đất với Công ty GLNVBTB, diện tích tranh chấp là 98,6ha.
Diện tích đất trước đây người dân trồng lúa, nay bị bỏ hoang phí.
Diện tích đất trước đây người dân trồng lúa, nay bị bỏ hoang phí.
Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho biết, trước tình hình đó, ngày 18-6-2018, UBND xã Vạn Trạch đã có Tờ trình số 45/TTr-UBND báo cáo UBND tỉnh, đề nghị tỉnh kiểm tra, rà soát, giải quyết tranh chấp giữa Công ty CP GLNVBTB và các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Vạn Trạch, tránh tình trạng xâu ẩu đáng tiếc xảy ra. Qua tiến hành kiểm tra thực tế sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân và Công ty GLNVBTB của xã cho thấy, bản đồ đo đạc sử dụng đất của Công ty GLNVBTB không đúng với thực tế và hiện trạng sử dụng đất; đã đo cả phần đất lòng hồ chứa nước, đất trồng cây nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khai phá và sử dụng ổn định từ năm 1983 cho đến nay (một số hộ gia đình, cá nhân đã làm nhà và sinh sống trên đất) vào mục đích trồng rừng sản xuất của công ty.
 
Ngày 27-6-2018, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 2292/ VPUBND-TNMT thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân giao Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bố Trạch và các sở, ngành liên quan kiểm tra, giải quyết sự việc.
 
Qua các buổi làm việc và kết quả kiểm tra thực địa của các ngành chức năng, đơn vị liên quan, căn cứ vào hồ sơ, ngày 23-7-2018, Sở TN-MT có Báo cáo số 98/BC-STNMT, trong đó kết luận: Trên địa bàn xã Vạn Trạch hiện có 10 khu vực có tranh chấp đất đai giữa Công ty GLNVBTB với các hộ dân, có tổng diện tích 98,6ha. Toàn bộ diện tích đang có tranh chấp đều nằm trong khu vực đã được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho Công ty GLNVBTB từ năm 1995. Phần diện tích tranh chấp bao gồm diện tích có mặt nước và diện tích đất trồng rừng của các hộ dân đang trực tiếp sử dụng. Hiện tại, các hộ dân đang trồng cây, dựng lán trại, đào giếng nước, lò ngói và xây dựng nhà ở ổn định (trong đó có nhiều trường hợp sử dụng đất trước thời điểm năm 1995).
 
Đến thời điểm kiểm tra, Công ty GLNVBTB đã rà soát xong hiện trạng sử dụng đất và đang làm thủ tục để đề nghị UBND tỉnh cấp đổi lại GCNQSDĐ. Theo phương án rà soát hiện trạng sử dụng đất của công ty thì phần diện tích đất có mặt nước, ao hồ, công ty đã đề nghị bóc tách để giao lại cho địa phương quản lý; đối với phần diện tích đất trồng rừng các hộ dân đang sử dụng chưa có phương án xử lý trong hồ sơ rà soát của công ty.
Một phần diện tích đất tranh chấp, Công ty GLNVBTB đã trồng cây lên cao.
Một phần diện tích đất tranh chấp, Công ty GLNVBTB đã trồng cây lên cao.
Từ những kết quả kiểm tra nêu trên cho thấy, việc UBND xã Vạn Trạch phản ánh bản đồ đo đạc hiện trạng sử dụng đất của Công ty GLNVBTB không đúng với thực tế sử dụng đất dẫn đến có sự chồng lấn, tranh chấp với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là có cơ sở.
 
Để giải quyết dứt điểm sự việc trên, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty GLNVBTB phối hợp với UBND xã Vạn Trạch, đơn vị tư vấn tiến hành rà soát lại hiện trạng sử dụng đất của công ty, đặc biệt là các khu vực đất mà người dân đang sử dụng để có phương án giải quyết cụ thể trước khi trình UBND tỉnh cấp đổi lại GCNQSDĐ.
 
Đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có thời điểm trước năm 1995 (sử dụng đất trước thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận) mà không có hợp đồng giao khoán với công ty và diện tích hộ dân đang sử dụng nhưng công ty không có nhu cầu thì tiến hành rà soát, bóc tách để giao trả cho địa phương quản lý.
 
Đối với các trường hợp có hợp đồng giao khoán, mượn đất của công ty hoặc lấn, chiếm đất sau thời điểm công ty được cấp GCNQSDĐ từ năm 1995 đến nay có phát sinh tranh chấp thì UBND xã Vạn Trạch tổ chức hòa giải, nếu không thành các bên thực hiện khởi kiện ra tòa để giải quyết theo quy định.
 
Ngày 3-8-2018, Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 2792/VPUBND-TNMT thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng ý việc giải quyết tranh chấp đất giữa Công ty GLNVBTB và các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Vạn Trạch theo đề xuất của Sở TN-MT; đồng thời, yêu cầu công ty, UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Vạn Trạch căn cứ nội dung kiến nghị của Sở TN-MT để triển khai thực hiện.
 
Tuy nhiên, đến ngày 7-11-2018, Công ty GLNVBTB có văn bản gửi UBND xã Vạn Trạch, nội dung: Việc rà soát lại hiện trạng sử dụng đất của công ty sẽ mất nhiều kinh phí để thuê đơn vị tư vấn thực hiện, ảnh hưởng đến việc bảo toàn vốn Nhà nước và kết quả sản xuất kinh doanh của công ty. Vì vậy, công ty đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Đến nay, công ty chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty nên chưa triển khai thực hiện được.
 
Do vậy, sự việc không được giải quyết dứt điểm, dẫn đến một diện tích đất lớn đang tranh chấp từ năm 2018 đến nay tiếp tục bị bỏ hoang, lãng phí. Trong khi đó, người dân lại thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Đức, ở thôn Sỏi, xã Vạn Trạch (người dân đang có đất tranh chấp với công ty), chia sẻ: “Dù công ty được cấp GCNQSDĐ từ năm 1995, nhưng trước đây bà con vẫn sản xuất, canh tác trên diện tích này, không xảy ra chuyện tranh chấp. Đến năm 2018, sự việc tranh chấp đất đai mới xảy ra và ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho người dân. Số diện tích đất của bà con đã khai hoang, canh tác, phần thì trồng keo, bạch đàn, phần thì trồng lúa và chăn nuôi thêm trâu bò. Nhưng nay, diện tích đất đai vốn đã gắn bó với bà con hàng chục năm qua phải bỏ hoang với toàn lau lách, cỏ dại... xót lắm!”.
 
“Hiện, lãnh đạo xã Vạn Trạch cũng như các hộ dân có đất tranh chấp với Công ty GLNVBTB đều có một mong muốn sự việc được giải quyết sớm, không kéo dài gây lãng phí công sức và tiền của. Bên cạnh đó, việc phòng cháy, chữa cháy rừng cũng gặp nhiều bất cập. Trước đây có người dân sản xuất, canh tác, việc ý thức bảo vệ rừng được cộng đồng nêu cao, ở khu vực này, chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Nhưng nay, tình hình “cha chung không ai khóc”, chính quyền địa phương luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng. Nếu chứng minh được phần diện tích đất tranh chấp nói trên là của công ty thì người dân tự nguyện trả lại. Nếu không thì công ty có phương án bóc tách để trả lại cho người dân sản xuất, canh tác”, ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch bày tỏ.
                                                                                               
Hương Trà