Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Vụ bà H.T.H ở xã Thuận Đức (TP.Đồng Hới) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản:

Thêm nhiều trường hợp bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

  • 09:22 | Thứ Năm, 10/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Liên quan đến việc bà H.T.H ở thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức (TP.Đồng Hới) bị tố lừa đảo “chạy việc”, qua xác minh, tìm hiểu, chúng tôi được biết, với thủ đoạn tương tự, nhiều người dân ở huyện Quảng Trạch, TX.Ba Đồn đã bị bà H. lừa đảo chiếm đoạt tiền hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói, lần này bà H.T.H chủ động đến nhà từng người giới thiệu khả năng “chạy việc” làm an ninh ở các sân bay.

Đến tận nhà lừa “chạy việc”

Không giống như trường hợp bà Nguyễn Thị Lý ở phường Ba Đồn (TX.Ba Đồn) chủ động liên hệ nhờ “chạy việc” vào ngành Công an, bà H.T.H đã đến trực tiếp tại nhà nhiều người dân ở huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn để mồi chài “chạy việc”.

Nhà của bà H.T.H ở thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức (TP.Đồng Hới), người bị tố lừa đảo chạy việc để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều người.
Nhà của bà H.T.H ở thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức (TP.Đồng Hới), người bị tố lừa đảo chạy việc để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều người.

Ông Hoàng Văn Hiền ở thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch), vốn là dân xe ôm, vợ ông cũng chỉ chạy bữa ăn bằng nghề lao động tự do. Hoàn cảnh gia đình không khá giả gì, nhưng theo lời ông, đời ông bà chấp nhận gánh lấy tất cả vất vả, chỉ mong muốn con trai có được một công việc ổn định.

Ông Hiền kể, ông có 3 người con (2 trai, 1 gái đã lấy chồng), người con trai cả bị bệnh, không được bình thường, chỉ còn lại đứa út, mới tốt nghiệp THPT, đang tính chuyện đi bộ đội. Năm 2014, nghe người quen biết giới thiệu bà H.T.H ở TP.Đồng Hới có khả năng “chạy việc”. Chưa biết mặt ngang mũi dọc của bà H. như thế nào và cũng chưa kịp liên lạc để hỏi chuyện, thì bà H.T.H đã tìm đến nhà ông để vận động.

Những lời hứa hẹn “màu hồng” về một công việc an ninh hàng không tại các sân bay của bà H.T.H đã khiến cho ông liều lĩnh chấp nhận dốc tiền của vào “canh bạc” chạy việc này. Lúc đó, bà H. còn bảo: "Đi bộ đội chi cho khổ, đi học học viện hàng không cho sướng. Học xong ra trường có việc làm ngay. Nói là đi học, nhưng vào trường đó đã có người của mình lo hết cả rồi, mình chỉ việc tham gia huấn luyện cho có thôi".

Bà H. đến nhà lần thứ nhất, rồi lần thứ 2, thì vợ chồng ông Hiền chấp nhận khoản “chạy việc” giá 340 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, bà H. hứa sẽ lo tất cả các thủ tục, từ làm hồ sơ đến lúc ra trường xin việc. Quả đúng như lời bà H. đã hứa, khoảng giữa năm 2014, con ông có giấy báo gọi nhập học thật.

Thế nhưng, học được hơn 1 năm thì con trai ông điện ra bảo: “Ba mẹ coi lại chơ con nghi lắm. Họ nói vào đây có người giúp đỡ thi cử nhưng học ở đây hơn 1 năm rồi con không thấy có ai giúp cả. Kỳ thi nào cũng bị đánh trượt môn tiếng Anh”. Thấy nghi nghi, ông Hiền liên hệ bà H. để hỏi thì bà này trả lời, cứ lo học cho có bằng, thì ra trường mới xin được việc.

Đâm lao thì phải theo lao, lúc đó ông bà cũng chẳng biết phải làm gì, đành phải gọi điện vào động viên con cố gắng học để ra trường có bằng mà xin việc. Rốt cuộc theo học gần 4 năm trời, từ năm 2014 đến 2018, nhưng con ông chẳng có bằng biếu gì cả.

“Giờ nó đi làm thị trường cho một nhãn hàng lớn ở TP. Đồng Hới, thu nhập cũng khá. Còn từ lâu tôi cũng không còn nghĩ đến việc tìm bà H. để lấy lại tiền khoản tiền hơn 300 triệu đồng nữa. Thôi thì mình dại nên mới bị lừa vậy”, ông Hiền chia sẻ.

Điều đáng nói, ông Hiền không phải là trường hợp duy nhất, bà H.T.H trực tiếp đến nhà “kết nối”, nhận tiền chạy việc.

Lo từ A đến Z...

Có con gái đang vừa thi đỗ ngành sư phạm một trường đại học ở phía Nam, chuẩn bị đi học, nhưng chị Lê Thị Hương ở thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch) vẫn chưa yên tâm. Phần vì nhà chỉ có mỗi đứa con gái mà đi học xa nhà, phần khác chị sợ con bé học sư phạm ra không xin được việc làm.

Lăn tăn suy nghĩ là vậy, nhưng chị không dám nói ra với con. Thế rồi tình cờ được một người quen giới thiệu bà H.T.H có thể xin việc làm an ninh sân bay, chị cũng chậc lưỡi, để tìm hiểu thử xem.

Chị Hương kể, trước đó, chị cũng đã cẩn thận tìm hiểu một số người ở TX.Ba Đồn, thấy con cái họ cũng được đi học đàng hoàng hết cả, nên chị mới tin. Ít hôm sau, bà H.T.H đi cùng người quen, trực tiếp ra nhà.

Bà H. nói rằng, yên tâm đi, bà đã chạy cho nhiều người đi học rồi, chứ chẳng phải nói chuyện chơi. Nếu đưa cho bà ta 350 triệu đồng, bà sẽ lo từ A đến Z, lo từ làm hồ sơ xét tuyển, quá trình học tập ở trường, lẫn sau này ra trường, muốn xin việc ở đâu, bà cũng lo tất. Sau một hồi thương thảo, cuối cùng bà H cũng chấp nhận xuống giá còn 320 triệu đồng. Bà H bảo, cầm trước 50 triệu đồng để lo hồ sơ xét tuyển và thủ tục nhập học.

Quả đúng như giao hẹn, một thời gian sau, con gái chị Hương nhận được giấy báo nhập học của Học viện hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) với nội dung, gửi cho thí sinh T.T.M.H đến làm thủ tục nhập học hệ trung cấp nghề: An ninh hàng không (năm 2014-2015). Sau khi nhận được giấy báo nhập học, bà H. gọi điện bảo chị đưa con vào TP.Đồng Hới để bà dẫn vào trường nhập học.

Chị Hương cho biết, vào TP.Đồng Hới, 2 mẹ con bà H. (bà H và người con tên Hồ) đưa mẹ con chị vào TP.Hồ Chí Minh làm thủ tục. Bà H. nói là vậy, nhưng vào đến TP.Huế, thì bà không đi nữa, chỉ có người con tên Hồ đưa đi, cùng với một cháu người Huế nữa. Trường hợp này chắc cũng được bà H. kết nối “dắt mối” đưa đi.

<img alt="Giấy nhận tiền 320 triệu đồng do bà H.T.H viết, với nội dung " lo="" "="" cho="" con="" gái="" chị="" lê="" thị="" hương="" ở="" thôn="" hòa="" bình,="" xã="" quảng="" hưng="" (huyện="" trạch)="" vào="" học="" khoa="" an="" ninh="" hàng="" không="" việt="" nam.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201910/original/images654005_47_.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201910/original/images654005_47_.jpg" style="width: 734px; height: 967px;">
Giấy nhận tiền 320 triệu đồng do bà H.T.H viết, với nội dung "lo" cho con gái chị Lê Thị Hương ở thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch) vào học khoa an ninh hàng không Việt Nam.

Trước khi lên đường vào TP.Hồ Chí Minh, tại nhà bà H.T.H, chị Hương đã mang số tiền 270 triệu đồng còn lại giao đầy đủ cho bà H. Sau khi nhận đủ tiền, bà H. đã viết một giấy nhận tiền ghi ngày 4-9-2014 với nội dung nhận của chị Hương 320 triệu đồng để “lo việc riêng cho cháu T.T.M.H học khoa an ninh hàng không Việt Nam, 2 năm. Khi ra trường được bố trí công tác tại các sân bay trên toàn quốc.

Với điều kiện các cháu học tốt, ngoan, không vi phạm kỷ luật nhà trường. Nếu cháu vi phạm kỷ luật nhà trường thì gia đình và cháu chịu trách nhiệm. Vậy tôi viết giấy này để làm cam kết với gia đình, nếu có việc gì sai sót, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường lại đủ số tiền trên cho gia đình”.

“Nói là học chỉ 2 năm, nhưng con tôi phải học gần 4 năm, từ năm 2014 đến 2018. Chẳng những mất tiền “chạy học, chạy việc”, giờ đây, con tôi còn không hề có bằng tốt nghiệp. Vậy là tiền mất, tật mang.

Suốt mấy năm nó đi học, thỉnh thoảng tôi vẫn liên lạc chuyện trò với bà H. Nhưng lúc con gái gần ra trường thì không thể liên lạc được nữa. Mấy lần, tôi vào nhà bà H. để hỏi và lấy lại tiền, nhưng người nhà bảo bà H. không có nhà”, chị Hương bức xúc.

Theo lời chị, điều đáng nói, trong các cuộc điện thoại sau này, lúc con gái chị gần ra trường, bà H. còn gạ gẫm chị hỏi xem có ai muốn con đi học an ninh hàng không nữa thì kết nối để bà ấy làm luôn. 

Ngoài 2 trường hợp nói trên, chúng tôi nhận được thông tin bà H.T.H còn nhận hàng trăm triệu đồng và hứa “chạy việc” cho nhiều người dân ở huyện Quảng Trạch, TX.Ba Đồn. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh sự việc và theo dõi quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng để thông tin đến bạn đọc. 

Dương Công Hợp