Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Thông tin tiếp vụ người dân bị ngân hàng đòi nợ sau gần 20 năm tài sản thế chấp đã bán:

Dằng co giữa bên cho vay và bên vay

  • 10:44 | Thứ Tư, 25/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Vụ việc bà Trần Thị Duyên (hiện trú tại xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới) tiếp tục kiến nghị đề nghị làm rõ với các nội dung mới đối với việc thế chấp, vay vốn và xử lý tài sản thế chấp, trả nợ vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Lý Thái Tổ, Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Bình có văn bản trả lời và khẳng định phía ngân hàng đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật về lĩnh vực ngành ngân hàng!

Theo đó, bà Trần Thị Duyên kiến nghị và đề nghị trả lời các nội dung: Khi hộ vay vốn, hợp đồng tín dụng thế chấp tài sản chung cho ngân hàng thì người vợ (người thừa kế thứ nhất) có cần ký vào hồ sơ vay vốn không, hay không cần ký vẫn được vay vốn.

Chi nhánh Agribank Lý Thái Tổ nơi bà Duyên khiếu nại việc bị ngân hàng đòi nợ sau gần 20 năm tài sản thế chấp đã bán.
Chi nhánh Agribank Lý Thái Tổ nơi bà Duyên khiếu nại việc bị ngân hàng đòi nợ sau gần 20 năm tài sản thế chấp đã bán.

Khi làm thủ tục hợp đồng tín dụng thế chấp tài sản chung đều có chữ ký của chồng và vợ, vậy việc vay trả đều có quyền lợi trách nhiệm như nhau hay là không; hồ sơ thế chấp và thủ tục xử lý tài sản bị phát mãi, ngân hàng có kết hợp với chính quyền địa phương và người thừa kế hay ngân hàng tự xử lý tài sản phát mãi; trường hợp rủi ro do chủ hộ vay vốn không trả được nợ, ngân hàng có đòi người thừa kế không; trường hợp vợ chồng bà ngân hàng để hơn 20 năm mới lập bảng kê một lần, thông báo một lần có đúng với quy trình tổ chức Nhà nước không.

Nếu như gia đình chồng bà không vay mượn và tất toán ngân hàng thì ngân hàng để bao lâu nữa mới thông báo đòi món nợ đã để hơn 20 năm không có giấy đòi nợ...?

Về các nội dung nói trên, ông Nguyễn Trần Quý, Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Bình trả lời cụ thể như sau:

Theo quy định của pháp luật, khi hộ vay vốn nếu thế chấp bằng tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì các thành viên hộ gia đình phải ký tên vào hồ sơ vay. Nếu quyền sử dụng đất từ hai người trở lên (kể cả vợ, chồng) thì các thành viên có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được ký vào hồ sơ vay vốn để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ trả nợ cũng như xử lý tài sản thế chấp nếu không trả được nợ vay.

Trường hợp người đứng tên vay vốn không trả được nợ thì những người có liên quan ký trong hồ sơ vay vốn (người thừa kế) phải có trách nhiệm trả nợ ngân hàng cho đến hết nợ vay (gốc, lãi).

Trong trường hợp tài sản bảo đảm, nếu không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm được yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật tại Điều 336 và Điều 355 Bộ luật Dân sự.

Cụ thể, đối với trường hợp bán tài sản bảo đảm để trả nợ của ông Đặng Văn Tẹm (chồng bà Duyên) đã được thực hiện theo thỏa thuận tại đơn xin chuyển nhượng nhà ở, đất ở, đất vườn ngày 22-8-2000 bên chuyển nhượng bán là ông, bà Đặng Văn Tẹm-Trần Thị Duyên với bên mua tài sản là ông, bà Đặng Văn Quýnh-Nguyễn Thị Mỹ đã được UBND xã Đức Ninh xác nhận ngày 23-8-2000 và thỏa thuận của ngân hàng cho phép hộ vay tìm khách hàng bán là phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp rủi ro do chủ hộ vay không trả được nợ, ngân hàng có quyền yêu cầu người vay, người thừa kế trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định có liên quan.

Cùng với đó, theo quy định của pháp luật, ngân hàng có quyền đòi nợ, quyền yêu cầu bên vay trả nợ (quyền về tài sản bao gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự) phải thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình.

Việc khách hàng còn nợ vay, ngân hàng phải hoạch toán vào tài khoản vay cho đến khi trả hết nợ theo nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi. Theo các quy định trước đây cũng như gần nhất là quy định tại Điều 21 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí quy định: Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền khởi kiện ra tòa án để thu nợ theo quy định của pháp luật. Nếu do nguyên nhân bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...diện rộng) được Chính phủ, Nhà nước cho chủ trương thì người vay, người thừa kế làm đơn đến ngân hàng xem xét miễn, giảm...một phần hoặc toàn bộ khi được phép của Chính phủ. Tuy nhiên, trường hợp ông Tẹm và bà Duyên không thuộc diện này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, ông Tẹm và bà Duyên vẫn phải có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ đối với nợ gốc còn lại và lãi phát sinh của khoản vay tại Agribank Chi nhánh Lý Thái Tổ cho đến khi hết nợ gốc và lãi.

Tại thời điểm sau khi nợ xấu phải bán tài sản thế chấp trả nợ, ông Tẹm còn nợ ngân hàng với tổng số tiền 163,266 triệu đồng (nợ gốc 14,940 triệu đồng, số nợ lãi trong hạn 102,471 triệu đồng, số nợ lãi quá hạn 45,855 triệu đồng). Ông Tẹm không còn cư trú tại địa phương cũ, khi “khá giả” không tự giác trả nợ còn lại.

Cụ thể người đứng tên vay là ông Tẹm, ông Tẹm là thành viên cổ đông sáng lập, có tài sản lớn góp vốn 6 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần đầu tư TCTC cùng anh trai đứng tên người đại diện (ông Tiệm) thể hiện tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp CTCP số 3100765537 đăng ký lần đầu ngày 22-7-2011, đăng ký thay đổi lần 1 ngày 25-9-2013 do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; biên bản xác nhận góp vốn ngày 10-7-2011.

Bà Duyên tiếp tục bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách trả lời của phía Agribank.
Bà Duyên tiếp tục bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách trả lời của phía Agribank.

Cho nên ông Tẹm có khả năng tài chính thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay còn lại tại ngân hàng. Theo đó, ngày 27-8-2018, ông Tẹm đã tự nguyện trực tiếp nộp 100 triệu đồng vào Ngân hàng Agribank chi nhánh Lý Thái Tổ để trả nợ gốc và một phần lãi vay. Điều này khẳng định rằng, ông Tẹm đã thực hiện một phần nghĩa vụ trả nợ vay đối với ngân hàng.

Theo ông Quý thì các hồ sơ liên quan đến việc thế chấp, vay vốn, xử lý tài sản thế chấp, quá trình trả nợ vay của ông, bà Tẹm-Duyện tại Chi nhánh Agribank Lý Thái Tổ được thực hiện theo quy địnhcủa pháp luật của ngành Ngân hàng và lưu trữ đầy đủ. Tại thời điểm ngày 14-9-2018 đến tháng 8-2019, ông Tẹm vẫn còn nợ ngân hàng nơi cho vay với số tiền gốc 1 triệu đồng và lãi tồn đọng (trong hạn và quá hạn) 62,589 triệu đồng.

Ông Quý cũng cho biết, đây là lần trả lời cuối cùng của Agribank Chi nhánh Quảng Bình cho vợ chồng ông bà Tẹm-Duyên. Nếu còn vướng mắc, không đồng ý ông bà có quyền khởi kiện qua Tòa án để được giải quyết.

Trước nội dung trả lời nói trên của ông Nguyễn Trần Quý, Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Bình, bà Duyên cho hay là không đồng tình và sẽ theo đuổi vụ kiện này đến cùng. "Phía ngân hàng cho mình làm đúng thì cứ kiện ra tòa án và tôi sẵn sàng theo vụ kiện để làm rõ ai đúng, ai sai tại tòa án...", bà Duyên cho biết.

Thành Quảng