Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghịch lý bài toán xử lý nước thải sinh hoạt đô thị- Bài 2: "Mù mờ" thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt

  • 08:29 | Thứ Sáu, 23/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cho đến hiện tại, những cư dân sinh sống tại các KDC trên địa bàn TP. Đồng Hới phần lớn đều “mù mờ” về vấn đề thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải sinh hoạt (NTSH). Nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao chúng tôi không hưởng lợi bất cứ một cái gì từ Dự án vệ sinh môi trường thành phố, KDC chưa được đầu tư xây dựng hệ thống cống R3 thu gom NTSH vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” đóng phí BVMT?”.

Ông Phan Anh T. ở phường Bắc Nghĩa dẫn chứng: “Trên địa bàn phường hầu như chưa có hệ thống xử lý, thu gom nước thải R3. Hàng tháng gia đình chúng tôi vẫn phải đóng phí BVMT đối với NTSH tính theo tỷ lệ sử dụng nước sạch. Nếu sử dụng nước sạch nhiều, đương nhiên phí BVMT đối với NTSH càng cao.

Không có hệ thống xử lý thu gom NTSH R3 nhưng người dân vẫn đóng phí BVMT thông qua hóa đơn tiền nước.
Không có hệ thống xử lý thu gom NTSH R3 nhưng người dân vẫn đóng phí BVMT thông qua hóa đơn tiền nước.

Ở đây phát sinh một nghịch lý, hàng ngày gia đình tôi dùng nước sạch để tưới cây cối trong vườn, lượng nước tưới ngấm vào môi trường không phải là NTSH nhưng vẫn đóng phí như NTSH. Nghịch lý này phát sinh từ khi có chủ trương thu phí NTSH đến nay và hầu như gia đình nào cũng gặp phải”.

Tương tự, bà Phạm Thị T. (phường Nam Lý) mỗi lần thanh toán hóa đơn tiền nước bình quân mỗi tháng khoảng 280.000 đồng (chi phí cho trên 40m3 nước sạch) phải trả thêm một khoản phí BVMT đối với NTSH gần 70 nghìn đồng, mặc dù gia đình bà cũng như nhiều hộ dân liền kề không được hưởng lợi bất kỳ một thứ gì từ Dự án vệ sinh môi trường thành phố và KDC nơi bà T. sinh sống chưa xây dựng hệ thống R3.

>> Bài 1: Nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư đi về đâu?!

Khi bà Phạm Thị T. thắc mắc với người thu tiền thì chính họ cũng lắc đầu không biết, câu trả lời thường rất chung chung: “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm thu tiền căn cứ vào số liệu cụ thể ghi trên hóa đơn thôi”.

Trở lại với KDC mới tại TDP9, phường Bắc Lý, mặc dù trong quy hoạch chi tiết có hệ thống thu gom nước thải R3, nhưng thực tế hoàn toàn không có, nước thải sinh hoạt trong dân thải tự do ra môi trường. Ông Ngô Đức L., cư dân TDP 9 phản ánh: “Mỗi tháng gia đình chỉ dùng khoảng từ 20-25m3 nước thôi, nhưng phải cộng thêm khoản phí BVMT đối với NTSH hơn 30.000 đồng.

Câu hỏi đặt ra là với hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống trên địa bàn TP. Đồng Hới, số tiền hàng tháng nộp phí BVMT đối với NTSH sẽ rất lớn, vì sao không công khai minh bạch cho người dân được biết.

Tổng thu là bao nhiêu, chi phí cho mục đích gì? Trong khi chỉ có một số phường nội thị, trung tâm được hưởng lợi từ Dự án vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt R3, còn lại các KDC khác thì không thấy đầu tư xây dựng”.

Tiếp tục đi sâu tìm hiểu về phí BVMT đối với NTSH, phóng viên “bất ngờ” vì ngay từ năm 2012 HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 43/2012/NQ-HĐND quy định về thu phí BVMT đối với NTSH tại TP. Đồng Hới theo lộ trình thực hiện Dự án vệ sinh môi trường với mức áp dụng cho năm 2012 là 520 đồng/m3; năm 2013 là 830 đồng/m3.

Ngày 29-7-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND về phí BVMT đối với NTSH tại TP. Đồng Hới, trong đó quy định trích 8% cho đơn vị thu là Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Quảng Bình, 92% nộp vào ngân sách để cấp cho Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình phục vụ chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Gần đây nhất, HĐND ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, ngày 18-7-2017 quy định lộ trình và mức thu phí BVMT đối với NTSH trên địa bàn TP. Đồng Hới giai đoạn 2017-2022, theo đó mức thu năm 2017 là 1.609 đồng/m3; từ năm 2018 đến năm 2022 là 1.610 đồng/m3.

Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình (tiền thân là Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triền đô thị Quảng Bình) là doanh nghiệp công ích hoạt động về lĩnh vực môi trường, phát triển đô thị từ nguồn ngân sách do UBND tỉnh giao.

Ông Phạm Đức Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Về nguyên tắc thu phí BVMT đối với NTSH đã quy định rất rõ ràng tại Nghị định 154/2016/NĐ-CP, ngày 16-11-2016 của Chính phủ. Tất cả các KDC tập trung có sử dụng nước sạch thì bắt buộc phải đóng phí BVMT đối với NTSH, mức đóng 10%.

Trên 10% phải do HĐND tỉnh quyết định. Đơn vị thu phí BVMT đối với NTSH của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sạch là đơn vị cung cấp nước sạch, tại TP. Đồng Hới là Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Quảng Bình”.

Cũng theo ông Phạm Đức Thái, khi Dự án vệ sinh môi trường TP. Đồng Hới khởi động với tổng mức đầu tư 78,5 triệu USD, vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB). Trong cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với đại diện WB về tính bền vững của dự án, bắt buộc phải thu phí BVMT đối với NTSH.

Nếu căn cứ vào Nghị định 154/2016/NĐ-CP, ở địa bàn TP. Đồng Hới nơi nào Dự án VSMT đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, đồng bộ, mức thu giá (không phải thu phí) có thể lên đến 15 nghìn đồng/m3 chứ không phải áp dụng theo cách “cào bằng” như hiện tại, chỉ thu phí 1.610 đồng/m3.

Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình, với mức 6 tỷ đồng năm chỉ đủ để phục vụ công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chứ không đủ để tái đầu tư, xây dựng
Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình, với mức 6 tỷ đồng năm chỉ đủ để phục vụ công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chứ không đủ để tái đầu tư, xây dựng.

Mỗi năm Công ty được cấp khoảng 6 tỷ đồng (trong tổng số 11 tỷ đồng tiền thu phí BVMT đối với NTSH), số tiền này chỉ đủ để phục vụ công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chứ không đủ để tái đầu tư, xây dựng mới.

“Nhưng hầu hết người dân vẫn rất “mơ hồ” về việc thu phí BVMT đối với NTSH qua hóa đơn nước sạch?”- phóng viên đặt câu hỏi. “Chúng ta đã có hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ ràng rồi.

Mức thu phí BVMT hàng năm đều được HĐND tỉnh thông qua. Nếu người dân chưa hiểu thì trách nhiệm thuộc về hệ thống chính quyền các cấp, đơn vị chịu trách nhiệm thu. Vì sao không đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không công khai, minh bạch rõ ràng số tiền thu được hàng năm? Về nguyên tắc, anh đã xả thải ra môi trường thì phải đóng phí BVMT”- ông Phạm Đức Thái khẳng định.

Như vậy, việc thu phí BVMT đối với NTSH thông qua hóa đơn thu tiền nước là tuân thủ theo các quy định hiện hành. Nghịch lý ở đây là người dân “mơ hồ” khi đóng phí BVMT đối với NTSH mà chưa được giải thích rõ ngọn ngành; “bị thu” phí theo cách cào bằng, nơi có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ cũng giống nơi đang thải trực tiếp vào môi trường.

Mục 4, Điều 9, Nghị định 154/2016/NĐ-CP quy định “Hàng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có trách nhiệm thông tin công khai số phí mà người dân, doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo địa phương, đài phát thanh địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân và doanh nghiệp được biết”.

Nhóm P.V Bạn đọc