Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghịch lý bài toán xử lý nước thải sinh hoạt đô thị-Bài 1: Nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư đi về đâu?!

  • 07:47 | Thứ Năm, 22/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Với diện tích hơn 155 km2, dân số hơn 160 nghìn người, TP. Đồng Hới được đánh giá là một trong những đô thị năng động của khu vực duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP. Đồng Hới cũng gặp không ít khó khăn thách thức, trong đó có bài toán về tính bền vững và bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Mỗi khu dân cư (KDC) hay đô thị mới (ĐTM) trong quy hoạch phải bảo đảm đầy đủ các yếu tố phục vụ dân sinh: điện, đường, trường, trạm, chợ và các thiết chế văn hoá… Đặc biệt yếu tố môi trường phải đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, ở nhiều KDC trên địa bàn TP. Đồng Hới, các yếu tố trên chỉ đầy đủ theo quy hoạch trên giấy. Riêng vệ sinh môi trường, nước thải sinh hoạt thì chẳng biết đi về đâu?

Khu dân cư mới TDP 9, phường Bắc Lý vẫn còn trong tình trạng “nhộm nhoạm”, HTKT chưa được đầu tư đồng bộ trong đó có hệ thống cống R3.
Khu dân cư mới TDP 9, phường Bắc Lý vẫn còn trong tình trạng “nhộm nhoạm”, HTKT chưa được đầu tư đồng bộ trong đó có hệ thống cống R3.

Kết thúc một ngày làm việc, chị Dương Thị H., cư dân sinh sống tại Dự án hạ tầng kỹ thuật (HTKT) KDC TDP 9, phường Bắc Lý (Đồng Hới) trở về nhà. Công việc đầu tiên của chị là ra phía sau khu đất trống trong quy hoạch dùng xây dựng hệ thống cống thoát nước thải R3 phân chia ranh giới giữa nhà chị với nhà hàng xóm, lấy cát lấp lên những thứ dư thừa từ nhà hàng xóm thải ra chảy tràn trên mặt đất.

Cũng như nhiều gia đình khác mua đất, làm nhà tại khu vực Dự án HTKT  KDC TDP 9, qua hơn 2 năm sống ổn định, gia đình chị Dương Thị H. mới “phát hoảng” khi toàn bộ KDC không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (NTSH).

Người dân chỉ còn lựa chọn phương án duy nhất là cho ngấm xuống dưới lòng đất hoặc thải ra bề mặt phần đất trống R3. “Nếu tình trạng toàn bộ người dân chúng tôi cứ xả NTSH hàng ngày ra môi trường như thế này, chắc chắn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nữa thôi sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường sống ngay”- chị H. khẳng định.

Phường Đức Ninh Đông dân số trên 1.300 hộ với hơn 6.100 khẩu. Trong cơn lốc đô thị hóa, Đức Ninh Đông trở thành địa phương có tốc độ xây dựng chóng mặt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án HTKT KDC hình thành trước năm 2016, hầu như không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải (cống R3). Bắt đầu từ năm 2016 trở đi, hệ thống HTKT của các KDC mới được đầu tư đồng bộ.

Về thực trạng hệ thống thu gom NTSH trong KDC ở phường Đức Ninh Đông, Chủ tịch UBND phường Bùi Xuân Thường cho biết: “Nếu lấy trục đường Nguyễn Văn Cừ làm ranh giới thì phía đông đã có hệ thống cống ngầm dẫn NTSH ra cống chính chạy dọc đường Phạm Văn Đồng do dự án vệ sinh môi trường đầu tư.

Phía tây đường Nguyễn Văn Cừ, các TDP Bình Phúc, Đức Trường hoàn toàn chưa có. Điều đáng nói, dân số của phường hầu hết tập trung tại khu vực này. Mật độ dân số đông, thiếu hệ thống thu gom NTSH, người dân đành chấp nhận đổ nước thải hàng ngày ra môi trường. Vì thế môi trường sống ô nhiễm, cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng lớn”.

Một vấn đề khác mà người dân phường Đức Ninh Đông phàn nàn liên quan đến môi trường là NTSH từ địa bàn các phường Đồng Phú, Bắc Lý, Nam Lý thu gom, tập trung về tuyến cống chính dọc đường Phạm Văn Đồng đến trạm bơm xử lý nước thải nằm gần ngã tư giao nhau giữa đường Phạm Văn Đồng và đường Lê Lợi.

Hiện tại trạm bơm này có dấu hiệu hư hỏng. “Mỗi lần bảo trì, sửa chữa, nước thải trào ra gây nên tình trạng hôi hám đối với các KDC xung quanh”- Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông Bùi Xuân Thường cho biết thêm.

Nghịch lý nhất trong vấn đề xây dựng hệ thống thu gom NTSH là ở xã Đức Ninh. Bà Đặng Thị Hùng Vương, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù Trạm xử lý nước thải nằm trên địa bàn, nhưng Đức Ninh không có bất kỳ một hệ thống cống R3 thu gom nước thải nào.

Ngay cả các Dự án HTKT KDC do thành phố triển khai mới như chợ Đức Ninh, Bàu Bồng, Đồng Chài, Đức Sơn… Với dân số 8.000 khẩu, 2.300 hộ dân, nhu cầu thu gom, xử lý nước thải trong KDC rất lớn. Khi không có hệ thống cống R3, nhân dân chỉ biết thải ra vườn, đất trống, ao hồ”.

Năm 2014, TP. Đồng Hới đưa vào sử dụng hệ thống thu gom, xử lý nước thải và Trạm xử lý nước thải Đức Ninh thuộc Dự án vệ sinh môi trường (DAVSMT) TP. Đồng Hới do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, tổng số vốn 78,5 triệu USD, công suất xử lý 10.000m3/ngày đêm. Qua gần 5 năm hoạt động bước đầu đã giải quyết nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt cho nhân dân các phường nội thị.

Giai đoạn 2016-2018, nguồn đầu tư cho kết cấu hạ tầng trên 7.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho HTKT chiếm 68%. Giai đoạn 2017-2022, liên quan đến vấn đề môi trường, ngoài DAVSMT giai đoạn II thì trên địa bàn TP. Đồng Hới còn có 2 dự án “tầm cỡ” khác gồm Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải- tiểu Dự án thành phố Đồng Hới trị giá 58,4 triệu USD; Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị, trị giá 38,5 triệu USD.

Hệ thống mương lộ thiên ở các KDC xã Đức Ninh dùng để thoát nước mưa và một phần nước thải sinh hoạt sau hơn 15 năm xây dựng nay hoàn toàn bị tê liệt.
Hệ thống mương lộ thiên ở các KDC xã Đức Ninh dùng để thoát nước mưa và một phần nước thải sinh hoạt sau hơn 15 năm xây dựng nay hoàn toàn bị tê liệt.

Tất cả các dự án đều chung mục đích là cải thiện vấn đề môi trường, xây dựng TP. Đồng Hới văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, NTSH tại các KDC vẫn còn nhiều bất cập, không như mong đợi.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Quyền Trưởng ban BQL Đầu tư và Xây dựng thành phố Đồng Hới cho hay: “Hiện tại vấn đề đầu tư HTKT thu gom và xử lý NTSH trên địa bàn đã được phân cấp cho UBND TP. Đồng Hới quản lý. Tuy nhiên trong giới hạn cho phép, UBND cũng phải xem xét ưu tiên thi công hệ thống cống R3 cho KDC, địa phương nào trước, nơi nào sau, căn cứ vào hai tiêu chí: có điểm xả thải, có điểm đấu nối vào hệ thống cống chính”.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Đồng Hới Trần Quốc Tăng chia sẻ: “Thực trạng hệ thống xử lý NTSH tại các KDC trên địa bàn khá nan giải, địa phương nào cũng kêu, từ Đồng Phú, Bắc Lý, Nam Lý, Đức Ninh Đông cho đến Đức Ninh, Bắc Nghĩa, Đồng Sơn…

Hiện tại Phòng Quản lý đô thị đang tiến hành rà soát lại hiện trạng hệ thống thu gom NTSH trong phạm vi toàn thành phố. Trên cơ sở này, tham mưu cho UBND thành phố sớm có giải pháp tháo gỡ”.

“Bằng phương thức này hay phương thức khác thì cũng phải sớm đầu tư xây dựng hệ thống cống R3 tại KDC, khu ĐTM, đấu nối đến các tuyến cống chính, thu gom về xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải Đức Ninh theo đúng quy trình. Nếu ngân sách thành phố quá khó khăn thì sẽ chọn giải pháp xã hội hóa”- ông Trần Quốc Tăng khẳng định.

Nhóm P.V Bạn đọc

Bài 2: “Mù mờ” thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt