.

Cần chú trọng bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác titan

.
08:04, Thứ Sáu, 01/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhiều năm qua, nhiều hộ dân ở các xã Ngư Thủy Nam và Sen Thủy của huyện Lệ Thủy phải sống khổ sở bên con đường “nắng bụi, mưa lầy” và nguồn nước giếng ngày càng cạn do việc khai thác titan.

Con đường nối từ xã Ngư Thủy Nam đến xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy thông ra Quốc lộ 1A có chiều dài khoảng 4km. Kể từ khi nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác titan quy mô lớn trên vùng cát của hai xã này, tuyến đường dân sinh đã không còn bình yên.

Ngày cũng như đêm, các xe ben, xe tải liên tục ra vào các mỏ quặng khiến cung đường này ngày càng xuống cấp. Khi trời mưa, cung đường trở nên lầy lội, xuất hiện nhiều “ổ gà", "ổ trâu”, còn khi trời nắng lên thì bụi bao phủ cây cối, vật dụng sinh hoạt của người dân.

Chị Lê Thị Thiết, trú thôn Nồm Bớc, xã Sen Thủy cho hay: “Mới đầu mùa nóng nhưng gia đình tôi phải thường xuyên đóng cửa nhà để tránh gió bụi lùa vào. Con cái thì thường hay đau ốm do ngửi phải bụi nên tôi rất búc xúc”.   

Nhiều người dân cho rằng việc khai thác titan tại xã Sen Thủy đã gây ô nhiễm môi trường và thiếu nguồn nước.
Nhiều người dân cho rằng việc khai thác titan tại xã Sen Thủy đã gây ô nhiễm môi trường và thiếu nguồn nước.

Theo nhiều người dân, các công ty khai thác quặng titan đã ký cam kết với chính quyền địa phương thường xuyên tưới nước trên đường đi, nhưng trên thực tế thì thỉnh thoảng họ mới điều động xe tưới nước. Nhiều lần, người dân đã tụ tập lại để chặn đường xe tải, yêu cầu chủ doanh nghiệp đến đối thoại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Chị Lê Thị Hiếu, xã Ngư Thủy Namcho hay: “Sống ở đây, ra đường thì sợ đụng phải xe ben, tối về nằm ngủ không ngon giấc vì cứ 3 đến 4 giờ sáng là xe chạy rầm rầm. Đa số các cặp vợ chồng trẻ mới lên đây sống, có con nhỏ nên bị ảnh hưởng nhiều”.

Không chỉ có “nắng bụi, mưa lầy”, người dân xã Ngư Thủy Nam còn bức xúc khi cho rằng việc khai thác titan trên địa bàn khiến nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Ông Phạm Đăng Doãn, thôn Liên Tiến đang ở gần mỏ titan xã Ngư Thủy Nam nói: “Đầu năm 2015, giếng nhà tôi chỉ khoan 8m thì nước dùng không hết, nhưng từ khi họ khai thác titan khiến giếng bị cạn. Vì vậy, tôi phải đầu tư khoan thêm 6m nữa nhưng mùa khô vẫn thiếu nước sinh hoạt”. Không chỉ ông Doãn mà nhiều hộ dân trong thôn sống gần mỏ titan cũng phản ánh tình trạng nước giếng cạn.

Được biết, trên địa bàn hai xã Sen Thủy và Ngư Thủy Nam hiện có 3 công ty đang khai thác quặng titan gồm: Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long, Công ty TNHH Kim Tín và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình. Cả ba công ty này đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác titan trên diện tích gần 400 ha. Việc người dân phản ánh về con đường Ngư Thủy Nam bụi bặm, nguy hiểm diễn ra đã lâu, chính quyền địa phương yêu cầu các công ty góp tiền để cùng với Nhà nước làm lại tuyến đường. Bước đầu, các công ty đều có văn bản đồng ý.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo huyện Lệ Thủy cũng đã đi kiểm tra tuyến đường này và hàng năm đều bố trí kinh phí để tu sửa. UBND huyện cũng báo cáo sự việc với UBND tỉnh và được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng, sử dụng kinh phí từ 3 nguồn, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và nguồn vốn xã hội hóa từ các đơn vị khai thác titan có sử dụng cung đường này.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác titan trên địa bàn huyện Lệ Thủy do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân chủ trì. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị khai thác titan trên địa bàn. Qua kiểm tra tại hiện trường, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân khẳng định việc khai thác titan có tác động đến môi trường sinh thái nên công tác cải tạo, phục hồi môi trường phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Trong các nội dung của buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị khai thác titan phải san lấp lại mặt bằng, trồng cây xanh lại những nơi đã khai thác; thực hiện cắm dày mốc khu vực ranh giới mỏ được cấp phép khai thác để chính quyền địa phương và người dân biết, giám sát hoạt động khai thác của các đơn vị theo đúng quy định.

Trong quá trình khai thác, đặc biệt là vào mùa hè, yêu cầu đơn vị khai thác phải chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp để bảo đảm không gây ảnh hưởng đến mực nước ngầm khu vực, không gây ảnh hưởng về bụi, tiếng ồn và các vấn đề môi trường khác đối với khu dân cư xung quanh.

Việt Hà


 

,