.
Về đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Hạnh, phường Quảng Phong (Ba Đồn):

Mức đền bù, hỗ trợ đúng quy định pháp luật

.
08:34, Thứ Tư, 09/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1977, thường trú tại tổ dân phố (TDP) 6, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) với nội dung: trong quá trình đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) để tạo quỹ đất khu dân cư Hạ Cồn dưới TDP 6 và Vĩnh Trèn trên thuộc TDP 7, phường Quảng Phong, gia đình ông có diện tích đất nông nghiệp 640m2 nhưng chỉ nhận đền bù được 600m2.

Sau khi tiếp nhận đơn của ông Nguyễn Văn Hạnh, phóng viên Báo Quảng Bình đã tiến hành tìm hiểu, nội dung cụ thể như sau: Trong quá trình thu hồi GPMB xây dựng công trình phát triển quỹ đất khu dân cư Hạ Cồn dưới TDP 6 và Vĩnh Trèn trên TDP 7 tại phường Quảng Phong, UBND thị xã Ba Đồn ra quyết định thu hồi 43.099,4m2 đất của các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức sử dụng (Quyết định số 2562/QĐ-UBND ngày 7-9-2017). Diện tích đất thu hồi bao gồm: đất trồng lúa 40.957m2; đất giao thông 2.058m2; đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, hỏa táng 57,4m2.

Về phương án đền bù, hỗ trợ, Quyết định số 2563/QĐ-UBND, ngày 7-9-2017 của UBND thị xã Ba Đồn nêu rõ, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB xây dựng công trình phát triển quỹ đất khu dân cư Hạ Cồn dưới TDP 6 và Vĩnh Trèn trên TDP 7 tại phường Quảng Phong là hơn 8.658.266 nghìn đồng, trong đó: bồi thường về đất 1.255.579 đồng; bồi thường tài sản trên đất 186.880 nghìn đồng; các khoản hỗ trợ khác 7.215.806 nghìn đồng.

Trong quá trình GPMB, 40 hộ dân của TDP 6 và TDP 7, phường Quảng Phong có diện tích đất trồng lúa bị thu hồi. Cũng theo Quyết định số 2563/QĐ-UBND của UBND thị xã Ba Đồn, mức đền bù hỗ trợ được tính gồm đất trồng lúa 1m2 áp giá 35.000 đồng; bồi thường tài sản trên đất (lúa sắp thu hoạch) 0,6kg/m2 áp giá 7.800 đồng; các khoản hỗ trợ: hỗ trợ 1 vụ lúa (0,6kg/m2, giá 7.800 đồng); chuyển đổi nghề, tạo việc làm (bằng 5 lần giá đất nông nghiệp); hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất do Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (căn cứ vào tỷ lệ thu hồi đất nông nghiệp/diện tích được cấp quyền sử dụng đất), áp dụng mỗi khẩu 30kg gạo/tháng trong thời gian 12 tháng.

Cho đến nay các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có đất thu hồi tại phường Quảng Phong đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phong cho biết: “Trong quá trình thu hồi đất, nhận tiền đền bù, hỗ trợ, các hộ dân không có ý kiến gì, đã tiến hành ký nhận tiền. Riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Hạnh mặc dù nhận đủ tiền nhưng vẫn khăng khăng cho rằng phần đất nông nghiệp của mình chỉ mới đền bù được 600m2, còn thiếu 40m2. Mặc dù đã được UBND phường tuyên truyền, giải thích cụ thể, rõ ràng nhưng ông Hạnh vẫn viết đơn khiếu nại gửi đi các cấp”.

Trong đơn của ông Nguyễn Văn Hạnh có đề cập đến ông Phạm Tiến Sỹ, cán bộ phụ trách Phòng giải phóng mặt bằng, Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) thị xã Ba Đồn, đơn vị trực tiếp chi trả tiền đền bù, hỗ trợ GPMB xây dựng công trình phát triển quỹ đất khu dân cư Hạ Cồn dưới TDP 6 và Vĩnh Trèn trên TDP 7 tại phường Quảng Phong. Ông Hạnh cho rằng ông Sỹ gian dối trong quá trình lập hồ sơ, áp giá đền bù đất nông nghiệp của mình, từ đó làm thiếu 40m2 đất.

Tại buổi làm việc với Trung tâm PTQĐ thị xã Ba Đồn, ông Đinh Nguyên Lượng, Giám đốc Trung tâm khẳng định: “Tất cả các khâu trong quá trình thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng thuộc dự án tại phường Quảng Phong đều đúng quy định của pháp luật”. Riêng ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết: sau khi có đơn ông Nguyễn Văn Hạnh kiện mình, ông đã rà soát lại quy trình tiến hành áp giá, chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân và sẽ có giải trình trước các ban, ngành liên quan thị xã Ba Đồn.

Tổng số tiền ông Nguyễn Văn Hạnh ký nhận là 166.345.272 đồng, trong đó đất trồng lúa bị thu hồi 640,2m2 (mức giá đền bù 35.000 đồng), tổng số tiền 22.707.000 đồng; lúa sắp thu hoạch 384,1m2 (mức đền bù 7.800 đồng/m2), tổng số tiền 2.996.136 đồng; hỗ trợ 1 vụ lúa, số tiền 2.996.136 đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bằng 5 lần giá đất nông nghiệp (đối với diện tích 640,2m2 theo mức giá 175.000 đồng), tổng số tiền 112.035.000 đồng; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất do nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, đối với gia đình ông Hạnh có 6 khẩu, tỷ lệ đất thu hồi trên 70%, mỗi khẩu được 30kg gạo/tháng trong thời gian 12 tháng. Tổng số gạo được nhận 2.160kg (đơn giá 12.000 đồng/kg) quy thành tiền 25.920.000 đồng.

Như vậy mức đền bù, hỗ trợ đối với gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh là đủ và đúng theo quy định của pháp luật với diện tích đất nông nghiệp 640,2m2 chứ không phải 600m2 như đơn kiến nghị của ông Hạnh.

Thanh Long




 

,