.

Tổng thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra đối với tỉnh Quảng Bình hơn 2.138 tỷ đồng

Thứ Năm, 13/10/2016, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 12-10, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác liên Bộ hướng dẫn, giám sát việc triển khai Quyết định số 1880/QĐ-TTg, ngày 29-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 1880) ban hành mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển, do đồng chí Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản làm trưởng đoàn. Về phía tỉnh ta, đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đại diện lãnh đạo của các sở: Nông nghiệp-PTNT, Tài chính, Tài nguyên-Môi trường, Y tế, Công thương, Du lịch và các địa phương liên quan.

Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác liên Bộ hướng dẫn, giám sát việc triển khai bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển
Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Thực hiện Quyết định số 1880 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá thiệt hại, đồng thời chỉ đạo các địa phương liên quan tập trung xác định 7 nhóm đối tượng bị thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển được xác định bồi thường (khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, kinh doanh thủy sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch, thương mại ven biển, thu mua, tạm trữ thủy sản). Cụ thể, tỉnh triển khai thống kê, thẩm định, thẩm tra việc kê khai, áp giá bồi thường cho các ngư dân và các đối tượng thuộc quy định trên ở địa bàn 6 huyện, thị xã và thành phố bị ảnh hưởng bởi sự cố do Formosa Hà Tĩnh xả thải.

Đến nay, theo kết quả kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra đối với tỉnh ta thì tổng thiệt hại theo định mức được ban hành tại Quyết định 1880 là hơn 2.138 tỷ đồng. Trong đó, khai thác thủy sản thiệt hại hơn 1.171 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản thiệt hại gần 320 tỷ đồng; sản xuất muối thiệt hại hơn 18 tỷ đồng; hơn 26.670 lao động trực tiếp bị thiệt hại với giá trị thiệt hại hơn 442 tỷ đồng; gần 10.670 lao động gián tiếp bị thiệt hại hơn 186 tỷ đồng.

Theo đó, tỉnh cũng đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: do văn bản nhiều lần thay đổi nên việc kê khai phải thực hiện nhiều lần, gây khó khăn và làm mất nhiều thời gian; Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ, Hướng dẫn 6851 và 7433 của Bộ Nông nghiệp-PTNT có sự khác nhau về phạm vi và đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường, do đó gây nên phản ứng trong nhân dân; định mức bồi thường cho tàu cá xa bờ được ban hành thấp hơn nhiều so với đề xuất của tỉnh; việc thẩm định, hỗ trợ lãi suất đối với cơ sở thu mua gặp nhiều khó khăn do không có căn cứ pháp lý...

Để kịp thời triển khai thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, bảo đảm công bằng, giữ ổn định trật tự xã hội, tỉnh đã đưa ra 9 nội dung kiến nghị, đề xuất đối với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp-PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã tham gia ý kiến về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Đoàn công tác liên Bộ cũng đã giải đáp một số nội dung kiến nghị của sở, ngành trong tỉnh; đồng thời cho ý kiến và hướng dẫn thủ tục để tháo gỡ những vướng mắc, giúp địa phương tiếp tục thực hiện công tác thống kê thiệt hại trong thời gian tiếp theo.

Đoàn công tác đã ghi nhận đối với 9 nội dung kiến nghị, đề xuất của tỉnh và sẽ báo cáo với Chính phủ để có sự điều chỉnh phù hợp, trên tinh thần bồi thường đúng quy định, công khai, dân chủ và không bỏ sót đối tượng.

N.L