.

Tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân

Thứ Sáu, 18/03/2016, 15:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 18-3, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND và triển khai hướng dẫn về thành lập các tòa chuyên trách trong các Tòa án tại 62 điểm cầu trên cả nước. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND Tối cao chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Thực hiện yêu cầu đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, trong những năm qua, Tòa án các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Từ sau năm 2010, trên cơ sở tổng kết và nhân rộng mô hình cải cách thủ tục hành chính tư pháp, đến nay nhiều Tòa án đã áp dụng mô hình cải cách hành chính tư pháp "Một cửa" hay còn gọi là mô hình Tổ hành chính tư pháp. Mô hình này giúp việc cho Chánh án trong việc tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại và thụ lý các loại án thuộc thẩm quyền, tham mưu lập danh sách các loại vụ án trình Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết. Hoạt động này thực hiện theo quy trình khép kín. Người dân, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác qua Tổ hành chính tư pháp sẽ có cán bộ hướng dẫn mọi thủ tục liên quan đến hoạt động của Tòa án. Bên cạnh đó, các Tòa án đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động, đồng thời công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các công tác này trong thời gian qua tại các tòa chưa đồng đều, còn có những hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhiều đơn vị chưa thiết lập được các đầu mối, địa chỉ để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc; mô hình cải cách hành chính tư pháp "Một cửa" tại TAND cấp tỉnh, cấp huyện vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định mang tính bắt buộc; nhiều Tòa án chưa chú trọng đúng mức đến lĩnh vực cải cách hành chính tư pháp; mô hình tổ chức bộ máy và quy trình thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp không thống nhất...

Trong thời gian tới, TAND các cấp cần thực hiện tốt hơn nữa các mô hình cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về các thủ tục hành chính tư pháp tại tòa; xây dựng và thực hiện thống nhất tổ chức bộ máy, hệ thống chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức Tòa án; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng và hành chính tư pháp tại Tòa án...

Về việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Đây là dấu ấn quan trọng trong cải cách tư pháp, là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.

Để việc tổ chức các tòa chuyên trách nói chung, Tòa gia đình và người chưa thành niên được áp dụng thống nhất trong cả nước, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Thông tư sô 01/2016/TT-CA, ngày 21-1-2016 quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách. Chánh án TAND các cấp căn cứ vào các điều kiện tổ chức quy định trong Thông tư này để lập hồ sơ đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định.

Dương Công Hợp