.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II

Thứ Tư, 10/09/2014, 14:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 10-9, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II đã chính thức khai mạc tại TP Đồng Hới.

>> Kỳ vọng hơn về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

>> Những chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta

Tham dự Đại hội về phía Trung ương có đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. Về phía tỉnh ta có các đồng chí : Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Đại hội vinh dự chào đón 180 đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu đại diện cho hơn 22.000 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại 107 bản làng thuộc 17 xã miền núi trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tặng Đại hội bức trướng với nội dung: “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”.
Thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tặng Đại hội bức trướng với nội dung: “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”.

Trong 5 năm giai đoạn 2009-2014, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đã triển khai, tập trung đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại những địa phương này, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng bền vững.

Các chương trình, dự án, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như: chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách định canh định cư; chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… cùng với các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác đã tạo tiền đề quan trọng giúp đồng bào vươn lên.

Công tác giao đất giao rừng, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt những kết quả tích cực. Công tác giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nội dung trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa đã làm thay đổi căn bản diện mạo bản làng vùng đồng bào dân tộc.

Trong 5 năm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư trên 230 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 6%, từ 69% năm 2011 xuống còn 51% năm 2014. 100% các xã vùng đồng bào dân tộc có đường ô tô về tận trung tâm xã; trường học, trạm y tế xây dựng kiên cố. 100% xã đã phủ sóng phát thanh, truyền hình, mạng điện thoại và internet; 88% xã sử dụng điện lưới quốc gia…

Các đồng chí lãnh đạo trung ương và tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dân tộc thiểu số
Các đồng chí lãnh đạo trung ương và tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dân tộc thiểu số.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II khẳng định những kết quả đạt được của chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác dân tộc. Trước mắt cũng như lâu dài, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều thách thức: đời sống của đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số còn ở mức thấp, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kinh tế hàng hóa chậm phát triển, sản xuất mang tính tự cung tự cấp; trình độ dân trí còn thấp; kết cấu cơ sở hạ tầng dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng đồng bào dân tộc còn yếu…

Đại hội tiếp tục xây dựng, thống nhất, thông qua những quyết sách, phương hướng phù hợp cho công tác dân tộc ở những năm tiếp theo.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính đã trao tặng Đại hội bức trướng với nội dung: “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển” .

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhiệt liệt biểu dương và đánh gia cao sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh trong 5 năm qua. Những kết quả đạt được của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta trong phong trào thi đua yêu nước, trong thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc thời gian qua.

Đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các điển hình tiên tiến trong công tác dân tộc.
Đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các điển hình tiên tiến trong công tác dân tộc.

Tại Đại hội này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận kỹ những khó khăn, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp thực hiện tốt hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trình bày tại Đại hội.

Đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy  nhấn mạnh một số vấn đề như sau: các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức đoàn thể tiếp tục quán triệt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung giải quyết tốt về nhu cầu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số. Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.

Triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển cây con phù hợp; phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng dân tộc-miền núi để phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm môi trường sinh thái bền vững.

Tăng cường quốc phòng-an ninh, xây dựng hậu phương biên phòng tại chỗ, hình thành thế trận biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng cụm dân cư biên giới đối với các bản ở những vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Làm tốt công tác củng cố và phát triển tổ chức đảng và đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Đại hội vinh danh những gương tập thể, cá nhân dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, xóa đói giảm nghèo tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó có 1 tập thể và 5 cá nhân được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen; 5 tập thể và 11 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Thanh Long