Thúc đẩy đầu tư công nhanh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn
(QBĐT) - Sáng nay, 16/7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công (ĐTC) năm 2024 do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tham dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Phan Phong Phú, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), ngay từ đầu năm 2024, công tác giải ngân vốn ĐTC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, điều hành, chỉ đạo sát sao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện, văn bản đôn đốc, hướng dẫn, triển khai quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương, đẩy mạnh thi công các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, đường cao tốc, đường liên vùng, đường ven biển, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ĐTC. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tổng kế hoạch vốn ĐTC ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.260 tỷ đồng. Bao gồm vốn ngân sách Trung ương gần 237.000 tỷ đồng (trong đó, vốn trong nước gần 217.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 20.000 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương hơn 432.000 tỷ đồng. Đến ngày 10/7, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 chi tiết danh mục nhiệm vụ, dự án là hơn 639.000 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về thực hiện và giải ngân nguồn vốn, tính đến ngày 30/6 đạt hơn 196.000 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 30,49% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC. Kết quả, có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước.
Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43%.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước còn cao. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như năm 2023.
Tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung phân tích về những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư chậm; các vướng mắc, nút thắt, "điểm nghẽn" của công tác này; đồng thời, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025; trong đó có mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc.
Đồng chí khẳng định, ĐTC luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh; vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đầu tư công tạo nền tảng kết cấu hạ tầng KT-XH, góp phần khơi thông "điểm nghẽn", tạo động lực, không gian phát triển mới; tăng cường liên kết, giảm chi phí logistics; nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, vùng và quốc gia.
Bên cạnh đó, ĐTC còn đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư tư nhân, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
A.Tuấn