Cần có cơ chế pháp lý đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên
(QBĐT) - Sáng nay, 21/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã góp ý về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).
Cơ bản nhất trí với tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao về đề xuất ban hành Luật Tư pháp NCTN, đồng chí Nguyễn Minh Tâm nêu rõ, mặc dù hiện nay, pháp luật về tư pháp NCTN của Việt Nam cơ bản đã được điều chỉnh khá đầy đủ, tuy nhiên các quy định này còn tản mạn, nhiều tầng nấc, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ. Các biện pháp xử lý đối với NCTN còn nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau dẫn đến sự phân tán, khó thực thi nhất định. Trong khi đó, theo đại biểu, NCTN là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Khi tham gia vào quy trình tố tụng phức tạp, do chưa đủ năng lực để hiểu về pháp luật và quyền lợi của mình, nên họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, trong khi cha mẹ hay người đại diện theo pháp luật của họ không phải lúc nào cũng sẵn sàng và có đủ khả năng để giúp họ.
Ý kiến đề nghị, để bảo đảm NCTN là người vi phạm pháp luật hay nạn nhân, nhân chứng được tốt hơn, phải hình thành một hệ thống riêng biệt, cơ chế pháp lý đặc thù, phù hợp với đặc điểm thể chất, tinh thần, tâm sinh lý ở lứa tuổi này, để bảo vệ và giải quyết các vấn đề có liên quan của NCTN một cách tối ưu nhất. Do đó, việc xây dựng một đạo luật tư pháp NCTN toàn diện, đồng bộ là cần thiết.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp NCTN, đồng chí Nguyễn Minh Tâm góp ý một số nội dung cụ thể, gồm: Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 53), ý kiến nhất trí với phương án 1, quy định cả 3 cơ quan (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại mỗi giai đoạn tố tụng. Riêng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải do tòa án quyết định. Theo đại biểu, quy định như vậy để kịp thời áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN khi đã đủ điều kiện theo quy định; đồng thời giảm tải công việc cho Tòa án, cũng như hạn chế các thủ tục không cần thiết.
Về nguyên tắc hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, đồng chí Nguyễn Minh Tâm trích dẫn các nội dung liên quan tại Điều 15: “1. Các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với NCTN là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội trong trường hợp thật cần thiết. 2. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với NCTN bị buộc tội khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.”, đồng thời nêu câu hỏi như thế nào là “trong trường hợp thật cần thiết”? Ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể nội dung này, không quy định chung chung như dự thảo để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình áp dụng luật.
Tại Mục 2, Chương VIII (từ Điều 127 đến Điều 133) quy định về các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với NCTN đã quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Phân tích các quy định và số lượng NCTN bị tạm giữ, tạm giam trong 3 năm (2021-2023), để hạn chế việc lạm dụng, đồng chí đề nghị Ban soạn thảo rà soát để quy định chặt chẽ việc áp dụng các biện pháp bảo đảm nguyên tắc, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm cũng thống nhất với ý kiến cần quy định bổ sung nhiệm vụ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em để hỗ trợ kịp thời hoạt động tư pháp NCTN. Quy định này không phát sinh thêm quỹ tài chính mới và phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.