icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyển đổi số cần được triển khai toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm

  • 13:00 | Thứ Bảy, 25/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) tại hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ diễn ra vào sáng nay, 25/2. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả năm 2022, đề ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn
Tham dự hội nghị có đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình. Dự hội nghị có đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. 
Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo một số kết quả thực hiện CĐS năm 2022. Theo đó, năm 2022 là năm tăng tốc thực hiện CĐS với nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh việc đưa người dân lên các nền tảng số  “Make in Việt Nam”, đẩy mạnh triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
 
Việc thực hiện CĐS bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Trong đó, một số chỉ tiêu cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ… Việc thực hiện đề án 06 cũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
 
Đến nay, đã có gần 22 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử; cấp hơn 78,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; hơn 94% cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp thẻ BHYT.
 
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại Việt Nam còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia cốt yếu chưa được hoàn thành. Việc triển khai các nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành ở trung ương chủ trì còn chậm trong khi còn thiếu những quy định, hướng dẫn; đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương vừa thiếu về số lượng và kiến thức. Một số dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự tiện lợi dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia còn thấp…
 
Năm 2023 được xác định là năm quốc gia về dữ liệu số với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Trong năm, công tác CĐS sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu và an toàn dữ liệu. Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đặt ra về dữ liệu số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, an toàn an ninh mạng và đề án 06.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực, sự quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình CĐS, nhất là Đề án 06. 
 
Thủ tướng khẳng định, năm 2023 là năm bản lề, đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Chương trình CĐS quốc gia. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, vì vậy, cần có sự quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Muốn vậy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình thực hiện, đồng thời cũng phải tích cực đổi mới, sáng tạo, đầu tư nguồn lực cho CĐS. 
 
CĐS đang là xu thế, vì vậy phải “đi tắt, đón đầu”, đi trước, về trước để nắm bắt xu thế của thời đại, phát triển đột phá các lĩnh vực về công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thủ tướng khẳng định quan điểm xuyên suốt: “Tổ chức triển khai chuyển đổi số quốc gia tại từng bộ, ngành, lĩnh vực, cơ quan phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp”. 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
CĐS nói chung, trong đó có Đề án 06, là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị. CĐS cần triển khai toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, làm đâu chắc đó; tránh tình trạng trăm hoa đua nở, tránh hình thức, chồng chéo; tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. 
 
Thủ tướng nhấn mạnh, CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn, thực chất và hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực. 
 
Diệu Hương

 

tin liên quan

Cả nước có 6.001/8.211 xã đạt chuẩn nông thôn mới

(QBĐT) - Sáng 24/2, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức trực tuyến phiên họp thứ 3 với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(QBĐT) - Sáng nay, 24/2, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Chính phủ tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. 

Long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

(QBĐT) - Chiều nay, 24/2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn.