icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành công thương

  • 16:36 | Chủ Nhật, 09/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 9/1, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
 
Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Năm 2021, Bộ Công thương đã triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng doanh nghiệp quyết tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân thích ứng với tình hình mới.
 
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, tăng 4,8% so với năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,9%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,7%...
 
Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành công thương. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển tích cực, các ngành công nghiệp chủ lực (như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ...) tăng trưởng ở mức khá, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam. 
 
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm vẫn tăng cao so với năm 2020, như: sản xuất kim loại tăng 22,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; khai thác than cứng và than non tăng 9%...
 
Cũng trong năm 2021, Bộ Công thương đã có nhiều đề xuất hợp lý, phát huy tác dụng tốt trong việc cùng các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đề xuất tiêu chí, điều kiện và quy trình mở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường mới; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; đề xuất Chính phủ giảm giá điện, giảm tiền điện cho doanh nghiệp và người dân…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thống nhất thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành công thương năm 2022 như: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành Công thương; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu…
 
Từ các giải pháp nêu trên, các đại biểu thống nhất mục tiêu cụ thể đạt được của ngành công thương năm 2022 là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8% so với năm 2021…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Công thương trong năm 2021; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, như: Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển ngành Công thương trong trạng thái bình thường mới; tập trung triển khai ngay Chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
 
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý, ngành Công thương cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành trong thời kỳ mới; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành; đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa; tăng cường cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Ghi nhận 50 F0 mới, có 23 ca liên quan ổ dịch chợ Ba Đồn

(QBĐT) - Trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 08-01-2022 đến 6 giờ ngày 09-01-2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 50 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 45 ca cộng đồng, 23 ca liên quan đến chùm ca bệnh chợ Ba Đồn, theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Thêm 72 F0 cộng đồng, có 38 ca bệnh liên quan ổ dịch chợ Ba Đồn

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 07-01-2022 đến 6 giờ ngày 08-01-2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 77 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 72 cộng đồng, có 38 ca liên quan đến chùm ca bệnh chợ Ba Đồn, 10 ca chưa rõ nguồn lây.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Sở Công thương, diễn ra ngày 7/1/2022.