icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất nhiều giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19

  • 12:18 | Chủ Nhật, 25/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng nay (25-7), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã tích cực tham gia thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển KT-XH hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội sáng nay, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, những kết quả quan trọng mà đất nước đạt được trong giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức vừa qua đã thể hiện rõ nét những cố gắng, nỗ lực và sự sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ trong giải quyết các vấn đề KT-XH phát sinh của đất nước. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của Quốc hội trong việc kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng thể chế kinh tế, tăng cường giám sát, chất vấn; sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp -  Công an, Toà án, Viện kiểm sát trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cần thiết cho phát triển KT-XH.

Nhất trí với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong phát triển KT-XH mà Chính phủ đã đề ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần quan tâm thêm về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là, cần phải có kịch bản và giải pháp lâu dài khi Covid 19 có thể sẽ không bao giờ biến mất và cần phải có chiến lược “sống chung” với dịch bệnh này; hướng tới trạng thái “bình thường mới”.

Bên cạnh các giải pháp về vắc xin, xét nghiệm, điều trị bệnh, nâng cao trách nhiệm xã hội…, rất cần có các đề án, kịch bản cụ thể để bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong điều kiện dịch bệnh. Ví như đối với Quốc hội thì cần phải họp như thế nào; các ủy ban của Quốc hội, ĐBQH cần giám sát thế nào, tiếp xúc cử tri thế nào. Ngoài ra cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng thành các quy trình đối với mỗi hoạt động cụ thể trong điều kiện dịch bệnh (như họp Quốc hội; hoạt động của các cơ quan Quốc hội giám sát tại các bộ ngành, địa phương; hoạt động tiếp xúc cử tri...).

Đối với Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan Tư pháp, việc xét xử cần phải được tổ chức như thế nào để vừa tuân thủ pháp luật đồng thời không làm tồn đọng án và vẫn phòng ngừa được dịch bệnh… Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi đang xảy ra và có chiều hướng gia tăng như: vi phạm các quy định về đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế để trục lợi; thu mua vật tư y tế đã qua sử dụng để tái chế; tổ chức đưa người vượt biên trái phép; cướp giật, ma túy, đánh bạc, …

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, 1 trong 2 hoạt động chủ yếu để thực hiện "mục tiêu kép" vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển KT-XH cũng rất cần phải có các giải pháp cụ thể để bảo đảm cho hoạt động này có hiệu quả. Bên cạnh các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất không bị "đứt gãy" trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp thì cũng rất cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động trong các khu công nghiệp bị cách ly và vẫn phải tiến hành sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ và sản xuất) để có thể bảo đảm quyền lợi của người lao động về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình. Giải pháp này chắc chắn cũng chỉ là tạm thời, không thể kéo dài, quá sức chịu đựng của người lao động.

Về nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh việc cần bảo đảm nguồn lực lâu dài cho công tác phòng chống đại dịch. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chúng ta phải huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp vào Quỹ Vắc xin, thì điều rất quan trọng là các cơ quan Nhà nước cần hết sức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn kinh phí. Tuy nhiên, hiện tượng lãng phí vẫn còn phổ biến; nhiều công trình được xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn bỏ hoang hoặc hiệu quả thấp. Và ngay tại thủ đô Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chất lượng hạn chế, chậm tiến độ, bị đội vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, đến nay cũng chưa thấy tổ chức, cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm. Hoặc việc quy hoạch, xây dựng đường giao thông cũng còn nhiều bất cập, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Ví dụ: có những con đường mới được xây dựng, sửa sang mới vài năm còn rất đẹp và khang trang (như đường bên bờ sông Tô Lịch - Hà Nội) thì nay đã lại chặt cây, mở đường, rất lãng phí.

Bên cạnh tham nhũng thì lãng phí cũng rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng. Hiện nay, chúng ta còn để lãng phí rất lớn trong nhiều lĩnh vực, từ nguồn nhân lực, lãng phí trong biên chế, bộ máy hành chính cồng kềnh, lãng phí do việc thực hiện các thủ tục hành chính rườm rà…đến lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tài sản công. Lãng phí còn là mảnh đất nảy sinh tham nhũng. Mặc dù Nghị quyết của Đảng khẳng định chống cả tham nhũng và lãng phí, nhưng trong nhận thức của nhiều người, vẫn xem nhẹ tính chất nguy hiểm của hành vi lãng phí, chỉ coi nó như hạn chế, khuyết điểm. Đối với phát hiện tham nhũng, có thể gặp nhiều khó khăn vì đó là hành vi tội phạm ẩn, người phạm tội có quyền, có trình độ, thủ đoạn tinh vi và khó chứng minh động cơ vụ lợi. Nhưng khác với tham nhũng, hành vi lãng phí có thể dễ dàng nhận diện hơn nhiều. Nếu kiên quyết và có chế tài mạnh, chúng ta có thể chống lãng phí một cách hiệu quả và có thêm nguồn lực đáng kể để phòng chống đại dịch và phát triển KT-XH.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, trong thời gian tới cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn có thể tiếp tục kéo dài. Trong đó, cần đánh giá tác động trong trường hợp đại dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân để có giải pháp phù hợp. Một số văn bản pháp luật cần quan tâm sửa đổi như các quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu và không được áp dụng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra vừa qua. Ví dụ như: liên quan đến việc thực hiện giãn cách, về thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế quyền công dân trong tình hình dịch bệnh để bảo đảm thực hiện thống nhất, phù hợp với pháp luật, tránh trường hợp mỗi nơi thực hiện một khác, áp dụng tùy tiện như trường hợp cán bộ giải thích “bánh mỳ không phải lương thực, thực phẩm” gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật để bảo đảm thuận lợi cho việc triển khai Chiến lược vắc xin; bảo đảm thuận lợi cho hoạt động của các CQNN trong điều kiện dịch bệnh…

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng nêu các ý kiến của cử tri Quảng Bình kiến nghị Nhà nước quyết liệt hơn trong tinh giản biên chế, cải cách tiền lương; hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, cơ sở; quan tâm về chính sách nhà ở xã hội đối với những người có thu nhập thấp; uu tiên hỗ trợ ngân sách cho các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; tiếp tục quan tâm đầu tư hỗ trợ, bảo vệ ngư dân bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; sớm có giải pháp chuẩn bị ứng phó, thích nghi với giai đoạn dân số già mà dự kiến sẽ đến rất nhanh đối với Việt Nam.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ngọc Mai