icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thủ tướng: Đưa cơ sở dữ liệu dân cư vào cuộc sống, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng lợi ích

  • 17:12 | Thứ Ba, 22/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sáng 22-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân từ ngày 1-7-2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hội nghị do Bộ Công an tổ chức. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
 
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 và Đề án 896 của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. 
 
Do có những khó khăn, vướng mắc khách quan về bố trí vốn, nên trong nhiều năm dự án chưa triển khai được. Sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 3/2020 và tháng 9/2020, chỉ trong thời gian hơn 1 năm với tinh thần khẩn trương, cấp bách, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án.
 
Đến nay, 2 dự án đã đạt 4 kết quả lớn; Cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc; hoàn thành việc thiết kế và sản xuất thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử, trong thời gian ngắn hoàn thành cấp 50 triệu thẻ cho công dân; kết nối thử nghiệm thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương. 
 
Hiện lực lượng Công an đã cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt 96,6%, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc; đã thu nhận hồ sơ để cấp hơn 52 triệu thẻ căn cước. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. 
 
Bài học quý về khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư công
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công an trong việc xây dựng, triển khai 2 dự án; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành, tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và sự ủng hộ tích cực của nhân dân cả nước. 
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Thủ tướng nhấn mạnh, việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân chính thức đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. 
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả đạt được từ 2 dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
 
Kết quả 2 dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.
 
Cũng theo Thủ tướng, đây cũng là dự án đầu tư công quy mô lớn, khó khăn, phức tạp, tiến hành và đưa vào sử dụng hiệu quả trong thời gian ngắn; từ đó để lại bài học quý về khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư công, tránh dàn trải, tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ xứng đáng nhất trong lúc đất nước còn khó khăn. 
 
"Bộ Công an đã vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh, vừa làm vừa giám sát, kiểm tra, thanh quyết toán, tránh lãng phí, tiêu cực. Đây cũng là những kinh nghiệm rất hay, cần tổng kết để thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới" - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó là bài học về việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; biến khó khăn, phức tạp, thách thức thành động lực để phấn đấu, khẳng định, hoàn thành và trưởng thành. Đặt trong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 tác động, lực lượng Công an cùng lúc phải triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách khác, nhất là phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, những kết quả của 2 dự án càng có ý nghĩa hơn, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của lực lượng Công an nhân dân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện Lễ Công bố vận hành chính thức 2 hệ thống này từ ngày 1-7-2021. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện Lễ Công bố vận hành chính thức 2 hệ thống này từ ngày 1-7-2021. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Công an đã đúc rút 6 bài học kinh nghiệm, nhất là những bài học về sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; sự thống nhất về nhận thức từ Trung ương tới cơ sở; bài học về sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong và ngoài ngành; bài học về phát huy tinh thần sáng tạo, đột phá trong tìm tòi các giải pháp, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đây là những bài học quan trọng để các bộ, ngành khác tham khảo trong việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như đất đai, hộ tịch, công chức viên chức... 
 
Đưa cơ sở dữ liệu dân cư đi vào cuộc sống
 
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc xây dựng hệ thống thành công mới chỉ là bước đầu, đưa cơ sở dữ liệu dân cư đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả thật tốt, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật mới là điều mong mỏi của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
 
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu.
 
Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20-5-2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả”. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: “Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực”.
 
Đây là những nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; đồng thời thách thức phía trước còn nhiều. Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện được các mục tiêu này đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
 
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương trong xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai dự án.
 
Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; bảo đảm dữ liệu chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. 
 
Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan; đồng thời kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống dịch COVID-19. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào quá trình xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào quá trình xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng lưu ý, cần thường xuyên rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm kế thừa, kết nối, chia sẻ, dùng chung, không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu, triển khai ứng dụng để khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ phục vụ nhu cầu quản lý của lực lượng Công an, mà còn phục vụ các mặt công tác quản lý Nhà nước và phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu kỹ, xây dựng quy định về phí, lệ phí khai thác để phù hợp với thực tiễn, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu này một cách bền vững, lâu dài.
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu rõ những tiện ích của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân mang lại, để người dân tích cực tham gia quá trình xây dựng, duy trì các cơ sở dữ liệu quan trọng này.
 
Theo Xuân Tùng (TTXVN)