icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020

  • 15:29 | Thứ Sáu, 11/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 11-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. 

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự; đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020 tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020 tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Phát đã nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ.

Theo đó, báo cáo tổng kết Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội và CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đánh giá kết quả: nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo và xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo…
 
Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
 
Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.
 
Đến nay, cả nước có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. 
 
Dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra; có 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5% (vượt 2,5%); có 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 32,67%) và 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 5,69%) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn).
 
Tổng các nguồn vốn để thực hiện và một số chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020 trên 93.600 tỷ đồng, trong đó, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương 45,33%; vốn ngân sách địa phương 10,75%; vốn xã hội hóa 23,62%; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp 19,86%...
 
Hội nghị cũng đã đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, cần khắc phục trong giai đoạn tới, như: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao và còn khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, phát huy tính chủ động của người nghèo vươn lên thoát nghèo còn nhiều hạn chế…
 
Trên cơ sở đó, những bài học, kinh nghiệm cùng các bất cập, khó khăn, vướng mắc được các đại biểu các bộ, ngành, địa phương phát biểu, thảo luận tại hội nghị nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; định hướng công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025... Từ đó, góp phần quan trọng để công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn trong những năm tới…
 
 N.L