icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Sau cơn "đại hồng thủy" - nhìn lại và suy ngẫm

  • 17:10 | Chủ Nhật, 01/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cơn lũ lịch sử đã đi qua nhưng hậu quả của nó để lại thật nặng nề, bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng: người mất, nhà đổ, vật dụng tan hoang… Nỗi bàng hoàng vẫn còn hiện hữu với bùn non, với xác xơ nhà cửa, cây cối, ruộng vườn. Cơn lũ đi qua, tình người ở lại. Trong mênh mông nước bạc, đặc quánh bùn lầy, tình người bao phủ khắp làng trên, xóm dưới.
 
Thế nhưng, trong nỗi bàng hoàng và tình người sẻ chia, vẫn gợn lên những nỗi niềm trắc ẩn…
 
Bài 1: Nỗi kinh hoàng và phương châm "4 tại chỗ" 
         
Nỗi kinh hoàng khi thiên nhiên giận dữ
 
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn bàng hoàng về sự giận dữ của thiên nhiên trong những ngày qua. Vừa mới nghe tin lũ lụt ở Thừa Thiên-Huế, về sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân mất tích, đã lại nghe đoàn cứu hộ, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, bị vùi lấp khi đang tá túc giữa đêm khuya tại Trạm kiểm lâm 67. Chưa hết run rẩy về hung tin, đã lại nghe vụ sạt lở ở Hướng Hóa-Quảng Trị vùi lấp 22 chiến sĩ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337.
 
Rồi mưa lũ ào đến khắp mọi làng quê của Quảng Bình, cơn “Đại hồng thủy” nhấn chìm bao làng mạc trong biển nước. Những tiếng kêu thất thanh, chới với trong đêm từ những ngôi nhà nước gần chạm nóc; có cả tiếng kêu của bao người ở nơi xa qua mạng xã hội nhờ cộng đồng mau cứu giúp người thân khỏi dòng nước xiết...
 
Tâm điểm ngày 19 và 20 tháng 10 năm 2020 sẽ là nỗi ám ảnh khó quên của người dân Quảng Bình trước trận “Đại hồng thủy”. Đọc những dòng trên Facebook của một đồng nghiệp mà sống lưng lạnh buốt: “Lũ vẫn còn lên khủng khiếp. Đại hồng thủy khắp nơi. Hàng vạn tiếng kêu cứu khản giọng giữa đêm mưa đen kịt. Tiếng người già khản giọng trong mưa, tiếng phụ nữ héo hắt đêm khuya, tiếng trẻ con khóc chới với giữa nước bạc”.
 
Phương châm “4 tại chỗ” – hiểu và thực thi
 
Xin hãy thoát ra cảm giác kinh hoàng trước sự giận giữ của thiên nhiên để trở về với thực tại, nhìn lại và suy ngẫm về những ngày đã qua. Tôi vẫn cứ day dứt mãi về phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai. Bao cuộc họp triển khai phòng chống thiên tai, bão lụt phương châm này vẫn thường nhắc đến hàng đầu, ai cũng nói về “4 tại chỗ” và phải là “4 tại chỗ”. Thì đúng quá, khi thiên nhiên nổi giận, cuồng điên và hung dữ, chẳng một lực lượng nào có thể dang rộng cánh tay che chở khắp mọi nơi. Nên “4 tại chỗ” là phương châm luôn đúng và sát thực. Vậy nhưng tại sao ai cũng nói đến “4 tại chỗ” mà khi lũ lụt về người vẫn chết, tiếng kêu cứu vẫn vang lên khắp nơi, bao người vẫn đói, rét, của cải vẫn trôi dạt…?
 
Đã đành thiên tai khó lường nhưng công tác phòng chống và chủ quan của con người cũng cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo. Vậy phải hiểu và hành động theo phương châm “4 tại chỗ” thế nào? Phương châm đó là: lực lượng tại chỗ, bảo đảm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
 
Ai cũng thuộc 4 nội dung này của phương châm, nhưng vấn đề không chỉ nêu nó lên một cách chung chung trong cuộc họp, mà phải cụ thể từng nội dung nó là cái gì, những công việc nào. Tại chỗ có nghĩa là mọi công việc chuẩn bị để phòng và ứng cứu phải bắt đầu từ nơi thiên tai xảy ra; tỉnh không trông chờ, ỉ lại trung ương; huyện, thành phố, thị xã không trông chờ tỉnh; xã, phường, thị trấn không trông chờ huyện, thành phố, thị xã; thôn, xóm, cụm dân phố không chờ xã, phường, thị trấn.
Ngập lụt trên diện rộng, khiến việc cứu hộ từ bên ngoài rất khó khăn. Ảnh: Phan Phương
Ngập lụt trên diện rộng, khiến việc cứu hộ từ bên ngoài rất khó khăn. Ảnh: Phan Phương
Trước hết là lực lượng tại chỗ: Như trên đã nói, khi thiên nhiên nổi giận, cuồng điên và hung dữ, “nước xa không cứu được lửa gần”, lúc đó chỉ những người nơi tâm bão, tâm lũ giang tay cứu vớt, che chở lẫn nhau mới kịp thời. Vậy phải thành lập những đội cứu hộ theo từng làng, thôn, cụm dân phố gồm những thanh niên trai tráng, những người đủ sức khỏe băng mình khi bão to, lũ xiết. Đội cứu hộ này phải được phân công nhiệm vụ cụ thể, nhóm nào cứu hộ nơi nào, thậm chí cụ thể nhà nào,
 
Tiếp theo là bảo đảm chỉ huy tại chỗ: “Một người lo bằng một kho người làm”, việc cứu hộ, cứu trợ phải có những kịch bản, những phương án cụ thể tùy theo tình hình thực tiễn, dưới sự chỉ huy của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TKCN từng cấp. Thành viên Ban chỉ huy cũng phải được phân công cụ thể nhiệm vụ của từng người, phụ trách việc gì, địa bàn nào, xóm nào, nhà nào. Hơn ai hết, những người càng sát cơ sở càng hiểu sâu hơn tình hình địa bàn, đặc biệt những nơi xung yếu để có phương án sớm trong công tác chuẩn bị trước bão, lũ xảy ra hay cứu hộ khi cấp thiết. Một điều cũng hết sức quan trọng là phải trang bị cho cán bộ Ban phòng chống thiên tai, các đội cứu hộ danh sách, số điện thoại cụ thể của các cơ quan, đơn vị, các thành viên đội cứu hộ các cấp để chủ động liên lạc khi cần.
 
Về phương tiện tại chỗ: Cùng với lực lượng, bảo đảm chỉ huy, phải chuẩn bị sẵn về phương tiện ngay tại cơ sở. Mỗi thôn, xóm, cụm dân cư cần phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để phòng chống thiên tai. Phải có cọc, dây neo, bao cát…(để chằng chống bão); thuyền, ca nô, bè, dây thừng (để ứng cứu đối với đội cứu hộ), cưa ngắn, búa, dao rựa, phao cứu sinh…(để tự cứu đối với các hộ gia đình) khi lũ lụt.
 
Cuối cùng là hậu cần tại chỗ: Rõ ràng khi thiên tai xảy ra, việc cung ứng vật lực, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm từ nơi khác đến hoàn toàn không dễ dàng. Bởi vậy phải được chuẩn bị từ trước ngay tại cơ sở. Bão, lũ lụt xảy ra, con người sẽ bị cô lập trong một khoảng thời gian nhất định, bởi thế những thứ thiết yếu để bảo đảm duy trì cuộc sống cho con người trong thời gian đó là mì tôm, lương khô, nước uống (tức thời), gạo, muối, dầu ăn, rau, cá khô, lạc…Bên cạnh đó không thể thiếu bình ga, bếp ga, dao kéo, đèn pin, nến, pháo hoa báo hiệu, bình ắc quy, máy phát điện nhỏ, xạc dự phòng điện thoại, áo quần, chăn màn, thuốc men…
 
Chuẩn bị là thế, nhưng nó phải được đặt trong một kế hoạch chu đáo, hợp lý, chỉ đạo kịp thời, thao tác chuẩn mực, chính xác. Vậy cụ thể là gì?
 
Trước hết, người chỉ huy (cán bộ theo từng cấp, đặc biệt là ở thôn, xóm, cụm dân cư-là những người sát dân nhất, phải chỉ đạo khảo sát tình hình địa bàn mình khi đang thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai: nơi nào công trình công cộng, nhà dân yếu, thấp, dễ sạt lở, nguy hiểm; nơi nào công trình công cộng, nhà dân cao tầng, vững chãi. Có khảo sát đó, thậm chí cần vẽ sơ đồ, từ đó để chọn điểm tập trung di dời dân tới, những điểm xung yếu cần cứu trợ khi bức thiết.
 
Khi đã khảo sát, nắm chắc địa hình thì đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong dân, ngoài cán bộ thì sử dụng đội cứu hộ đã thành lập để đi đến từng cụm, từng nhà tuyên truyền cho dân hiểu mức độ rủi ro, nguy hiểm của thiên tai qua dự báo của cơ quan chức năng để tránh chủ quan; đối với những vùng thấp trũng, nhà cửa còn tạm bợ, phải kiên quyết yêu cầu di dời đến nơi bảo đảm.
 
Tâm lý người dân thường muốn bám trụ tại nhà, không muốn di dời là bởi lo lắng nhà cửa, vật dụng, tài sản bị hư hại khi không có chủ. Vì thế, để họ yên tâm, đội cứu hộ của từng thôn, xóm, làng, cụm dân phố phải giúp dân chằng chống nhà cửa, kê cất tài sản, vật dụng lên nơi cao ráo, những tài sản có thể di chuyển được thì di chuyển đến các cụm điểm nhà cao tầng.
 
Nếu dự báo của cơ quan chức năng mức độ ảnh hưởng của thiên tai nặng phải lập tức bố trí cụ thể các điểm và di dời dân. Với lũ lụt, phải di dời dân lên các nhà cao tầng, đồng thời đi kèm là chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu. Ví dụ, ở mỗi điểm nhà cao tầng để dân tạm cư trú phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đầy đủ như đã nói ở trên. Chống đói khát đã có những thứ có thể ăn ngay, có những thứ có thể nấu nướng, nước uống. Chống rét đã có chăn màn, áo quần chuẩn bị sẵn. Bảo đảm liên lạc đã có xạc điện thoại dự phòng, bình ắc quy, máy phát điện nhỏ. Đêm tối đã có đèn phin, nến; đau ốm đã có thuốc men…Với sự chuẩn bị kỹ càng từ trước, từng cộng đồng nhỏ đó có thể tự mình giúp nhau cầm cự, vượt qua thiên tai bão lũ cả tuần, chục ngày. 
Các lực lượng hỗ trợ người dân trong lũ lụt. Ảnh: Ngọc Mai
Các lực lượng hỗ trợ người dân trong lũ lụt. Ảnh: Ngọc Mai
Trường hợp có những gia đình chưa kịp di dời thì đội cứu hộ của xóm, thôn, cụm dân phố sẽ ra tay bằng các phương tiện ca nô, xuồng, bè đã chuẩn bị sẵn hoặc liên lạc đề nghị cứu hộ ở cấp cao hơn khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát. Khi công tác chuẩn bị kỹ như vậy, trường hợp cần sự cứu hộ, cứu  trợ của cơ quan chức năng cao hơn thì chỉ cần liên lạc và đội cứu hộ, cứu trợ cứ trực chỉ những điểm nhà cao tầng mà đến, khỏi phải tìm tòi từng nhà dân, vừa không mất thời gian, vừa tiện trong quan sát, di chuyển.
 
Vậy vấn đề đặt ra là ai chuẩn bị phương tiện, vật lực, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm? Chính là sự chung tay của cả cộng đồng và từng người dân. Những phương tiện, như: ca nô, thuyền, xuồng…, cần sự hỗ trợ của cấp trên và tài trợ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm (mỗi địa bàn xung yếu phải bố trí sẵn một số ca nô, thuyền, xuồng). Vật lực, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm là do dân tự chuẩn bị và tập trung trước đến điểm nhà cao tầng nơi trú ngụ, nếu thiếu và vượt quá khả năng thì đề xuất các cấp hỗ trợ thêm. Thiên tai xảy ra thì có sẵn để dùng, nếu không xảy ra hoặc mức độ nhẹ thì ai lại mang về nhà nấy, chẳng ảnh hưởng gì.
 
Thiết nghĩ, hiểu và thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai phải là như vậy, phải rất sát bên nách dân chứ không phải là hô hào chung chung trong cuộc họp hay ở đâu đó mà khi cần dân không với tới được, không kêu cứu được! Càng cụ thể, càng chu đáo bao nhiêu trong “4 tại chỗ” thì sẽ bớt đi những thảm cảnh như ta nhìn thấy. Cán bộ và chính người dân đừng để lặp lại cảnh những tiếng kêu gào cầu cứu trong đêm đen, giữa dòng nước xiết. Đừng để bão lũ đi qua rồi bao người vẫn bị ám ảnh, rùng mình sởn gai ốc bởi những gì nó để lại!
                                                                                Hữu Thái
 
 
Bài 2: Cứu hộ, cứu trợ - những nỗi niềm trắc ẩn