icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Triển khai những sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật quan trọng

  • 15:13 | Thứ Tư, 14/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 14-10, tại thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
 
Đồng chí Trần Đình Dinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành, đơn vị có liên quan...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Quảng Bình
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Quảng Bình
Sau 9 năm triển khai áp dụng Luật Cán bộ, công chức và 7 năm triển khai áp dụng Luật Viên chức, một số quy định của các luật nói trên đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
 
Nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 (khóa XII) về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"..., đã đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
 
Tương tự, để đáp ứng tình hình mới, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã định hướng các nhiệm vụ, giải pháp để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như: thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; nghiên cứu giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện và quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026...
 
Từ yêu cầu nói trên, Chính phủ đã trình và tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020).
 
Theo đó, phạm vi điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức. Bố cục của Luật gồm 3 điều (Điều 1: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3: về hiệu lực thi hành)...
 
Cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 
 
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020. Phạm vi điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung 5 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
 
Bố cục của Luật gồm 4 điều (Điều 1: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Điều 2: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Điều 3: quy định về điều khoản thi hành; Điều 4: Quy định về điều khoản chuyển tiếp)...
 
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu tham dự tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tập hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp để trình Chính phủ xem xét, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các luật quan trọng nói trên.
 
Văn Minh