icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm còn thấp

  • 15:12 | Thứ Năm, 16/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 16-7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành trung ương và các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14, ngày 12-11-2019 là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng; trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%.

Đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020. Tuy vậy, hiện nay mới có 35 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 6 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 12 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn hơn 443.195 tỷ đồng, đạt 94,2% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao chi tiết không lớn, chỉ chiếm 5,8% kế hoạch. Tuy nhiên, trong năm 2020, việc chậm giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án vẫn xảy ra tại một số bộ, cơ quan trung ương.

Theo báo của của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 6 tháng đầu năm 2020 là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân, như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… Mặt khác, do năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới, vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tại hội nghị, các đại biểu của các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã nêu ra các kinh nghiệm, giải pháp nhằm triển khai thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, đạt tỷ lệ cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, lĩnh vực đầu tư công không chỉ có ý nghĩa tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước mà còn liên quan đến thu nhập của hàng triệu người. Bởi vậy, đầu tư công lúc này là cứu cánh cho những tác động của Covid-19 chứ không phải là nạn nhân của Covid-19. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ điều đó để có quyết tâm chính trị cao hơn. Về biện pháp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành trung ương và các địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân kể cả đầu tư FDI, ODA; đưa ra được chương trình hành động cụ thể về đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công.

Từ nay đến cuối năm chỉ còn 25-26 tuần, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương, địa phương báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân nguồn vốn và tiến độ thực hiện. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý về đầu tư công, từ đó đưa ra các biện pháp cần thiết đối với việc chậm trễ; công tác giải ngân vốn sẽ gắn với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, nhằm đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ…

Từ tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh vốn từ nơi không tiêu được tiền sang cho các công trình dự án có khả năng tiêu tiền, có khả năng giải ngân nguồn vốn, kể cả vốn ODA.

                                                                                            Lê Mai