icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2020

  • 22:08 | Thứ Năm, 02/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 2-7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
 
Dự hội nghị tại điểm cầu truyền hình thành phố Hà Nội có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tập đoàn kinh tế lớn trong cả nước.  
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Tại điểm cầu truyền hình tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố. 
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngay từ những tháng đầu năm 2020, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách do biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá… gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương.  
Đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã linh hoạt trong điều hành để bảo đảm hài hòa mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.
 
6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm sụt giảm kinh tế toàn cầu với quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020.
 
Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II-2020 giảm 5,8% so với quý I; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Lượt khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.
 
Hiện tại, dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
 
Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
 
Cũng trong 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. 
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, đề xuất một số nhóm giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2020. Cụ thể là tập trung khống chế dịch bệnh Covid-19; có chính sách hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và nâng cao hiệu quản sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an ninh lương thực theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô… 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo một số nét cơ bản về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, Quảng Bình vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế, GRDP tăng 3,38%; sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá, sản lượng thủy sản tăng 6,9% so với cùng kỳ; lĩnh vực du lịch từng bước được phục hồi và dự đoán sẽ phát triển mạnh sau dịch; thu ngân sách đạt 50,3% dự toán năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,1% so với cùng kỳ… Đặc biệt, Quảng Bình là địa phương không có trường hợp dương tính với Covid-19.
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh năm 2020, đồng chí Trần Công Thuật đã kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, Chính phủ cần xem xét giao bổ sung thêm nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh năm 2020 với số tiền 597 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành dứt điểm các công trình giai đoạn 2016-2020; xem xét giao bổ sung vốn dự phòng chung và nguồn điều chỉnh giảm vốn các dự án quan trọng quốc gia năm 2020 thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân Golf FLC Quảng Bình Golf Links để tỉnh có cơ sở triển khai các thủ tục liên quan theo quy định; có quy định về việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục theo hướng không tinh giản một cách cơ học mà phải căn cứ vào đặc thù của ngành; nghiên cứu, xem xét mức hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn cho lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng…    
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số nội dung cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm, đó là: Cần duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý, bảo đảm mức tăng trưởng khá, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19; tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công; chủ động mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin cho, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo; minh bạch, hiện đại hóa hoạt động công vụ, thực hiện nền hành chính thống nhất, thông suốt, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ tốt nhân dân và doanh nghiệp; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020…
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ, ngành cần tiếp tục kiến nghị, thực hiện các giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó tập trung phục hồi, đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực kinh tế có lợi thế; phản ánh rõ nét những vấn đề còn tồn tại, nảy sinh và đề xuất giải pháp cụ thể thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với Chính phủ.
Nguyễn Hoàng