icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm là nhiệm vụ cấp bách, cơ bản, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội

  • 15:07 | Thứ Năm, 14/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT - Sáng nay, 14-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hành động số 05-CTr/TU (CTHĐ số 05), ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020. Các đồng chí: Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì và điều hành hội nghị.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thắng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thắng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể

Đặt vấn đề hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thắng nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo và giải quyết việc làm (GQVL), trong những năm qua, Quảng Bình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo và GQVL hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, ngày 13-7-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khoá XVI đã ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU về giảm nghèo bền vững và GQVL giai đoạn 2016-2020. Sau gần 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hội nghị là dịp để nhìn nhận, đánh giá khách quan những thành tựu đạt được, những khuyết điểm, hạn chế, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xác định nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Qua gần 5 năm thực hiện CTHĐ, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo, GQVL hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân mỗi năm 2,36%; giải quyết việc làm bình quân hàng năm cho hơn 35.000 người; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bình quân hàng năm cho 3.280; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mỗi năm tăng từ 2-2,5%... Đời sống của người nghèo và hạ tầng vùng nghèo được cải thiện rõ rệt, việc làm cho người lao động cơ bản ổn định, bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể.

Trong năm 2019, đã có 39 hộ gia đình chủ động làm đơn đăng ký thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy con số hộ này chưa cao nhưng đó thực sự là những tấm gương và động lực để các hộ nghèo, hộ cận nghèo khác nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể

Hội nghị đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo, GQVL thời gian tới. Cụ thể: GQVL cho 3,5 đến 3,6 vạn lao động; số hộ nghèo giảm bình quân 1.000 hộ/năm; đến năm 2025, toàn tỉnh giảm ½ số hộ nghèo so với cuối năm 2020 (tương đương giảm 5.000 hộ); đến năm 2025, có 72% lao động qua đào tạo...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật nhấn mạnh: Có thể khẳng định rằng, việc ban hành CTHĐ về giảm nghèo bền vững và GQVL là hết sức đúng đắn, hợp lòng dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được qua thực hiện CTHĐ số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí yêu cầu: Quán triệt ý chí ”Không để Quảng Bình tụt lại phía sau”, các cấp ủy đảng, chính quyền phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững và GQVL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị - xã hội. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, cơ sở. Đồng thời, phải tập trung huy động và phát huy tốt vai trò của cấp uỷ, chính quyền, các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tham gia vận động, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân, cộng đồng tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tranh thủ thêm nguồn vốn của Trung ương để hỗ trợ, giúp cho hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, vay vốn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo, đào tạo có địa chỉ, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, nhất là nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ, du lịch và các dự án kinh tế trọng điểm.

UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình, xây dựng giải pháp, mô hình phù hợp với đồng bào; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở và cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo.

Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trao Bằng khen cho 10 tập thể, 12 cá nhân; UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho 4 tập thể, Bằng khen cho 14 tập thể và 5 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện CTHĐ số 05 về giảm nghèo bền vững và GQVL giai đoạn 2016-2020.

Ngọc Mai