icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống

  • 14:34 | Thứ Tư, 18/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, diễn ra sáng nay, 18-3.
 
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trị hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trị hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn (năm 2009) lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên 525kg/năm.
 
So với mục tiêu đề ra tại Kết luận số 53-KL/TW và Nghị quyết số 63/NQ-CP, dự kiến có 14 chỉ tiêu đạt và vượt gồm 3 chỉ tiêu về lúa gạo, 2 chỉ tiêu về rau, 2 chỉ tiêu về cây ăn quả, 2 chỉ tiêu về chăn nuôi, 3 chỉ tiêu về thủy sản và 2 chỉ tiêu về bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực. Việt Nam bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực, phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của nhân dân. Nguồn lương thực của nước ta luôn ổn định. Khả năng tiếp cận lương thực của nhân dân được bảo đảm nhờ hệ thống giao thông thuận lợi, các kênh phân phối đa dạng. Việc cân đối nguồn dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam luôn được bảo đảm. Đặc biệt, thu nhập của người trồng lúa luôn có lãi mức trên 30% so với giá thành sản xuất.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận, làm rõ nguyên nhân những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia thời gian qua.
 
Trong đó, một số hạn chế cơ bản được nhiều đại biểu thống nhất gồm: Sản xuất nông nghiệp sử dụng nước nhiều, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước ngày càng hạn hẹp của quốc gia; giá thành nông sản chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân; năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp còn hạn chế…
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc bảo đảm an ninh lương thực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước cả về trước mắt và lâu dài.
 
Vì thế, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia một cách vững chắc trong mọi tình huống. Trong đó, cần tăng cường khả năng dự trữ, không chạy theo thị trường xuất khẩu nhằm tránh thiếu hụt nguồn lương thực dự trữ, chủ động ứng phó, phân phối lương thực hợp lý cho các vùng, miền. Thực hiện việc gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với tái cơ cấu nền kinh tế nhằm bảo đảm sự hài hòa trong phát triển, đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực. Tập trung tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân một cách căn bản trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực…
Nguyễn Hoàng