icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Việt Nam kêu gọi tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương tại Hội nghị G20

  • 20:25 | Thứ Bảy, 23/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị G20 cùng với các thể chế đa phương đi đầu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào thúc đẩy trật tự thế giới trên luật lệ, bình đẳng...
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
Ngày 23-11, các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và chín nền kinh tế khách mời, trong đó có Việt Nam, đã nhất trí đi đầu trong nỗ lực cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
 
Phát biểu họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở thành phố Nagoya, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói: “Trong bối cảnh niềm tin vào khuôn khổ thương mại đa phương đang bị suy giảm, G20 đã chia sẻ quan điểm rằng WTO cần được cải tổ để giải quyết các vấn đề hiện nay."
 
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận vấn đề cải tổ WTO trong bối cảnh Nhật Bản, Mỹ và một số nước khác đang thúc đẩy các nỗ lực cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO - một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6-2019.
 
Các bộ trưởng đã đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu, tăng cường hơn nữa vai trò của G20 trong thúc đẩy hợp tác quốc tế xử lý các vấn đề, thách thức toàn cầu. Nhiều nước kêu gọi chống chủ nghĩa đơn phương, ủng hộ củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó WTO là trung tâm; đề nghị tiếp tục cải cách các thể chế đa phương theo hướng tăng cường minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Nagoya. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Nagoya. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)
Liên quan tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các bộ trưởng nhất trí tăng cường huy động nguồn lực và hợp tác toàn cầu, khu vực trong thực hiện Nghị sự 2030 về SDGs, trong đó quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đúng thời hạn SDGs, nhất là mục tiêu chống đói nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường...
 
Một số nước phát triển là thành viên G20 cam kết duy trì cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển nhằm đạt được SDGs bao trùm, trong đó chú trọng thúc đẩy bình đẳng giới, quyền phụ nữ, trẻ em...
 
Phát biểu tại hai phiên họp về quản trị toàn cầu, thương mại tự do và phát triển bền vững, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, đề nghị các nước thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu, trước hết là các thể chế đa phương, để xử lý hiệu quả các vấn đề toàn cầu; đề nghị G20 cùng với các thể chế đa phương cần tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương, đi đầu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào thúc đẩy một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, bình đẳng, công bằng và bền vững.
 
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021 sẽ cùng cộng đồng quốc tế tăng cường sự phối hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa các thể chế toàn cầu và các tổ chức khu vực để đóng góp vào nỗ lực chung củng cố hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
 
Phát biểu tại phiên họp về phát triển bền vững, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam thực hiện đầy đủ Nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; mong muốn cùng các nước tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương để thu hẹp khoảng cách phát triển, thực hiện thành công SDGs trong khu vực, trong đó có quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và chống biến đổi khí hậu ở hạ lưu sông Mekong.
 
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các nước G20 đi đầu thực hiện cam kết, hỗ trợ thực chất cho các nước đang phát triển thực hiện Nghị sự 2030, trong đó ưu tiên cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, y tế, chuyển giao công nghệ và chống biến đổi khí hậu.
 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các nước G20 thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo để các nước đang phát triển tranh thủ các cơ hội từ đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hình thành một khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển và tăng cường hợp tác, hỗ trợ ASEAN và Việt Nam thực hiện các dự án cụ thể về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
 
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Nagoya là hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng của G20 trong năm Nhật Bản giữ vai trò chủ tịch của diễn đàn này. Kết thúc hội nghị, Nhật Bản đã bàn giao ghế Chủ tịch G20 cho Saudi Arabia.
 
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp gỡ, trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao và trưởng đoàn của nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Canada, Pháp, Australia, Chile và Argentina.
 
Lãnh đạo các nước đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam, mong muốn tăng cường phối hợp, hợp tác với Việt Nam cả trên bình diện song phương và tại các diễn đàn đa phương, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Hideaki Omura,Thống đốc tỉnh Aichi. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Hideaki Omura,Thống đốc tỉnh Aichi. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)
Trước đó, ngày 22-11, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tiếp ông Hideaki Omura, Thống đốc tỉnh Aichi. Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng nhấn mạnh quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp, trong đó quan hệ đối tác giữa các địa phương hai nước là trụ cột quan trọng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đánh giá cao việc ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Aichi đầu tư vào Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng tỉnh sẽ tiếp nhận thêm thực tập sinh Việt Nam.
 
Về phần mình, Thống đốc Omura khẳng định, tính tới thời điểm này, có khoảng 180 doanh nghiệp của tỉnh Aichi đã đầu tư vào Việt Nam. Sắp tới, số lượng doanh nghiệp sẽ đầu tư vào Việt Nam tăng hơn nữa.
 
Theo ông Omura, năm 2020, tỉnh sẽ hợp tác với Vietjet Air và Vietnam Airlines để mở đường bay giữa Aichi và các thành phố lớn của Việt Nam./.
 
Theo Đào Thanh Tùng-Thành Hữu (TTXVN/Vietnam+)