icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Phát huy vai trò tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

  • 14:27 | Thứ Hai, 23/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng 23-9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về "vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững". Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội (CSXH), Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng CSXH đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác dụng tích cực đối với hoạt động tín dụng CSXH thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng lên 10.709 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến ngày 31-8-2019 đạt 14.516 tỷ đồng. Điển hình một số tỉnh, thành phố có nguồn vốn ủy thác tại địa phương tăng cao, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc... Đến ngày 31-8-2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng so với ngày 31-12-2015.

Thực hiện tín dụng CSXH đạt hiệu quả về kinh tế-xã hội góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chất lượng tín dụng CSXH không ngừng được nâng cao, góp phần bảo toàn nguồn vốn cho vay; thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng CSXH và cách thức tác nghiệp đặc thù, phù hợp với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số...

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc, đó là: chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tại một số vùng, địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao; một số chương trình tín dụng tiềm ẩn rủi ro dẫn đến gia tăng nợ quá hạn; đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận...

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu đề xuất nhiều giải pháp phát huy vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách thời gian gian tới như: tín dụng CSXH tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và và bền vững; thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg và Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH.

Mục tiêu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10%, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ, nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%...

Thanh Hải