icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

  • 10:47 | Thứ Sáu, 16/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 16-8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị liên quan đã tham gia ý kiến, góp ý vào dự thảo bộ luật, trong đó tập trung vào những nội dung chính, như: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động…

Theo đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo chỉ điều chỉnh đối với lao động có quan hệ lao động, tức là có quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động hay tổ chức của người lao động. Còn đối với nhóm lao động phi chính thức, luật chưa để cập đến. Đây là một khoảng trống trong Bộ luật Lao động để lại nhiều hệ lụy trong xã hội mà ít được ai quan tâm.

Nên chăng, cần làm rõ sự cần thiết, mục tiêu của tiền lương tối thiểu, các căn cứ xác định, điều chỉnh mức lương tối thiểu và đi liền với đó là căn cứ, quy chuẩn để xác định mức sống tối thiểu; đặt ra vấn đề cần thiết luật hóa nội dung để tránh tình trạng tùy tiện, tuổi thọ của luật không dài.

Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất trong trường hợp đặc biệt, tăng thêm 100 giờ/năm (từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Vấn đề này cần được cân nhắc và đánh giá tác động mặt trái của nó. Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ.

Đối với nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ở dự thảo bộ luật, có đại biểu góp ý không nên quy định độ tuổi nghỉ hưu mà chỉ cần quy định điều kiện hưởng lương hưu dựa trên số năm tham gia BHXH của mỗi cá nhân. Khi đã tham gia BHXH đủ số năm theo quy định, người lao động có quyền được hưởng chế độ hưu trí. Khi đã đủ số năm đóng BHXH để nghỉ hưu, người lao động có quyền lựa chọn tiếp tục làm việc nếu còn sức khỏe.

Góp ý về quy định giờ làm việc, các đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện khí hậu nhiệt đới nước ta để tính toán kéo dài thời gian nghỉ trưa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và công nhân.

Hiền Chi