.

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở

.
05:59, Thứ Sáu, 21/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 20-6, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở. Tham dự có đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) làm việc với chính quyền xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc với chính quyền xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.
Luật Hoà giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014.
 
Trong 5 năm cả nước triển khai thực hiện bộ luật, hoạt động này từng bước đã đi vào nền nếp, thống nhất và hiệu quả, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nhìn chung, công tác hoà giải ở cơ sở đã kịp thời hoà giải được những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp, xoá bỏ bất đồng; cơ bản không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý và không dẫn đến tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp.
 
Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, khối đoàn kết cộng đồng ngày càng có sự củng cố bền vững, khu dân cư văn hoá được xây dựng, cộng đồng dân cư sống hoà thuận, hạnh phúc, yên vui, giúp đỡ nhau cùng phát triển...
 
Thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở, mạng lưới tổ hoà giải và hoà giải viên ở cơ sở trên địa bàn cả nước ngày càng được củng cố, kiện toàn, thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Hầu hết hoà giải viên ở cơ sở đều nâng cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo kỹ năng hoà giải.
 
5 năm qua, tỷ lệ hoà giải thành của toàn quốc luôn đạt cao và tăng theo hàng năm (năm 2014 tỷ lệ hoà giải thành cả nước đạt 81,1%; năm 2018 tỷ lệ hoà giải thành cả nước tăng lên 82,7%).
 
Nổi bật như mô hình "Tổ hoà giải 5 tốt" của TP. Hà Nội có tỷ lệ hoà giải thành đạt 85% trở lên; mô hình "Tổ hoà giải điển hình tiên tiến" của tỉnh Lạng Sơn có tỷ lệ hoà giải thành đạt từ 90 đến 100%...
 
Đối với Quảng Bình, để thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1376/KH-UBND, ngày 29-11-2013 về việc triển khai thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện khác.
 
Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền, phổ biến bộ luật nói trên đã được các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, đặc biệt là Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh) quan tâm triển khai một cách kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả. Đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoà giải ở cơ sở, tổ hoà giải, hoà giải viên thường xuyên được kiện toàn qua các năm.
 
Qua 5 năm thực hiện bộ luật nói trên, toàn tỉnh đã tiến hành thụ lý hoà giải 9.825 vụ việc (trong đó hoà giải thành công 8.460 vụ việc), đạt tỷ lệ 86,1%...
 
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều bài tham luận và trao đổi, đóng góp ý kiến, kiến nghị những vấn đề liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở.
 
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng có chuyến đi thực tế ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) để nắm bắt về tình hình thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở tại địa phương này.
 
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc nhấn mạnh: Hội thảo chính là dịp để Bộ Tư pháp nắm bắt, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương, hoà giải viên nhằm đưa ra đánh giá tổng thể tác động của luật đối với đời sống xã hội; nhìn nhận toàn diện kết quả đạt được và những ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; đúc rút bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thi hành luật; đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác này trong thời gian tới... từ đó xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
 
V.Minh
,