.

Góp ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

.
14:21, Thứ Năm, 02/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đối với các dự án luật chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, ngày 2-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị tham gia ý kiến vào Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.

 Đồng chí Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại hội nghị.

Khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Phương nêu lên tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Thời gian qua, Luật Giáo dục đã góp phần vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ hạn chế bất cập, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, do đó cần sửa đổi, bổ sung một số điều để phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 121 điều, quy định một số nội dung quan trọng như: hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các loại trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác. Dự thảo được xây dựng nhằm đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi luật; tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới GD, ĐT và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong GD-ĐT.

Trong khuôn khổ hội nghị, bên cạnh các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo, một số đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét để đưa vào luật những nội dung nhằm giảm áp lực đối với các cấp học, các kỳ thi tuyển; bỏ đề tài sáng kiến kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên hàng năm vì thực tế cho thấy chất lượng của các cuộc thi này không cao, khó áp dụng vào thực tiễn; có quy định cụ thể về nguồn xã hội hóa; quy định rõ phân cấp quản lý cán bộ, chú trọng hơn nữa công tác quản lý biên chế trong ngành giáo dục.

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về chất lượng hướng nghiệp trong nhà trường còn hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu việc làm sau đào tạo; chất lượng ứng dụng các mô hình giáo dục của nước ngoài vào Việt Nam; xem xét kỹ việc thay sách giáo khoa để bảo đảm chất lượng giáo dục và tránh lãng phí; các chính sách khuyến khích học nghề để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ các nhà máy, khu công nghiệp… Một số ý kiến đề nghị việc sửa đổi tên các cấp học, sửa đổi cách sử dụng từ ngữ nhằm bảo đảm tính logic và dễ tiếp cận…

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Phương ghi nhận các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tổng hợp và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Ngọc Mai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

,