.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Lấy ý kiến vào một số luật sửa đổi, bổ sung

.
14:57, Thứ Sáu, 03/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV về việc tổ chức lấy ý kiến đối với các dự án luật, ngày 3-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham gia vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị.

Theo dự thảo, Luật Tổ chức Chính phủ dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 điều, gồm: Điều 5, Điều 23, Điều 28 và Điều 34. Nội dung các điều sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ trong phân công, phân cấp; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của bộ trưởng; về cơ chế ủy quyền…

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, lần sửa đổi này tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp; tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu HĐND tại các khu vực; sửa đổi một số nội dung để phù hợp với quy định của Luật quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến tập trung vào một số nội dung như: nên sử dụng các từ thuần Việt trong các văn bản luật; việc thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện thuộc thẩm quyền cuả Chính phủ thì không nên đưa vào luật; quy định cụ thể những trường hợp ủy quyền cho chính quyền địa phương.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đã có ý kiến liên quan đến số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với các xã loại 1, loại 2, loại 3; về cơ cấu tổ chức của HĐND tỉnh, huyện và các ban kiêm nhiệm của HĐND huyện.

Tại khoản 5 và khoản 9, Điều 34 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ có nội dung tương tự giống nhau, vì vậy nên thống nhất bỏ một trong hai khoản trên. Nhiều đại biểu cũng tham gia đóng góp về việc sử dụng từ ngữ của luật, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và logic.

Các ý kiến được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

N.M

 

 

 

 

,