.

Nhìn lại năm 2012: Châu Á -Thái Bình Dương, điểm sáng của thế giới

.
09:07, Thứ Tư, 26/12/2012 (GMT+7)

Hàng loạt quyết sách của những cường quốc hàng đầu thế giới với mục tiêu hướng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với hàng loạt chuyến ngoại giao "con thoi" và hàng chục hội nghị quốc tế lớn nhỏ... trong năm 2012 ở khu vực này đã khiến châu Á - Thái Bình Dương trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới trong năm qua.

Cơ sở cho những quyết sách lớn

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hỗn loạn và bất ổn, các nước châu Á - Thái Bình Dương gây ấn tượng bởi có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, nguồn tài chính dồi dào và sự tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế khu vực ngày một sâu rộng. Báo cáo về kết quả khảo sát tình hình kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương năm 2012 của LHQ dự báo, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đạt mức cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới, đưa khu vực này trở thành chiếc neo ổn định và là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2012, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm, thấp hơn mức 7% đạt được trong năm 2011, nhưng vẫn là mức tăng trưởng đáng "mơ ước" đối với các khu vực khác trên thế giới. Hai cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Ðộ dự kiến đạt mức tăng trưởng cao, lần lượt là 8,6% và khoảng 7%; các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhiều triển vọng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế khá; kinh tế của khu vực Ðông - Nam Á, trong đó có Thái-lan, Cam-pu-chia, Lào, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a... duy trì nhịp độ tăng trưởng khả quan; tỷ lệ lạm phát hằng năm của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm từ 6,1% xuống còn 4,8%.

Thủ tướng Ô-xtrây-li-a G.Gi-lát nhấn mạnh, châu Á đang chuyển biến từ một khu vực đói nghèo thành nơi có số lượng tầng lớp trung lưu đông nhất thế giới; chuyển đổi từ khu vực sản xuất hàng gia công giá rẻ để trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ các sản phẩm cao cấp của phương Tây. Theo nghiên cứu của Hội đồng tình báo Mỹ (NIC), trong tương lai, tầng lớp trung lưu sẽ là thành phần kinh tế - xã hội quan trọng nhất đối với các quốc gia.

Ấn Ðộ đẩy mạnh thực hiện Chính sách Hướng Ðông và ngày càng gắn kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong ảnh: Ðền Ta-giơ Ma-han, một kỳ quan thế giới ở A-gra, luôn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ấn Ðộ đẩy mạnh thực hiện Chính sách Hướng Ðông và ngày càng gắn kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong ảnh: Ðền Ta-giơ Ma-han, một kỳ quan thế giới ở A-gra, luôn thu hút du khách trong và ngoài nước.

Một số báo cáo còn cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã "qua mặt" châu Âu về mức độ giàu có của các hộ gia đình, với tổng giá trị tài sản khoảng 74.110 tỷ USD, trong khi con số này ở "lục địa già" là 69.350 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương, nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới và có hơn 50% số siêu thành phố trên toàn cầu, ẩn chứa vô số tiềm năng cho sự phát triển của thế giới.

Sâu xa hơn, sự "trỗi dậy" mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế khu vực, trong đó tiêu biểu là Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, có khả năng vượt Mỹ giành vị trí quán quân về kinh tế toàn cầu trước năm 2030, đã làm Oa-sinh-tơn "bừng tỉnh" và phải nhìn châu Á - Thái Bình Dương bằng con mắt khác. Ðã thành quy luật, khi làm chủ quyền lực về kinh tế thì có thể chi phối chính trị. Do vậy, việc lựa chọn châu Á - Thái Bình Dương, khu vực địa - chính trị quan trọng và có tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới, là "tâm điểm" trong chính sách đối ngoại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ cường quốc nào muốn bảo đảm vị thế của mình trên bàn cờ thế giới.

Khai cuộc, hiệu ứng và sự cạnh tranh ảnh hưởng, lợi ích đan xen

Ði đầu trong số các cường quốc nhằm khẳng định vị trí và tầm ảnh hưởng của mình tại châu Á - Thái Bình Dương là Mỹ. Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên vào năm 2008, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã "sửa sai" những hậu quả đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền tiền nhiệm G.Bu-sơ để lại.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ T.Ðô-ni-lơn tiết lộ, ngay sau khi lên nhậm chức tổng thống, ông Ô-ba-ma lập tức xác định những lợi ích quan trọng về an ninh quốc gia mà Mỹ cần theo đuổi bằng việc tuyên bố và thực thi tái cân bằng chính sách đối ngoại để tăng cường sự chú ý đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cách tiếp cận của Oa-sinh-tơn dựa trên một "lý lẽ" đơn giản: Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, có những quyền lợi không thể tách rời khỏi trật tự kinh tế, an ninh và chính trị của châu Á, do đó, sự thành công của Mỹ trong thế kỷ 21 gắn liền với sự thành công của châu Á. "Cỗ máy" của chính quyền Ô-ba-ma đã hoạt động không mệt mỏi nhằm tăng cường sự ảnh hưởng về ngoại giao và quân sự đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Từ ngày 17 đến ngày 20-11 vừa qua, Tổng thống Ô-ba-ma đã thăm ba nước Thái-lan, Mi-an-ma, Cam-pu-chia và dự Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS). Chuyến công du này không nằm ngoài mục đích tạo nền tảng lâu dài cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực. Tuyên bố "Mỹ trở lại châu Á - Thái Bình Dương" vào những ngày đầu tháng 1-2012, tiếp đó chọn châu Á - Thái Bình Dương là điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống B. Ô-ba-ma cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ và hành động thực tiễn nhằm chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ vào khu vực này.

Trong tình thế vừa thúc đẩy hợp tác, lại vừa e ngại trước sự trỗi dậy của "đối thủ chiến lược" Trung Quốc, việc điều chỉnh chính sách của Oa-sinh-tơn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương được các nhà quan sát cho rằng, đây là hành động vừa nhằm cân bằng tầm ảnh hưởng của Mỹ, lại vừa nhằm đích "kìm hãm" tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với khu vực.

Hàng loạt đồng minh và đối tác đã được Oa-sinh-tơn "mời gọi" để tham gia "cuộc trở lại" ngoạn mục và nhiều toan tính tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong số này phải kể đến Ô-xtrây-li-a, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-li-pin, Mi-an-ma... Trong bối cảnh Oa-sinh-tơn thực hiện hàng loạt bước đi nhằm triển khai chính sách "trở lại châu Á - Thái Bình Dương", một điều dễ hiểu là chính sách đối ngoại chiến lược của các quốc gia kể trên đã và sẽ có những thay đổi để phù hợp thời kỳ mới. Trong đó, hưởng ứng sự chuyển hướng ngoại giao chiến lược của Mỹ, cuối tháng 10-2012, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a G.Gi-lát đã công bố Sách trắng "Ô-xtrây-li-a trong Thế kỷ châu Á" nêu bật những nhận định về thay đổi kinh tế và chiến lược trong khu vực châu Á, đồng thời vạch ra một lộ trình toàn diện, nhằm giúp nước này nắm bắt tối đa các cơ hội phía trước.

Thủ tướng Gi-lát nhấn mạnh, Ô-xtrây-li-a cần nhận thức và nắm bắt các cơ hội để bảo đảm tương lai tươi sáng cho nền kinh tế đất nước. Sách trắng định hướng sự phát triển thành công của Ô-xtrây-li-a trong những năm tới trong năm lĩnh vực, gồm đẩy mạnh phát triển kinh tế; xây dựng năng lực; liên kết với các thị trường đang phát triển; bảo đảm an ninh bền vững và nuôi dưỡng các mối liên kết sâu rộng hơn.

Ô-xtrây-li-a sẽ thúc đẩy quan hệ ngoại giao toàn diện hơn với các quốc gia trọng yếu trong khu vực, như Trung Quốc, Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước khác trong khu vực. Can-bơ-rơ cũng đồng ý cho Mỹ triển khai 200 lính thủy đánh bộ tới căn cứ Ðác-uyn, miền bắc Ô-xtrây-li-a, và trong kế hoạch từ nay đến năm 2017 sẽ triển khai toàn bộ 2.500 binh sĩ Mỹ tới nước đồng minh này. Những động thái trên không nằm ngoài mục đích thắt chặt hơn quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh "không tách rời" giữa Mỹ và Ô-xtrây-li-a, nhằm củng cố vững chắc một trong những "trụ cột quan trọng" có tính quyết định sự thành công của chính sách can dự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Từ bên kia đại dương, ngay sau khi trở lại Ðiện Crem-li trong nhiệm kỳ Tổng thống LB Nga lần thứ ba, Tổng thống V.Pu-tin lập tức thể hiện cho thế giới thấy được một nước Nga đang lấy lại "phong độ" của một cường quốc và quyết không để "chậm chân" trong cuộc đua giành ảnh hưởng và lợi ích chiến lược từ châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với việc chính thức tham gia "sân chơi" Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pu-tin đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tại Vla-đi-vô-xtốc, qua đó quyết tâm đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế vùng Viễn Ðông và thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực này, nhằm tạo động lực đưa nước Nga thâm nhập thị trường châu Á và trở thành một phần không thể tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việc Nga và Trung Quốc nhất trí cùng nhau tăng cường hiệu quả và tầm nhìn của các chính sách tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương nói riêng, hẳn sẽ mang lại sức mạnh cộng sinh cho hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mặt khác, điều này sẽ khiến không ít đối tác - đối thủ của Mát-xcơ-va và Bắc Kinh phải gắng sức hơn trong cuộc chạy đua sôi động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang vươn dậy mạnh mẽ.

"Người khổng lồ" châu Á - Thái Bình Dương đang "thức giấc" và chuẩn bị bước vào vạch xuất phát của một chặng đua với "đủ mặt anh tài". Thời khắc cho cuộc rượt đuổi của các "vận động viên" trên "sân chơi" này đã bắt đầu.

                                                                                    Theo NDĐT

,