.

Những toan tính của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm Ấn Độ

.
20:28, Chủ Nhật, 31/07/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Chuyện một chính khách Mỹ thăm Ấn Độ nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai nước là không mới. Nhưng chuyến thăm New Delhi hôm 19/7 vừa qua của Ngoại trưởng Hillary Clinton lại mang nhiều ý nghĩa khác trong bối cảnh cả của Mỹ lẫn của khu vực Nam Á hiện nay.

Theo các nhà quan sát, chuyến công du Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hàm chứa 3 mục đích khác nhau. Thứ nhất, đương nhiên là mong muốn thắt chặt mối quan hệ về chính trị và kinh tế với quốc gia Nam Á này. Ngoài những đề tài truyền thống, chuyến công du này còn nhắm đến mở rộng quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực khác như hợp tác quân sự và các hoạt động tình báo, triển khai các chương trình phát triển nguyên tử và công nghệ cao cũng như tăng cường hợp tác trong các nỗ lực chống khủng bố.

Nếu như mục đích đầu tiên là chuyện không mới thì chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ giữa lúc quan hệ giữa Washington với Islamabad đang gặp nhiều trắc trở mới là điều đáng nói hơn cả. Xưa nay Pakistan luôn coi Ấn Độ là quốc gia thù địch, nếu không muốn nói là "không đội trời chung". Việc Mỹ "thắt chặt" quan hệ, đặc biệt là hợp tác hạt nhân với "kẻ thù" Ấn Độ chắc chắn khiến Islamabad không hài lòng. Nhưng đó lại là mục đích sâu xa của Mỹ trong chuyến thăm này.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng phái đoàn Mỹ (phải) họp mặt với phía Ấn Độ, trong buổi Hội thoại Chiến lược Mỹ - Ấn tại Hyderabad House ở New Delhi.
Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng phái đoàn Mỹ (phải) họp mặt với phía Ấn Độ, trong buổi Hội thoại Chiến lược Mỹ - Ấn tại Hyderabad House ở New Delhi.

Căng thẳng giữa đồng minh Mỹ và Pakistan đặc biệt gia tăng sau vụ Mỹ bí mật cử người sang đất Pakistan khử trùm khủng bố Osama bin Laden. Mới đây nhất, Washington còn tạm ngưng khoản viện trợ 800 triệu USD cho quân đội Pakistan để gây sức ép buộc Islamabad mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống lại các phần tử Taliban ở biên giới Afghanistan - Pakistan. Afghanistan có yên thì Mỹ mới có thể ngẩng đầu khi rút quân ra khỏi khu vực. Và nhân chuyến thăm này, Mỹ muốn gia tăng sức ép với đồng minh khó bảo Pakistan. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với Ấn Độ nhưng cũng muốn tránh xảy ra xung đột với Pakistan trong tương lai.

Những sức ép mà Mỹ đang dồn lên vai Pakistan chỉ là tạm thời. Lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ ở khu vực là cân bằng quan hệ với Ấn Độ và Pakistan, đồng thời vẫn cần Pakistan là đồng minh và đối tác chiến lược.

Khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ trong chuyến công du lần này, Ngoại trưởng Clinton cũng nhấn mạnh quan điểm xem Ấn Độ là đối tác lâu dài và nhắc lại kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ. Ấn Độ vô cùng lo ngại trước việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, sợ rằng thành phần Hồi giáo tại Pakistan có thể lợi dụng khoảng trống quyền lực ở Afghanistan. Pakistan giúp hình thành chế độ Taliban vốn cai trị Afghanistan từ năm 1996, áp đặt giáo điều Hồi giáo khắt khe lên khắp quốc gia này. Islamabad thay đổi lập trường và hứa trợ giúp Mỹ sau cuộc khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001.

Cách đây không lâu, vào ngày 29/6, Taliban đã đánh bom khách sạn quốc tế Intercontinental ở Kabul khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Vào ngày 17/7, Taliban đã sát hại cựu Tỉnh trưởng tỉnh miền Nam Uruzgan, đồng thời là một cố vấn tin cậy của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tại nhà riêng của ông này ở Kabul. Trước đó khoảng một tuần, ông Ahmed Wali Karzai, em trai Tổng thống Hamid Karzai và cũng là một trong những người có quyền lực nhất ở miền Nam Afghanistan, cũng đã bị ám sát.

Theo nhận định của Tiến sĩ Sandy Gordon, Khoa châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, trường hợp xấu nhất đối với Ấn Độ là Afghanistan rơi vào tay Taliban vì điều này sẽ có tác động trực tiếp tới Pakistan. Nếu Pakistan cũng nghiêng theo Taliban thì đây là một mối nguy lớn cho Ấn Độ.

Mục tiêu thứ ba của chuyến thăm New Delhi lần này của bà Clinton là yêu cầu Ấn Độ mở rộng sự hiện diện ở vùng Đông Á, đặt quốc gia này vào vị trí hợp tác trong việc đối đầu với sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc. Tiến sĩ Ajey Lele thuộc Học viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng, New Delhi, nhận định về vấn đề này: "Xét trong ngắn hạn, Mỹ vẫn cần Pakistan để bình ổn tình hình tại Afghanistan. Tuy nhiên, xét về dài hạn thì Ấn Độ vẫn là đối tác quan trọng với Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy".

Trước các cử tọa ở thành phố Chennai thuộc miền Nam Ấn Độ, bà Clinton nói: "Ấn Độ có tiềm năng để định hình tương lai khu vực châu Á Thái Bình Dương... và Mỹ khuyến khích Ấn Độ không chỉ nhìn về phía Đông mà tiếp tục dấn thân hành động ở phía Đông".

Ngoại trưởng Mỹ hoan nghênh việc Ấn Độ sắp đạt được những thỏa thuận thương mại với các nước châu Á như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc... vì càng trao đổi thương mại với nhau, châu Á Thái Bình Dương càng trở thành trung tâm thương mại thế giới, các bên càng có lợi khi khu vực ổn định và an ninh. Bà Clinton thúc giục các nhà lãnh đạo Ấn Độ cùng làm việc với Mỹ để bảo đảm cho hải lộ của vùng Đông Á vẫn được mở rộng và hoàn toàn sạch bóng hải tặc. Theo bà Clinton, vì tầm quan trọng của khu vực đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cần có nhu cầu chống hải tặc và bảo đảm an toàn cho các hải lộ, cũng như duy trì sự tự do hải hành.

Ngoại trưởng Hillary Clinton đánh giá, Ấn Độ với tư cách đồng minh của Mỹ, có thể đóng một vai trò tích cực trong các diễn đàn khu vực như ASEAN, hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Bà Clinton cũng cổ vũ cho công cuộc hợp tác Mỹ - Ấn về an ninh hàng hải.

Việc Ngoại trưởng Mỹ chọn Chennai là nơi đến thăm không phải là ngẫu nhiên. Quyết định này mang tính chất biểu tượng, vì Chennai - tên gọi cũ là Madras - tọa lạc ở tiểu bang Tamil Nadu, nơi được xem như là "một chiếc cầu nối với Đông Nam Á".

 

                                                                                   M. V (Theo ANTG Online)

 

,