icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thể thao Việt Nam cần hoạch định lại chiến lược

  • 08:17 | Thứ Sáu, 24/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chỉ mấy ngày nữa là khép lại năm Tân Sửu với thể thao Việt Nam (TTVN) trong bối cảnh thành tích chung chưa được như mong muốn. Hy vọng, năm Nhâm Dần 2022, chúng ta sẽ bùng nổ (không chỉ mỗi bóng đá) khi có nhiều  lợi thế.
 
1. Một nền thể thao đang đứng ở đâu, hãy nhìn vào giải đấu tầm thế giới. Mặt trận lớn đầu tiên của TTVN trong năm 2021, phải kể đến Thế vận hội Olympic Tokyo (Nhật Bản). Đoàn thể thao Việt Nam có 18 vận động viên tham gia thi đấu 11 môn và chỉ phấn đấu có huy chương. Tuy nhiên, chúng ta không đạt một tấm huy chương nào cả, dịch bệnh chỉ là một yếu tố không quyết định cơ bản. Đây là một thành tích đáng báo động bởi Thế vận hội 4 năm trước, những tưởng là “cánh én báo xuân” cho TTVN  khi lần đầu tiên giành tấm HCV.
 
Trong khi đó khu vực Đông Nam Á, Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, trong khi Thái Lan và Philippines đều có 1 HCV, Malaysia có 1 HCĐ.
 
Nhìn một quá trình hơn 4 thập kỷ trôi qua, TTVN đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài, mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ, đấy là những chỉ dấu ngành thể thao cần “thức tỉnh”, tư duy tìm hướng đi sáng sủa cho TTVN.
Đội tuyển Futsal: Đội tuyển Futsal đã lập nên kỳ tích khi lần thứ 2 liên tiếp lọt vào VCK Futsal FIFA World Cup và lọt vào đến vòng 1/8. Ảnh: VFF
Đội tuyển Futsal đã lập nên kỳ tích khi lần thứ 2 liên tiếp lọt vào VCK Futsal FIFA World Cup và lọt vào đến vòng 1/8. Ảnh: VFF
Đã đến lúc TTVN nên chấm dứt chiến lược đi tắt, đón đầu, quá chú trọng đến những thành tích mang tính nhỏ lẻ. Thay vào đó, phải hội nhập sâu rộng hơn với thể thao thế giới. Bằng cách, đầu tư có trọng điểm cho các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic. Các vận động viên tài năng cần được nâng cấp chế độ đãi ngộ, được đi tập huấn dài hơi ở các môi trường thể thao tiên tiến. Việc xã hội hóa kinh phí không quá khó, khi không ít doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho các nhân tài một khi có lộ trình rõ ràng.
 
Một điểm kém sáng nữa là giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) đã phải giải tán. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử (và hiếm quốc gia nào) phải chọn giải pháp này. Đến EURO, Olympic vẫn tổ chức thành công cơ mà?
 
Trong khi, V-League đã đi qua hơn 2/3 chặng đường, các đội đầu tư rất nhiều tiền bạc lẫn tâm lực. Tuy nhiên, lấy lý do vì dịch Covid-19, vì các đội tuyển quốc gia thi đấu nên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã quyết định hủy giải. Giờ đây, khi vắc-xin đã phủ rộng, khi nhiều hoạt động đã trở lại bình thường giới bóng đá mới nhận ra việc tổ chức cho giải về địch là có thể làm được. Tiếc rằng, mọi chuyện đã rồi.
 
Trong bức tranh chung ảm đạm của thể thao đỉnh cao, rất may có sự tỏa sáng của một cá nhân. Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã xuất sắc đánh bại đối thủ kỳ cựu người Nhật Bản Etsuko Tada với điểm số 96-94 sau 10 hiệp đấu, trở thành tay đấm Việt Nam đầu tiên đoạt chức vô địch thế giới WBO.
 
Bóng đá nam cũng đã mang lại nhiều niềm vui cho  người hâm mộ thể thao. Đội tuyển futsal Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp giành quyền dự vòng chung kết (VCK) FUTSAL FIFA World Cup, lọt vào đến vòng 1/8. Đây là sự kiện chấn động làng futsal thế giới trước bước tiến đáng kinh ngạc của Việt Nam.
 
Tương tự, lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển quốc gia đã lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Dù đang để thua cả 6 trận, nhưng đấy là chiến tích đáng mừng. Hiện thầy trò HLV Park Hang Seo đang thi đấu những trận cuối cùng của AFF Cup. Nhưng, thành tích đó sẽ được tính trong năm 2022.
 
Việc đội tuyển U23 giành vé dự VCK U23 châu Á 2022 cũng đáng ghi nhận.
 
2. Nhưng, một nền thể thao lớn mạnh không chỉ dựa vào bóng đá, đầu tư tập trung vào mỗi vào bóng đá.Năm 2022, có thể TTVN sẽ lại có tin vui đầu tiên mang tên bóng đá-thầy trò HLV Par Hang Seo sẽ vô địch AFF Cup? Một tấm huy chương là chắc trong tầm tay để khởi đầu cho một năm hanh thông cho bóng đá Việt Nam.
 
Kỳ vọng hơn cả về mặt thành tích vẫn là SEA Games được tổ chức ngay tại Việt Nam vào tháng 5-2022. Gần như chắc chắn chúng ta sẽ dẫn đầu huy chương vàng với lợi thế của chủ nhà. Lâu nay đã thành cái lệ, nước nào đăng cai thì coi như vô địch về số lượng huy chương. Vô địch bóng đá nam SEA Games cũng là niềm mong mỏi rất lớn của người hâm mộ. Chúng ta chỉ mới một lần lên đỉnh vinh quang đấu trường này, và cơ hội nâng cúp lần nữa đang đến rất gần.
 
Mong sao, ngành thể thao nên chú trọng về chất thành tích, tạo dựng hình ảnh về một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và phát triển trong lòng bạn bè quốc tế. Đấy mới là tấm huy chương cao quý nhất!
 
Ngay sau khi kết thúc SEA Games, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ lên đường sang Uzbekistan để tham dự VCK U23 châu Á 2022. Đây là lần thứ 4 liên tiêp U23 Việt Nam giành quyền tham dự giải đấu này. Năm 2018, thầy trò ông Park từng làm ngây ngất hàng triệu người Việt với chuỗi thành tích ấn tượng, lọt vào chung kết và nhận ngôi á quân. Tuy thế năm 2020, U23 Việt Nam lại bị loại sớm. Lần này dự báo sẽ khó khăn cho U23 Việt Nam khi lực lượng đã không còn tinh nhuệ như thế hệ Quang Hải, Công Phượng.
 
Vào tháng 9-2022, TTVN sẽ bước vào một giải đấu lớn hơn, ASIAD tại Hàng Châu (Trung Quốc), giành cho các quốc gia châu Á. Đấu trường này cũng rất khốc liệt, đòi hỏi TTVN phải đầu tư dài hơi, nỗ lực cực lớn mới hy vọng vượt giới hạn.  Thành tích tại ASIAD  2018  là đáng ghi nhận khi TTVN giành được 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ tạm xếp vị trí thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội. Tuy thế, từ thất bại ở Olympic mới đây liệu có đủ thời gian để TTVN phục hồi?
 
Như vậy, năm 2021,  phải thừa nhận dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của đất nước, thể thao không là ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, hứa hẹn sẽ mạnh mẽ, trưởng thành hơn sau khi tan “khổ nạn”. Năm 2022 mở ra với nhiều thuận lợi cho TTVN, chúng ta đã có thể thấy rõ thành công ở SEA Games vào tháng 5 này. Tất nhiên, mong sao các giải đấu khác, nhất là ở đẳng cấp cao hơn, “Hổ thể thao Việt Nam” sẽ gầm lên những tiếng oai hùng!
 
Duyên nợ Thái Lan
 
Thầy trò HLV Park Hang Seo vừa trải qua trận bán kết lượt đi với Thái Lan. Kết quả vẫn chưa thể ngã ngũ bởi còn phải chờ lượt về. Nhưng, trước trận đấu, một tâm lý sợ đội tuyển Thái Lan vẫn hiện diện. Trạng thái đó cũng dễ hiểu bởi vài chục năm nay chỉ mới 2 lần ĐTVN thắng được người Thái. Đấy là tại Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy và trận chung kết lượt về AFF Cup 2008, với cú lắc đầu ghi bàn phút cuối của Lê Công Vinh, mang về chiếc cúp vàng đầu tiên ở giải đấu này.
 
Có lẽ lúc này, chính Thái Lan lại đang sợ hãi chúng ta hơn. Chưa bao giờ nền bóng đá Thái Lan lại rơi vào cuộc khủng hoảng dài như lúc này. Thái Lan cũng là quốc gia sản sinh rất nhiều tài năng bóng đá. Vậy mà giờ đây, trong đội tuyển quá ít những ngôi sao được biết đến rộng rãi. Trong khi, trong tay thầy Park lại có quá nhiều tinh hoa đã từng gây chấn động châu Á với những chiến tích phi thường: Dự VCK U20 World Cup, á quân VCK U23 châu Á.
 
Tóm lại, đặt tất cả lên bàn cân, thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn hội tụ nhiều phẩm chất của nhà vô địch hơn cả. Điều quan trong nhất lúc này là các cầu thủ cần cởi bỏ mọi áp lực tâm lý. Chỉ cần họ thể hiện được đúng khả năng vốn có, khó ngọn núi nào có thể ngăn bước chân của “binh đoàn áo đỏ” trên hành trình giành lấy vinh quang.
 
Ly Ly

tin liên quan

ĐT Việt Nam - ĐT Thái Lan: Cuộc chiến khu trung tuyến

Tiền vệ trẻ nổi bật nhất đội tuyển Việt Nam hiện tại có thể khiến Thái Lan bất ngờ ở bán kết AFF Cup 2021. Sự năng nổ của Hoàng Đức cũng có thể làm cho tuyến giữa của "Voi chiến" với sự chỉ huy của Chanathip rối bời.

'Messi Thái Lan' tự tin đội nhà sẽ thắng Việt Nam ở bán kết AFF Cup

Ngôi sao sáng nhất của đội tuyển Thái Lan, tiền vệ Chanathip Songkrasin tự tin về khả năng đội nhà loại Việt Nam và tiến vào chung kết AFF Cup 2020.

Việt Nam sớm đụng độ Thái Lan

Đội tuyển Việt Nam đối đầu Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020 được tổ chức theo thể thức lượt đi và về và diễn ra vào ngày 23-26/12 trên sân vận động quốc gia Singapore.