.

V-League bị hủy: Nhìn lại một quyết định lịch sử

.
07:55, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)
Hôm nay, VPF sẽ đưa ra “phán quyết” cuối cùng cho số phận V-League 2021. Nói là thế nhưng thật ra cũng chỉ “hợp thức hóa” các bước tiếp theo cho đúng quy trình từ quyết định “lịch sử” của VFF mà thôi.
 
Rất nhanh, quyết định “xóa sổ” V-League 2021 đã được đưa ra sau cuộc họp của Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). VPF sẽ họp trực tuyến cùng các CLB để giải quyết nốt những câu hỏi về việc trao chức vô địch cho ai, có đội nào xuống hạng hay không?
 
Từ chia sẻ của nhiều lãnh đạo đội bóng trên truyền thông, hầu hết ủng hộ phương án không ai vô địch, cũng chẳng có đội nào xuống hạng. Chọn 2 đội đang tạm dẫn đầu V-League để thi đấu các giải đấu cấp CLB châu lục năm sau.
 
Từ đó sẽ thấy, cuộc họp trực tuyến được VPF tổ chức hôm nay chỉ như bước “hợp thức hóa” quyết định từ VFF mà thôi. Nói chung, nhìn đâu cũng thấy các đội bóng xoa tay thở phào.
 
Xoa tay vì sẽ không có tranh cãi về thành tích, về thứ hạng nhưng hệ lụy và những dang dở xem chừng đang bắt đầu. Nhìn lại, sẽ thấy lý do lớn nhất để các đội bóng không thể chờ V-League kéo dài đến năm sau là khó khăn về tài chính.
 
Nhưng khi V-League bị hủy, cầu thủ chính là người sẽ chịu những thiệt thòi đầu tiên. Ít nhất từ nay đến hết năm họ mất việc, không biết làm gì. Các CLB dù không lo những thiệt hại tài chính lớn cho gần cả năm chờ đợi nhưng đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ thế nào cũng không hề đơn giản.
 
Tính toán việc trả lương cho cầu thủ ra sao khi hợp đồng mùa giải là đến tháng 10 rồi khoản lót tay, đặc biệt là với các ngoại binh đã nhận “một cục” từ đầu mùa cũng dễ phát sinh những tranh cãi. Chuyện các cầu thủ Than Quảng Ninh phát đi tín hiệu sẵn sàng kiện CLB lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Châu Á và cả FIFA để đảm bảo đúng quyền lợi đã như minh chứng đầu tiên.
 Chất lượng chuyên môn cũng như việc ít khán giả đến sân, kêu gọi tài trợ khó, các CLB không tìm ra nguồn thu là thực trạng đáng cảnh tỉnh cho VFF lẫn VPF.  Ảnh: Hoàng Linh
Chất lượng chuyên môn cũng như việc ít khán giả đến sân, kêu gọi tài trợ khó, các CLB không tìm ra nguồn thu là thực trạng đáng cảnh tỉnh cho VFF lẫn VPF. Ảnh: Hoàng Linh
Dù gì đi nữa, cuối cùng V-League không thể về đích. Đành rằng tác động từ dịch bệnh không thể bàn cãi, ảnh hưởng cũng không chỉ với bóng đá, còn cho cả đời sống xã hội. Nhưng, chính thực tế đối diện với thử thách như vậy mới vỡ ra nhiều điều về năng lực quản trị, điều hành cũng như cung cách hành xử của cả nền bóng đá nước nhà.
 
Thậm chí còn gửi hẳn công văn đòi "thua đủ" với Chủ tịch CLB Hải Phòng. VFF, VPF cứ mãi loay hoay cho các phương án. Cho dù có nhiều rào cản để bóng đá được quay trở lại nhưng sự lúng túng có thể nhìn thấy rất rõ từ cơ quan điều hành, quản lý nên việc niềm tin bị bào mòn là có thật. Ngược lại, với các đội bóng nhìn đâu cũng thấy lời kêu ca, than thở, sẵn sàng bất hợp tác. Vẫn biết CLB gặp khó nhưng không phải cứ khó rồi lấy lý do “tại-vì- do – bởi” rồi đổ lỗi.
 
“Mê trận” những tranh cãi liên miên cho thấy ai cũng chỉ nghĩ về cái lợi của riêng mình chứ chưa nghĩ đến cái chung. Không thể đưa ra được giải pháp tối ưu nhất vì dịch bệnh, tại sao không thể bàn đến giải pháp hài hòa nhất.
 
Điều này cho thấy các bên vẫn chưa có được sự đồng thuận trước bối cảnh gian lao như thế. Giải đã hủy, những thiệt hại về tiền bạc dễ nhìn thấy nhưng những mất mát lâu dài thì khó đong đếm. Nhìn ở khía cạnh khác, năng lực quản lý, điều hành của VPF sẽ giảm đi cái “uy” cần thiết của mình. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ không tốt trong quá trình điều hành từ nay về sau.
 
V-League 2021 không thể về đích trọn vẹn đã kéo theo niềm tin bị lung lay. Đấy mới là cái giá đắt nhất!
 
Theo TTXVN
,