icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tứ kết Cúp C1: Thêm một mùa sạch bóng người Italy

  • 08:49 | Thứ Bảy, 20/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
“Annus horribilis” (năm khủng khiếp) vẫn tiếp tục, không biết đến bao giờ mới kết thúc, khi một lần nữa người Ý hoàn toàn vắng bóng ở vòng tứ kết Champions League. Sau Juventus, đội chưa từng vào đến bán kết kể từ ngày đổ một núi tiền để đưa Ronaldo, vị vua của giải đấu này về sân Allianz, là Atalanta và Lazio. Zero.
 
Một con số không tròn trĩnh. Không một phép màu nào xảy ra nữa, và thất bại của Inter ngay từ vòng bảng đã giống như một lời cảnh báo về một mùa Đông tiếp tục bao trùm bóng đá Italy, dù trên thực tế, ở châu Âu, bây giờ, Xuân đã về.
 
Không một đại diện nào ở tứ kết, hệt như các năm 2009, 2014 và 2016. Mùa trước, Atalanta chỉ cách bán kết đúng 1 phút, và như thế, lần gần nhất người Ý chứng kiến một đại diện của mình vào bán kết là 2018 (Roma), lần gần nhất tung hô một CLB lọt vào đến chung kết là 2017 (Juventus).
 
Và lần gần nhất, bóng đá đất nước hình chiếc ủng ăn mừng một chức vô địch Champions League cách đây đã 11 năm. Italy như thế đã tụt xuống hàng thứ 4 trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu về những chiến thắng Champions League, đứng trên mỗi nước Pháp, với vinh quang thuộc về Olympique Marseille năm 1993. Trong quãng 11 năm Italy liên tiếp thất bại, người Tây Ban Nha đã 6 lần nâng Cúp, người Anh 2 lần và người Đức 2 lần.
 
Và nếu mọi chuyện tiếp tục tồi tệ như thế này, khi những hạn chế về kĩ thuật, kinh nghiệm và chất lượng chuyên môn của các CLB Ý so với các đối thủ Tây Ban Nha, Anh và Đức không được khắc phục, thời kì đen tối sẽ còn kéo dài. Lần trắng tay dài hơn thế đã xảy ra từ năm 1969 đến 1985.
 
Sau khi Milan của Rivera đánh bại Ajax của Cruyff 4-1 ở trận chung kết Cúp C1 năm 1969, người Ý đã phải chờ đến 16 năm để chứng kiến một chiến thắng mới, tháng 5/1985, khi Juve đăng quang trong một ngày thảm họa về nhân mạng ở Heysel (39 người thiệt mạng). Trong quãng thời gian ấy, người Ý đã mon men đến gần chiến thắng, khi Inter vào chung kết Cúp này năm 1972, Juventus năm 1973 và 1983 và Roma 1984.
 Calcio sạch bóng ở tứ kết Champions League. Juventus được kỳ vọng nhất, nhưng cũng gây thất vọng nhất
Calcio sạch bóng ở tứ kết Champions League. Juventus được kỳ vọng nhất, nhưng cũng gây thất vọng nhất
Sự nghèo nàn về thành tích của các CLB Italy hồi đó là do nước Ý đóng cửa với các cầu thủ nước ngoài từ 1966 đến 1980, khiến khả năng cạnh tranh trên đấu trường quốc tế của các đội bóng Ý thấp hơn đối thủ. Dù vậy, chính sách ấy cũng giúp sản sinh nhiều ngôi sao Italy, và đội tuyển Thiên thanh đã vào đến chung kết World Cup 1970, đứng thứ 4 ở World Cup 1978 và vô địch World Cup 1982.
 
Sự nghèo nàn về thành tích trong 11 năm qua cũng nằm ở sự yếu kém hơn về các mặt, từ kĩ thuật, chiến thuật cho đến con người, khi calcio không còn thu hút được những siêu sao bóng đá lớn hoặc cả những ngôi sao đang lên như hai thập niên trước nữa. Người Ý không còn có những thay đổi mang tính cách mạng về chiến thuật để đứng trên đối phương một cái đầu (các CLB Tây Ban Nha, đứng đầu là Barcelona, đã làm được điều ấy cùng với Guardiola).
 
Người Ý không có khả năng về tài chính để cạnh tranh ở mức cao nhất (người Anh là số 1 về tiền). Người Ý cũng không có được cái tinh thần sảng khoái và sức chiến đấu kinh khủng để nghiền nát đối phương (người Đức đã và đang như thế, với Bayern là một ví dụ).
 
Atalanta và tinh thần chiến đấu, tấn công của họ trở thành một thứ đồ hiếm của calcio trên đấu trường châu Âu là như thế. Tiếc thay, chỉ có một Atalanta, và rất nhiều Juventus. Đội bóng của Gasperini trở thành một ngôi sao sáng trên nền trời calcio u ám của hiện tại, với những ý tưởng và tư duy chơi bóng hiện đại, cùng tinh thần chiến đấu và tốc độ cao, nhịp độ cao.
 
HLV huyền thoại Sacchi, một nhà cách mạng của bóng đá Ý những năm 1980, trong bài bình luận về thất bại của calcio, có viết một câu thấm thía rằng: “Trừ Atalanta thì những gì còn lại của bóng đá Ý đều đang dậm chân tại chỗ. Người Ý đã từ chối thay đổi theo thời cuộc”. Nước Ý đang thiếu đi những Sacchi, nhưng không thiếu những “nonno” (ông cụ, chỉ cầu thủ cao tuổi), và ảnh hưởng của họ còn quá lớn, cho thấy calcio đang già cỗi.
 
Một minh chứng: Cho đến hiện tại, các cầu thủ trên 35 tuổi đã ghi 54 bàn ở Serie A, trong khi con số này chỉ là 3 ở Premier League và 1 ở Bundesliga. Các cầu thủ dưới 20 tuổi đã ghi 29 bàn ở Bundesliga, 15 ở La Liga. Còn ở Serie A? Chỉ 4 người!
 
Theo TTXVN