icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gia đình "kình ngư" bên dòng Kiến Giang

  • 10:19 | Thứ Bảy, 15/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến bơi lội, những người làm công tác thể dục-thể thao (TD-TT) tỉnh Quảng Bình không ai là không biết đến gia đình ông Nguyễn Văn Thỉ, ở xóm Hà Cạn, thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy. Bởi lẽ, 2 thế hệ gia đình ông Thỉ đều là những người bơi lặn rất giỏi, nhiều người là “kình ngư” trên đường đua xanh, đóng góp không ít thành tích cho phong trào bơi lội tỉnh nhà…
 
Bốn anh em ruột đều là kiện tướng
 
Một ngày đầu tháng 8, cái nắng chói chang của mùa hè đã dịu bớt bởi những cơn mưa đầu mùa, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ, bình dị của gia đình ông Nguyễn Văn Thỉ, ở bên dòng  Kiến Giang. Năm nay đã tuổi 63, nhưng từng là vận động viên (VĐV) bơi lội nên trông ông Thỉ trẻ, khỏe hơn nhiều so với người cùng tuổi. Bên hiên nhà, ông Thỉ cho biết, do điều kiện được sinh ra và lớn lên bên dòng Kiến Giang nên để thích nghi với môi trường sông nước, cả 8 anh em ruột đều biết bơi từ rất sớm, trong đó có 4 người sau này trở thành VĐV bơi lội.
 
“Tôi còn nhớ, lúc nhỏ, cứ mỗi buổi chiều, ba mẹ lại dẫn chúng tôi ra bến sông để tắm. Cũng như những người bà con khác ở đây, ba mẹ tập bơi cho chúng tôi khỏe mạnh và tránh đuối nước, chứ chẳng ai nghĩ để còn mình trở thành những VĐV bơi lội cả.”, ông Thỉ kể.
  Ông Nguyễn Văn Thỉ, người từng 5 lần được phong kiện tướng bơi lội quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Thỉ, người từng 5 lần được phong kiện tướng bơi lội quốc gia.
Không được định hướng để trở thành VĐV bơi lội, nhưng nhờ sinh ra ở môi trường sông nước, cùng với tài năng bơi lội bẩm sinh, anh em ông Thỉ bắt đầu được những người làm trong ngành TD-TT chú ý, mời đi tập huấn và thi đấu. Trong những năm từ 1970 đến 1980, ông Thỉ cùng với 3 người em ruột khác là Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Thị Trúc nối tiếp nhau giành thành tích cao tại các giải bơi lội toàn quốc. Cùng với việc mang về cho quê hương hàng chục tấm huy chương các loại tại các giải bơi lội toàn quốc, cả 4 anh em ông Thỉ đều được phong tặng danh hiệu kiện tướng bơi lội.
 
Được cử đi tập huấn ở Liên Xô
 
Trong 4 anh em, ông Thỉ được đánh giá là người có tài năng và lập nhiều thành tích hơn. Tài năng của ông Thỉ được phát hiện vào năm 12 tuổi, khi ông giành giải nhất tại giải bơi thiếu nhi huyện Lệ Thủy. Kết quả đạt được từ giải bơi này đã tạo tiền đề quan trọng để ông Thỉ gắn bó lâu dài với đường đua xanh.
 
Trong khoảng thời gian từ năm 12 tuổi đến 18 tuổi, Nguyễn Văn Thỉ liên tiếp giành nhiều huy chương mỗi khi tham gia các giải bơi lặn do nhà trường và địa phương tổ chức. Đặc biệt, vào năm 1975, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Văn Thỉ đã giành giải nhất giải bơi toàn tỉnh. Cũng trong năm đó, Nguyễn Văn Thỉ là VĐV đại diện cho tỉnh Bình-Trị-Thiên tham gia giải bơi vượt sông toàn quốc.
 
Mặc dù không lập được thành tích cao ở giải bơi quan trọng này do thiếu kinh nghiệm thi đấu và chấn thương, nhưng Nguyễn Văn Thỉ không hề nản chí, ông vẫn kiên trì, nỗ lực tập luyện. Tuân thủ giáo án của huấn luyện viên (HLV) cùng với quyết tâm giành chiến thắng, tại giải bơi vượt sông năm 1977, Nguyễn Văn Thỉ đã vươn lên giành giải nhì. Cũng trong năm 1977 này, Nguyễn Văn Thỉ nhập ngũ vào quân đội, huấn luyện ở Tỉnh đội Bình-Trị-Thiên.
 Những đóng góp của gia đình ông Thỉ đã góp phần phát triển phong trào bơi lội ở Lệ Thủy
Những đóng góp của gia đình ông Thỉ đã góp phần phát triển phong trào bơi lội ở Lệ Thủy.
Ở môi trường quân đội, Nguyễn Văn Thỉ tiếp tục kiên trì rèn luyện môn bơi. Và, “có công mài sắt có ngày nên kim”, tại giải bơi vượt sông Bạch Đằng toàn quốc năm 1978, VĐV Nguyễn Văn Thỉ, đoàn bơi lội tỉnh Bình-Trị-Thiên đã xuất sắc vươn lên giành huy chương vàng.
 
Nhận thấy năng khiếu bơi lội của Nguyễn Văn Thỉ, năm 1980, ban huấn luyện đã gửi ông đi tập huấn ở Liên Xô (Nga) 2 tháng để tham gia tranh tài tại các giải bơi lội khu vực và quốc tế. Sau đợt tập huấn đó, cùng với việc tham gia các giải bơi đường dài, Nguyễn Văn Thỉ đã thi đấu xuất sắc và luôn giành thành tích cao ở giải bơi toàn quốc các cự ly 100, 200, 400 và 1.500m.
 
Trong thời gian ở quân đội từ năm 1977 đến năm 1984, Nguyễn Văn Thỉ còn đảm đương vai trò trợ lý huấn luyện đội bơi lội Quân khu IV. Đội bơi do ông huấn luyện luôn giành được kết quả cao mỗi lần tham gia giải vào những năm 1980-1981.
 
Nối tiếp truyền thống gia đình
 
Năm 1985, ông Nguyễn Văn Thỉ xuất ngũ trở về quê hương. Cũng trong năm này, ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Tú, người con gái ở trong làng. Cuộc sống mưu sinh của vợ chồng ông Thỉ gắn chặt với ruộng đồng, sông nước Kiến Giang. Kế thừa tài năng bơi lội của cha, 3 người con của ông Thỉ gồm Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thanh Bình đều giỏi bơi lội. Hiện nay, người con trai đầu Nguyễn Thành Long là VĐV bơi lội, công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Anh Nguyễn Thanh Tùng làm HLV môn bơi ở TP. Hồ Chí Minh.
 
Bản thân ông Thỉ, với  niềm đam mê bơi lội đã ăn sâu vào máu thịt, mặc dù không còn là VĐV chuyên nghiệp nữa nhưng ông vẫn có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào bơi lội ở địa phương. Buổi chiều ngày hè tại bến sông Kiến Giang ở làng Hà Cạn, người dân vẫn thấy một người đàn ông dầm mình trong nước để hướng dẫn tập bơi cho trẻ em. Với sự giúp đỡ của ông Thỉ, hầu hết trẻ em ở đây đều biết bơi, nhiều em còn thành VĐV bơi lội xuất sắc.
 
Tuy nhiên, điều mà ông Nguyễn Văn Thỉ trăn trở đó là, các em chưa có kỹ năng xử lý tình huống xảy ra bất ngờ khi bơi lặn. Mới đây, hưởng ứng lễ phát động “Toàn dân rèn luyện môn bơi, phòng chống đuối nước” trên địa bàn huyện Lệ Thủy, ông Thỉ đã vận động bạn bè cùng đứng ra tổ chức hướng dẫn các cháu nhỏ những kỹ năng về phòng, chống đuối nước…
 
Nói về gia đình ông Thỉ, ông Võ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy cho biết: “Trong nhiều năm qua, gia đình ông Thỉ đã có nhiều đóng góp trong phát triển phong trào bơi lội ở địa phương. Bản thân ông Thỉ là VĐV bơi lội xuất sắc, người vinh dự 5 lần được phong kiện tướng bơi lội quốc gia. Anh Nguyễn Thành Long cũng là VĐV bơi lội tài năng, người đã giành nhiều thành tích ấn tượng trên đường đua xanh. Những đóng góp của gia đình ông Thỉ rất đáng trân trọng và ghi nhận; góp phần phát triển phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở địa phương”.
 
Lâm An
.