icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Để không còn là mục tiêu xa vời

  • 11:28 | Chủ Nhật, 19/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB SEA Games 30 sau thất bại 0-3 trước Thái-lan.
Dù chất lượng các tay đập trong nước được đánh giá cao, nhưng, để hướng tới chiến thắng trước đối thủ Thái-lan, bóng chuyền nữ Việt Nam cần cải thiện rất nhiều yếu tố. Từ sự cạnh tranh của hệ thống giải thi đấu quốc nội cho tới việc ươm mầm đội ngũ tài năng trẻ triển vọng.
 
Bất ngờ và gay cấn
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vòng một Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2020 đã diễn ra với nhiều thay đổi về thể thức thi đấu, ngay như việc không tổ chức Cúp Hùng Vương. Những tưởng điều này sẽ khiến mùa giải năm nay giảm bớt sức hấp dẫn. Nhưng, thực tế diễn ra tại Nhà thi đấu tỉnh Bắc Ninh và Hà Tĩnh lại hoàn toàn trái ngược.
 
Năm nay, 10 đội nữ tham dự được chia thành hai bảng thi đấu. Tuần tự, các đội xếp thứ nhất, ba và năm của bảng A và B  sẽ tập hợp cùng các đội xếp hạng hai và bốn ở bảng B và A, để tạo thành hai nhóm đấu mới. Đó cũng sẽ là thứ tự thi đấu của vòng hai, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2020. Tất cả tiếp tục đua sức vòng tròn một lượt tính điểm, sau đó cộng tổng thành tích ở hai lượt để chọn ra bốn đội xuất sắc nhất vào chung kết. Sáu đội xếp dưới sẽ bốc thăm thi đấu “chung kết ngược” để tìm ra một đội xuống hạng.
Bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB SEA Games 30 sau thất bại 0-3 trước Thái-lan.
Bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB SEA Games 30 sau thất bại 0-3 trước Thái-lan.
Sau thời gian dài “tập chay”, mỗi vận động viên (VĐV) đều chơi bóng với tinh thần và động lực mạnh mẽ, tạo nên hàng loạt những bất ngờ với người hâm mộ. Kết thúc vòng một, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Hữu Hà (đội Hóa chất Đức Giang Hà Nội) đã xuất sắc đánh bại hai ứng cử viên vô địch là Ngân hàng Công thương và VTV Bình Điền Long An để dẫn đầu bảng B nữ với thành tích toàn thắng. 
 
Từ đội bóng trẻ
 
Ra mắt năm 2017 với nòng cốt của đội một Hà Nội, hiện HLV Nguyễn Hữu Hà đang có trong tay bộ khung chất lượng sau ba năm trời chiêu mộ nhân tài trong cả nước. Với đường hướng phát triển rõ ràng, chuyên nghiệp và giàu tham vọng, Hóa chất Đức Giang đang tích cực xây dựng lộ trình tập luyện và tập huấn dài hơi để chuẩn bị cho những giải đấu sắp tới.
 
Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh VĐV năng khiếu cũng được khởi động lại sau thời gian dài tạm hoãn vì dịch Covid-19. Không chỉ đặt mục tiêu lọt vào tốp những đội nữ mạnh nhất, Hóa chất Đức Giang còn nuôi tham vọng đào tạo ra những VĐV tài năng cho bóng chuyền nước nhà. 
 
Chú trọng công tác đào tạo trẻ chính là tôn chỉ của đội bóng này. Các VĐV năng khiếu ngoài việc được bảo đảm về chế độ đãi ngộ, chuyên môn, còn được công ty chủ quản cam kết về chế độ nuôi ăn học cả phổ thông lẫn đại học. Với địa điểm “đóng quân” tại Nhà thi đấu Gia Lâm, đội bóng đã liên hệ với Trường THCS Cổ Bi và THPT Tô Hiệu (Hà Nội) giúp lứa trẻ thuận tiện hơn trong việc học văn hóa.
 
Nếu các em không đủ điều kiện thi đấu chuyên nghiệp, đội bóng cũng tạo điều kiện tối đa để mọi người có việc làm ổn định. Hằng năm, nhiều tài năng trẻ (như Quỳnh Anh, Nguyễn Thơm, Hồng Hạnh...) được cử đi học việc tại các đội hạng A1. Bên cạnh đó, HLV Nguyễn Hữu Hà cũng tiết lộ: “Đội bóng đã lên kế hoạch thuê cả chuyên gia nước ngoài về đảm nhiệm công tác huấn luyện trẻ. Muốn đội hình có chiều sâu, chất lượng tốt thì yếu tố đào tạo trẻ phải được đặt lên hàng đầu”.
 
Tới Đội tuyển quốc gia
 
Những nét nổi bật trong phương án phát triển và xây dựng của đội Hóa chất Đức Giang Hà Nội cũng là những vấn đề vốn được giới chuyên môn bóng chuyền nhắc đến suốt bấy lâu. Thực tế, chiều cao trung bình của đội tuyển nữ đạt mức 1m81, cao hơn 5 cm so nước bạn Thái-lan, thậm chí áp sát nhóm các quốc gia hàng đầu châu Á. Dẫu vậy, những cô gái của chúng ta vẫn thua kém rõ rệt, mỗi khi chạm trán đối thủ số một trong khu vực. 
 
Sau thành công của nhiều bộ môn, đặc biệt là bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã tính đến phương án sử dụng HLV ngoại để chinh phục những mục tiêu sắp tới, cũng như lâu dài. “Liên đoàn đã thống nhất sẽ thuê chuyên gia ngoại. Trước mắt, chúng tôi đang đề nghị Liên đoàn Bóng chuyền châu Á và thế giới hỗ trợ tìm kiếm HLV cho cả đội tuyển bóng chuyền nam và nữ quốc gia. Từ những hồ sơ ứng viên, Liên đoàn sẽ chọn ra một cá nhân phù hợp nhất”, ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khẳng định.
 
Tuy nhiên, việc tìm kiếm HLV ngoại cũng không thể cải thiện ngay lập tức thành tích của đội tuyển bóng chuyền quốc gia. Bởi lẽ đó, nhiều thay đổi đã đưa ra, từ việc chuẩn hóa hệ thống giải đấu, hoàn thiện quy chế chuyển nhượng, tạo điều kiện cho VĐV đi thi đấu nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng cầu thủ. Nhưng, vẫn cần nhiều cải cách hơn nữa từ chế độ tập luyện, thậm chí cho phép các CLB được sử dụng một VĐV nước ngoài ở các giải đấu quốc nội, nhằm thúc đẩy sự phát triển chuyên môn của từng cá nhân, giúp các HLV thực hiện nhiệm vụ nâng tầm các tuyển thủ quốc gia một cách dễ dàng hơn.
 
Rõ ràng, bóng chuyền Việt Nam vẫn cần một hệ thống giải quốc nội giàu tính cạnh tranh bên cạnh đội ngũ tài năng trẻ chất lượng tốt mới có thể phát triển bền vững. Nếu không, mục tiêu “lật đổ” sự thống trị của Thái-lan ở kỳ SEA Games sắp tới, vẫn sẽ là mục tiêu xa vời.
 
Theo Anh Thư (Báo Nhân Dân)