icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện thưởng Tết của VĐV: Giấc mơ không… có thật!

  • 08:06 | Thứ Ba, 21/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Cũng là một ngành nghề như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, thậm chí, cường độ lao động của VĐV còn nặng nhọc và nguy hiểm hơn rất nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Dù vậy, với các VĐV, tiền thưởng Tết là câu chuyện đã và đang chưa bao giờ diễn ra.
 
VĐV không được thưởng Tết vì không có quy định
 
Không có bất cứ quy định cụ thể nào của nhà nước về thưởng Tết cho VĐV và đây chính là điểm mấu chốt, khiến ngành thể thao, các sở VH,TT&DL địa phương, các trung tâm HLTT từ cấp trung ương đến cơ sở đều không thể chi tiền cho VĐV mỗi dịp Tết đến Xuân về. Điều này đã tồn tại từ nhiều năm qua và cũng khiến cho chính các nhà quản lý thể thao ở mọi cấp đều cảm thấy bối rối và dù rất thương VĐV song cũng không thể tháo gỡ.
 
“Tất cả đều phải tuân thủ quy định của nhà nước về chi tiêu ngân sách nên Trung tâm HLTTQG Hà Nội có muốn cũng không thể chi thưởng Tết cho VĐV. Để động viên cho các VĐV về quê ăn Tết, các năm trước đây, trung tâm có tổ chức các trò vui chơi có thưởng và liên hoan chia tay, còn chuyện tiền thưởng dù ít nhưng chưa bao giờ có”, ông Nguyễn Anh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội chia sẻ.
 
Với các nhà quản lý là như vậy, còn với các VĐV, chuyện không có thưởng Tết giờ cũng đã là chuyện quá quen thuộc. Quen đến mức, Tết không có tiền thưởng giờ cũng chẳng vui, chẳng buồn đúng như lời của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. “Từ lúc em đi tập thể thao tới giờ, em chưa bao giờ được nhận đồng thưởng Tết bao giờ, chính vì thế, em cũng không cảm thấy buồn bã hay gì cả. Bao năm qua cứ mải mê tập luyện, nếu được về ăn Tết với gia đình thì tốt, còn nếu đi tập huấn thì cũng phải chấp nhận xa nhà. Trước đây, cũng có lần, em về ăn Tết mà chẳng có đồng nào trong người, vì ngoài chút tiền lương hàng tháng, nếu không có huy chương để có tiền thưởng thì tay trắng về ăn Tết cùng bố mẹ là chuyện… bình thường. Như năm nay, em giành 2 HCV, 1 HCB SEA Games 30 nhận được 125 triệu tiền thưởng theo quy định của nhà nước nên cũng phấn khởi hơn”.
 
Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng như Huy Hoàng để mà “không buồn, không vui” vì không có thưởng Tết. Cũng là cảnh VĐV đội tuyển quanh năm ăn tập ở Trung tâm HLTTQG, song Nguyễn Thị Oanh tổ cự ly ngắn luôn cảm thấy chạnh lòng mỗi dịp Tết đến. Nhìn bạn bè cùng trang lứa tíu tít sắm sửa với khoản tiền thưởng Tết ở cơ quan hay đơn vị chủ quản, chân chạy 24 tuổi lại cảm thấy buồn.
 
“Em thấy VĐV cũng như nhiều nghề nghiệp khác trong xã hội, thậm chí tập luyện vất vả gian nan khó nhọc chả kém gì, nhưng chưa bao giờ đến Tết được thưởng. Bạn bè em đi làm ngành ngoài ở xã hội, gần Tết là sẽ được nhận tháng lương thứ 13, dù ít dù nhiều nhưng đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn và hỗ trợ phần nào đồng quà tấm bánh cho gia đình. Nói thật, đến Tết được về với bố mẹ thì rất vui nhưng nhiều khi cũng buồn vì chẳng có tiền sắm Tết hay giúp đỡ bố mẹ. Năm nay, em cùng tổ 4x400m giành được HCV SEA Games nên cũng may mắn có chút tiền ăn Tết”.
Tiền thưởng từ nhà nước và từ các Mạnh Thường Quân có ý nghĩa rất to lớn với các VĐV cả về tinh thần lẫn vật chất. Ảnh: VFF
Tiền thưởng từ nhà nước và từ các Mạnh Thường Quân có ý nghĩa rất to lớn với các VĐV cả về tinh thần lẫn vật chất. Ảnh: VFF
Tiền thưởng SEA Games là "cứu cánh"
 
Không có thưởng Tết nên với rất nhiều các tuyển thủ TTVN, khoản tiền thưởng huy chương mà họ giành được tại SEA Games 30 là cứu cánh, giúp cho nhiều người thoát cảnh trắng tay về quê ăn Tết. Nghe thì có vẻ như nghịch lý nhưng thực tế thì đúng là như vậy, bởi với mức tiền công tập luyện trung bình theo mặt bằng khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, các tuyển thủ quốc gia khó có thể dành dụm một khoản tiền để cuối năm mang về cho bố mẹ.
 
“Tiền thưởng huy chương SEA Games được coi như khoản thu nhập chính của em trong năm 2019. Rất may, khoản tiền thưởng này đã được giải ngân sớm và em đã nhận được đầy đủ để thực hiện các dự định của mình. Ngoài việc hỗ trợ gia đình đón Tết, biếu bố mẹ một ít, em cũng sẽ tiết kiệm để làm nhiều việc khác sau này”, Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về kế hoạch “tiêu” tiền thưởng.
 
Với những VĐV như Nguyễn Huy Hoàng, khoản tiền thưởng huy chương đúng là “ra tấm, ra món”. Nói là “đổi đời” thì hơi quá nhưng thực sự, với trên 100 triệu đồng, nó giúp cho các tuyển thủ hoàn thành rất nhiều dự định cá nhân cũng như hỗ trợ được cho gia đình trong sinh hoạt và xa hơn là đảm bảo tương lai cho chính mình sau này khi không còn đủ sức khỏe thi đấu.
 
Cô gái hạt tiêu Nguyễn Thị Oanh với 3 tấm HCV SEA Games 30, phá 1 kỷ lục, nhận thưởng 155 triệu đồng theo quy định. Sau đó, Nguyễn Thị Oanh còn được UBND tỉnh Bắc Giang và một số nhà tài trợ thưởng tổng cộng 120 triệu đồng. Như vậy với hơn 200 triệu tiền thưởng sau SEA Games 30, Nguyễn Thị Oanh dành ra một khoản để biếu bố mẹ và sắm Tết, còn lại gửi tiết kiệm để sau này có thể tạo dựng cuộc sống tốt hơn sau khi nghỉ thi đấu.
 
Với các VĐV giành được ít huy chương, thì khoản thưởng theo quy định của nhà nước ở SEA Games cũng vô cùng quý giá. Theo quy định, ở môn cá nhân, các VĐV giành HCV sẽ nhận được 45 triệu đồng, 25 triệu đồng với HCB, 20 triệu đồng với HCĐ và nếu phá kỷ lục sẽ nhận được thêm 20 triệu đồng. So sánh với thu nhập cá nhân hàng tháng, 1 tấm HCĐ SEA Games thôi, cũng bằng 1 VĐV đổ mồ hôi, sôi nước mắt gần 3 tháng trên sàn tập với biết bao nguy cơ và rủi ro về chấn thương.
 
Vậy nên, nếu được đi SEA Games thi đấu và giành huy chương, không chỉ là mang vinh quang về cho TTVN, mà nó giải quyết cả bài toán thu nhập của mỗi VĐV sau cả 1 năm ròng tập luyện. Khoản tiền thưởng này là tất cả, từ đồng quà tấm bánh ngày Tết cho gia đình, bố mẹ, là hiện thực hóa những mơ ước nhỏ nhoi của mỗi người và đôi khi còn là cả khoản tiết kiệm cho tương lai sau này.
 
Cần sớm xây dựng cơ chế thưởng Tết cho VĐV
 
Đã đến lúc ngành thể thao cần xây dựng cơ chế thưởng Tết cho VĐV, tiếp đó, phối hợp với các bộ ngành liên quan để cùng nhau tháo gỡ những bất cập, nhằm giúp các VĐV, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia được chăm sóc tốt hơn về tinh thần và vật chất nhân dịp Tết đến. Vẫn biết, nếu ban hành quy định về thưởng Tết cho VĐV, ngân sách nhà nước sẽ gánh thêm khoản chi phí rất lớn hàng năm và điều này là khó để thực hiện được trong bối cảnh hiện nay.
 
Dù vậy, nếu ngành thể thao cần có cơ chế rõ ràng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi sự hỗ trợ của nhiều nguồn lực trong xã hội, vấn đề tìm kiếm nguồn thu để thưởng Tết cho các VĐV có thể từng bước được tháo gỡ. Hiện tại, ở các Trung tâm HLTTQG việc chi thưởng Tết cho các VĐV là không thể thực hiện được vì quy định không cho phép, rồi chuyện không có nguồn thu. Cái khó bó cái khôn, tất cả rơi vào cái vòng luẩn quẩn và cuối cùng các VĐV vẫn là người thiệt thòi nhất.
Theo Vũ Lê (Thể thao Văn hóa)