.

V.League có nhà tài trợ dài hạn: Đến thời tính kế bền sâu

.
14:08, Thứ Sáu, 15/02/2019 (GMT+7)
Ngày 20-2 tới, VPF sẽ công bố nhà tài trợ mùa giải 2019. Đồng hành với V.League là một nhãn hiệu của tập đoàn đa ngành nghề Masan. Đáng nói, Masan sẽ đồng hành với VPF bằng bản hợp đồng dài nhất từ trước đến nay.
Đã là bạn, phải bền lâu
 
Trước đây, V.League từng có những giai đoạn khá ổn định về nhà tài trợ chính. Đó là giai đoạn bóng đá hưởng lợi nhờ một nền kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh. Từ PV Gas đến Eximbank và sau này là Toyota đã mang tới cho nhà tổ chức sự an tâm về tài chính.
 
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tìm kiếm tài trợ cũng dễ dàng. Kết thúc V.League 2017, một đối tác đã yêu cầu hạ một nửa giá trị hợp đồng nếu muốn gắn bó ở mùa giải 2018. Họ cho rằng, V.League thiếu sức hấp dẫn, không làm tốt về truyền thông và quan trọng hơn, chính sách tài trợ của công ty mẹ đã thay đổi. Tuy nhiên, sau đó, VPF đã có được sự đồng hành của Nutifood với giá trị chấp nhận được và mùa giải đã về đích an toàn.
 
Mùa giải 2018 kết thúc là lúc VPF phải hành động rốt ráo nhằm ổn định về tài chính, tài trợ. Có nhiều đối tác đã đặt vấn đề. Đó đều là những thương hiệu mạnh, có tiềm lực nhưng cuối cùng, Masan được lựa chọn bởi quan điểm “đã là bạn, phải bền lâu”.
 
Masan muốn đồng hành với VPF bằng bản hợp đồng có thời hạn ít nhất 5 năm và lũy tiến sau mỗi mùa giải. Điều này giúp cả Masan lẫn VPF dễ dàng hơn trong việc thực hiện chiến lược. VPF có thể an tâm về nhà tài trợ chính và tiếp tục tìm kiếm những nhà tài trợ phụ nhằm tăng nguồn thu. Trong khi đó, Masan có thể theo đuổi một chiến lược truyền thông dài hạn với một kênh quảng bá hữu hiệu.
 
Mỏ vàng nhưng không dễ khai thác
 
Mừng vì V.League không còn phải trong cảnh ăn đong. Khi đã xác định được nhà tài trợ chính trong thời gian dài thì VPF sẽ không còn nhiều áp lực. Việc thoải mái về thời gian, tài chính sẽ giúp VPF tìm kiếm thêm những nguồn lực cho giải đấu.
 
Người ta ví VPF là “con gà đẻ trứng vàng” khi điều hành những giải đấu có sức hấp dẫn và ngày càng lôi cuốn NHM. Nguồn thu của VPF có thể đến từ việc bán bản quyền ra nước ngoài, bán thời lượng quảng cáo trên truyền hình, bán bảng quảng cáo trên sân và thực hiện các dịch vụ khác liên quan đến bóng đá... 
 
Tiềm năng là vậy, nhưng để biến thành nguồn thu thì không hề dễ dàng. Để các nhà tài trợ rót tiền cho bóng đá là vô cùng nan giải và đây cũng là bài toán của các đội bóng. Ngoài ra, ở Việt Nam chưa có thói quen mua bản quyền truyền hình và các nhà đài chỉ chấp nhận đổi thời lượng quảng cáo lấy bản quyền.
 
Vì thế, người ta hy vọng rằng, sau khi đã yên ở mặt trận “tài trợ chính”, VPF có thể dành nhiều thời gian để gia tăng nguồn lực tài chính thông qua những lợi thế đặc biệt. Đó mới chính là “kế sâu bền vững” cho VPF và cho cả nền bóng đá.
 
Theo Bongdaplus.vn
 
,