.

Thể thao thành tích cao Quảng Bình vươn tầm cao mới

.
21:53, Thứ Bảy, 10/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - 1. Ngày 1-7-1989, Quảng Bình trở lại với địa giới và tên gọi cũ. Những năm đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đối mặt với bộn bề khó khăn. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật quá nghèo nàn, lạc hậu; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra; tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa yếu; đời sống hầu hết nhân dân rất khó khăn.

Trên lĩnh vực thể dục thể thao, trước khi tách tỉnh, phong trào TDTT của Quảng Bình được đánh giá là “đầu tàu” trong cả tỉnh Bình Trị Thiên; xã Bảo Ninh được phong tặng là “Đơn vị Yết Kiêu”, Trường cấp III Lệ Thủy- 2 năm lá cờ đầu ngành TDTT tỉnh Bình Trị Thiên, huyện Bố Trạch- lá cờ đầu ngành TDTT tỉnh Bình Trị Thiên năm 1987; nhiều tài năng bơi lội như Nguyễn Văn Thỉ, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Sáng, Hoàng Quang Minh, Hoàng Thị Thanh, Võ Thị Nhung, Trần Thị Kiều, Phạm Văn Phi,... của Quảng Bình đã làm rạng danh quê hương khi chinh phục đường đua xanh.

Tuy nhiên, khi tách ra, sự nghiệp TDTT Quảng Bình hầu như không có một cơ sở vật chất kỹ thuật nào, đội ngũ cán bộ còn lại 12 người, lực lượng VĐV các tuyến, nhất là tuyến đang thi đấu bị giảm sút. Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và con người, kinh phí khó khăn là những trở ngại lớn đối với thể thao Quảng Bình lúc ấy, để rồi một thời gian khá dài sau đó, các VĐV Quảng Bình đã rất chật vật để tìm kiếm vị trí cao trên bảng xếp hạng toàn quốc.

 Ý thức sâu sắc về những thách thức, cũng như thời cơ của một tỉnh mới, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, năng động, sáng tạo, từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn, ổn định các hoạt động; tích cực tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và tranh thủ mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội.

Trong dòng chảy ấy, hoạt động TDTT cũng được đẩy mạnh. Phong trào thể thao quần chúng được chú trọng, vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước với nhiều hình thức ngày càng phong phú, đa dạng.

Đặc biệt, lĩnh vực thể thao thành tích cao đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đưa ra những định hướng, mục tiêu cụ thể nhằm đưa thể thao thành tích cao Quảng Bình ngày càng lớn mạnh, hướng đến những vị thế cao trong bảng xếp hạng thành tích của cả nước.

Ngày 1-6-1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 25- CT/TU “về công tác TDTT trong những năm trước mắt” là một minh chứng cho thấy sự quan tâm của tỉnh dành cho TDTT Quảng Bình từ rất sớm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Tập trung bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ VĐV các môn thể thao thế mạnh truyền thống, củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo năng khiếu của tỉnh để nhanh chóng đưa thành tích một số môn thi đấu ngang với các thành phố lớn, trước hết là bơi, điền kinh, cờ vua, võ thuật, bóng chuyền...”.

Ngành TDTT đã tiếp tục đào tạo lớp VĐV mới, hình thành nhiều lớp nghiệp dư, CLB thể thao trẻ, xây dựng trường năng khiếu, gửi đào tạo VĐV ở các trung tâm huấn luyện quốc gia; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh để xây dựng cơ sở vật chất như sân vận động, nhà thi đấu, hỗ trợ các huyện làm sân vận động địa phương.

Những nỗ lực của tỉnh, của ngành đã thu về trái ngọt, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ III năm 1995, Quảng Bình xếp thứ 37/57 đơn vị tham gia. Đây là một cố gắng rất đáng khích lệ đối với một tỉnh vừa được chia tách, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều trở ngại.

Được sự quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lực lượng cán bộ TDTT được tăng cường, đội ngũ HLV, VĐV, trọng tài TDTT ngày càng đông đảo; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tập huấn VĐV thể thao và tổ chức thi đấu tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ở tỉnh đã có nhà tập luyện và thi đấu quần vợt, sân vận động, bể bơi tổng hợp... Nhờ vậy, tỉnh đã phối hợp tổ chức cũng như đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các hoạt động tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao được quản lý chặt chẽ, tuân thủ quy định của pháp luật.

Ngành VH&TT cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển các môn thể thao thành tích cao phù hợp với điều kiện địa phương để tham gia thi đấu các giải trong nước và khu vực; xây dựng lực lượng VĐV cho từng bộ môn, thường xuyên đổi mới công tác đào tạo VĐV theo hướng chuyên sâu. Xác định ưu tiên đầu tư mạnh cho các môn mũi nhọn, thế mạnh mà địa phương có tiềm năng như: bơi, lặn, đua thuyền rowing- canoeing, điền kinh,...

Đối với những bộ môn đặc thù, thiếu thốn cơ sở vật chất, Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT tỉnh đã đề xuất và gửi tập huấn tại các đội tuyển quốc gia, trung tâm huấn luyện nổi tiếng của cả nước.

Trong điều kiện khó khăn, nhưng tỉnh và ngành VH&TT cũng đã có sự quan tâm, bảo đảm các chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV; chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền lương, bảo hiểm, khen thưởng... được thực hiện đúng quy định của Nhà nước và từng bước được nâng cao phù hợp với thực tiễn...

Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng đoạt huy chương bạc nội dung bơi tự do 1.500m nam tại ASIAD 2018 diễn ra ở Jakarta, Indonesia ngày 24-8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng đoạt huy chương bạc nội dung bơi tự do 1.500m nam tại ASIAD 2018 diễn ra ở Jakarta, Indonesia ngày 24-8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

2. Có thể nói, dù là một tỉnh nghèo, thường xuyên phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, bão lũ hàng năm cũng như các sự cố về môi trường đã gây thiệt hại không nhỏ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều nơi, trực tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức một số hoạt động của ngành VH&TT cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể chất của nhân dân, nhưng như lời đánh giá của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trong chuyến thăm tỉnh Quảng Bình đầu năm 2017 thì: Trong khó khăn thử thách, ngành VH&TT Quảng Bình đã đoàn kết đồng sức đồng lòng và giành được nhiều thành tựu nổi bật, được Đảng bộ nhân dân Quảng Bình và cả nước đánh giá cao, tạo niềm tin và tiền đề cho hoạt động văn hóa, thể thao trong thời gian tới. Đặc biệt, với sự đầu tư có trọng tâm trong những năm qua đã góp phần giúp các VĐV trẻ được rèn luyện trong môi trường và điều kiện tốt, phát huy được khả năng, năng khiếu của mình.

Bên cạnh việc tạo điều kiện để các VĐV thi đấu tại các giải vô địch quốc gia, giải cúp, ngành VH &TT còn phối hợp đăng cai tổ chức thành công các giải thể thao quốc gia, quốc tế tại Quảng Bình.

Với sự chủ động, nỗ lực, các môn thế mạnh của tỉnh Quảng Bình vẫn duy trì vị trí trong top đầu toàn quốc, tiếp tục giành được những thành tích đáng kể tại các giải đấu quốc tế như SEA Games, châu Á.

Hàng năm, các đội tuyển thể thao tỉnh Quảng Bình tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt được 150 - 180 huy chương các loại, trong đó có từ 10- 15 huy chương quốc tế; nhiều lượt VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng quốc tế và kiện tướng quốc gia, số VĐV được gọi vào tập luyện tại các đội tuyển trẻ và quốc gia đạt từ 13- 20 VĐV/năm.

Những gương mặt VĐV nổi bật trong thời gian qua phải kể đến, đó là: Phạm Thị Huệ (đua thuyền rowing) đạt 1 HCB và 1 HCĐ tại Đại hội Thể thao Châu Á (Asiad 17) lần thứ 17 năm 2014; Phan Đức Toản (lặn) đạt 1 HCV tại giải Vô địch Châu Á năm 2015; Dương Anh Đức (đua thuyền canoeing) đạt 2 HCV tại giải Vô địch quốc gia 2016...

Tại SEA Games 29 (năm 2017), hai VĐV Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Thị Ngọc đã lập thành tích xuất sắc cho thể thao Quảng Bình với những tấm HCV quý giá. Đặc biệt, tại ASIAD 18, trong số 5 VĐV của đoàn Quảng Bình tham dự thì đã có 3 VĐV là Lường Thị Thảo, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Thị Ngọc giành được 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ.

Ở môn đua thuyền rowing, chung kết nội dung thuyền 4 nữ mái chèo hạng nhẹ, VĐV Lường Thị Thảo cùng với đồng đội của mình là Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Thảo nỗ lực thi đấu đầy ấn tượng, đánh bại các đối thủ đến từ Iran, Hàn Quốc và cán đích đầu tiên với thành tích 7 phút 01 giây 11, qua đó giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 18.

Ở nội dung tiếp sức 4 x 400m nữ, Hoàng Thị Ngọc cùng với đồng đội thi đấu xuất sắc giành được tấm HCĐ với thành tích 3 phút 33 giây 23.

Và niềm kỳ vọng của bơi lội Quảng Bình - VĐV Nguyễn Huy Hoàng đã không phụ lòng mong đợi của người hâm mộ khi giành 1 HCB, 1 HCĐ ở các nội dung 1.500 m và 800 m tự do, phá kỷ lục SEA Games, cũng làm nên lịch sử cho bơi lội Việt Nam tại Asiad.

Mới đây nhất, ngày 12-10, Nguyễn Huy Hoàng đã giành HCV nội dung bơi 800m tự do nam tại Olympic trẻ mùa hè Buenos Aires 2018 diễn ra ở Argentinavới thành tích 7 phút 50 giây 20, đồng thời phá sâu kỷ lục quốc gia 7 phút 54 giây 32 do chính Hoàng đã lập được khi giành huy chương đồng tại đấu trường Asiad hồi tháng 8-2018.

Bên cạnh những VĐV kỳ cựu, thể thao Quảng Bình cũng trình làng nhiều VĐV trẻ kế cận và các gương mặt triển vọng này đã thể hiện tốt khả năng của mình, đóng góp tích cực về thành tích cho quê hương. Có thể nói, chưa bao giờ thể thao Quảng Bình lại đạt được những thành tích đáng phấn khởi như lúc này, tạo đà, tạo thế để trong khát vọng vươn tới những tầm cao mới bằng mọi quyết tâm và nỗ lực.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều khó khăn đang chờ đón. Ngoài sân vận động tỉnh đã xuống cấp, ở các huyện, thị xã chỉ có thị xã Ba Đồn, TP. Đồng Hới có sân vận động có khán đài. Bể bơi tổng hợp bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Tỉnh chưa có nhà thi đấu TDTT đa chức năng- một trong những thiết chế thể thao cơ bản được quy định trong Luật TDTT nhằm góp phần thúc đẩy phát triển TDTT, phục vụ việc huấn luyện và đăng cao tổ chức các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Những cơ sở vật chất như địa điểm, dụng cụ, công cụ tập luyện và thi đấu còn nhiều thiếu thốn. Và, vấn đề lớn nhất đang đặt ra cho thể thao thành tích cao Quảng Bình đó chính là việc thiếu kinh phí dẫn đến nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng, khen thưởng dành cho VĐV, HLV vẫn còn nhiều bất cập.

3. Với Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Bình đặt ra mục tiêu tập trung phát triển các môn thể thao có trong chương trình thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Đại hội Olympic, như: điền kinh, bơi, cử tạ, đua thuyền rowing- canoeing…; phát triển một số môn thể thao mới phù hợp với điều kiện, tố chất con người Quảng Bình; xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao từ cấp cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng lẫn chất lượng của VĐV; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho lực lượng HLV, hướng dẫn viên, phấn đấu có khoảng từ 3 - 5 HLV đạt trình độ HLV chính nhằm đào tạo được VĐV đạt thành tích cao tại các giải vô địch quốc gia, quốc tế; tham mưu xây dựng Đề án đào tạo bóng đá trẻ, bóng chuyền trẻ tỉnh Quảng Bình trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Cùng với đó, đề án cũng hướng tới mục tiêu hằng năm mở từ 10 - 15 lớp nghiệp dư ở cơ sở với tổng số VĐV tham gia đào tạo từ 200 - 400 VĐV; thi đấu từ 15 - 20 giải thể thao quốc gia và quốc tế, phấn đấu đạt từ 130 - 150 huy chương các loại, trong đó từ 3 - 5 huy chương quốc tế, đóng góp 10 - 15 VĐV vào đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia, từ 15 - 20 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia; thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 với lực lượng từ 25 - 30 VĐV của 5 - 6 bộ môn, phấn đấu đạt 5 - 7 HCV.

Cũng theo đề án, giai đoạn từ năm 2021 - 2030, thể thao thành tích cao tỉnh sẽ phấn đấu tiếp tục ổn định các bộ môn thế mạnh của tỉnh đã có ở giai đoạn trước, tập trung đầu tư phát triển thêm một số bộ môn mới như: cử tạ, bóng chuyền bãi biển, bóng đá thiếu niên - nhi đồng tham gia thi đấu các giải quốc gia hằng năm có VĐV đạt huy chương; duy trì hệ thống đào tạo lực lượng VĐV tại trung tâm đào tạo, huấn luyện TDTT với số lượng 100 - 140 VĐV năng khiếu, trong đó 80 - 100 VĐV tuyến 1 và 20 - 40 VĐV tuyến 2; hằng năm tham gia thi đấu từ 20 - 25 giải thể thao quốc gia và quốc tế, phấn đấu đạt từ 150 - 180 huy chương các loại cùng một số chỉ tiêu trọng tâm khác.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, vươn tới tầm khu vực Châu Á hay thế giới, thể thao thành tích cao Quảng Bình còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là rất cần sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm giành thành tích cao ở những môn thể thao cơ bản, những môn trong hệ thống thi đấu Olympic. Để làm được điều đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đổi mới công tác tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV trẻ, VĐV tuyến đội tuyển theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với đặc điểm của từng bộ môn và từng đơn vị, địa phương có thế mạnh.

Bên cạnh đó, ngành VH&TT cũng cần tranh thủ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, đặc biệt là về kinh phí để cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác huấn luyện; cải tiến chế độ dinh dưỡng, khen thưởng cho HLV - VĐV đạt thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Các thiết chế thể dục thể thao như sân vận động, nhà thi đấu đa năng cần được xây dựng để có thể tổ chức tập luyện, thi đấu các giải quốc gia, của tỉnh thậm chí là của khu vực đạt kết quả tốt nhất. Những thiết chế thể dục thể thao này một khi được đầu tư xây dựng hiện đại, hoành tráng cũng là điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh cùng những sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật và hấp dẫn.

Có thể khẳng định, với cách đầu tư căn cơ, bền vững và có chiều sâu, trọng điểm hy vọng sẽ tiếp tục tạo được sự bứt phá cần thiết cho thể thao Quảng Bình trong mục tiêu hướng đến những tầm cao mới. Muốn làm được điều đó, ngành VH&TT cần có sự chuẩn bị tích cực, chủ động về mọi mặt, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh để động viên, khuyến khích các VĐV Quảng Bình nỗ lực từng ngày, vượt qua những khó khăn, thử thách, hướng tới những thành công mới. Người hâm mộ đang chờ đón vị thế mới của thể thao quê hương trong những năm tiếp theo ở đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Trần Vũ Khiêm

,