Bố Trạch: Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết
(QBĐT) - Tính đến sáng nay, 24/8, Bố Trạch là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất tỉnh: 277 ca (toàn tỉnh: 964 ca), tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Để chủ động khống chế SXH không để bùng phát mạnh, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bố Trạch tập trung triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy, tăng cường phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, thị trấn có nguy cơ cao.
Thông tin từ TTYT huyện Bố Trạch, hiện toàn huyện đã ghi nhận 20/28 xã, thị trấn có ca mắc SXH. Bệnh nhân SXH tập trung nhiều nhất ở địa bàn các xã, thị trấn: Thanh Trạch, Nhân Trạch, Hoàn Lão, Đại Trạch, Trung Trạch…
Mới đây nhất, trên địa bàn huyện tiếp tục ghi nhận 6 ca mắc SXH mới ở xã Cự Nẫm, các chỉ số vectơ điều tra đều ở mức cao: Chỉ số DI 0,4; chỉ số BI 33,3. Căn cứ kết quả điều tra, giám sát dịch, từ ngày 21-23/8, TTYT huyện Bố Trạch đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyên, vận động người dân tham gia diệt loăng quăng/bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi, chủ động xử lý SXH tại xã Cự Nẫm, không cho SXH bùng phát lan rộng. Như vậy, đã có 355 hộ, với hơn 1.210 nhân khẩu của thôn Tân Nẫm; khu vực chợ Cự Nẫm và Trường THPT Hùng Vương đã bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi chủ động.
Theo Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (TTYT huyện Bố Trạch) Đỗ Xuân Tính: SXH đang vào mùa cao điểm, số ca mắc trên địa bàn huyện gia tăng so với cùng kỳ. Đơn vị đã tăng cường giám sát, điều tra chỉ số côn trùng tại các địa bàn trọng điểm, hỗ trợ các trạm y tế xã, thị trấn chủ động phòng, chống SXH. Từ đầu năm đến nay, TTYT huyện tập trung hàng trăm lít hóa chất phun diệt muỗi chủ động ứng phó với SXH ở các xã trọng điểm, như: Vạn Trạch, Trung Trạch, Đại Trạch; khống chế SXH lây lan ở các xã, thị trấn: Hoàn Lão, Thanh Trạch, Nhân Trạch, Trung Trạch và Cự Nẫm.
“Tuy nhiên, đến thời điểm này, 4 xã có SXH trên địa bàn huyện Bố Trạch, gồm: Thanh Trạch, Trung Trạch, Nhân Trạch và Cự Nẫm. Vì vậy, TTYT huyện kêu gọi người dân tại các địa phương tự giác, chủ động phòng, chống SXH bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước không để muỗi vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm; diệt loăng quăng/bọ gậy, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ vừa và nhỏ; lật úp loại bỏ các dụng cụ không cần thiết, không sử dụng trong nhà để tránh cho muỗi sinh sản và phát triển. Cộng đồng cùng chung tay “Không có loăng quăng/bọ gậy, không có SXH”, bác sĩ Tính nhấn mạnh.
Nội Hà